Cắt giảm sản lượng dầu: Cần thước đo hiệu quả hơn

Trong tuần này, cuộc họp Bộ trưởng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ diễn ra tại Abu Dhabi trong bối cảnh giá dầu vẫn ở cách khá xa so với mục tiêu mà các quốc gia này đặt ra.

Thực tế, cuộc gặp gỡ của Hội đồng Bộ trưởng các quốc gia thành viên, cơ quan đứng đầu nhóm OPEC+ (bao gồm các quốc gia tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng) sẽ không thay đổi các mục tiêu mà nhóm đã đề ra, nhưng cung cấp cho thị trường những chỉ dẫn về cách thức đạt được kế hoạch.

Cho tới nay, Hội đồng Bộ trưởng vẫn kiên định với phương pháp tập trung vào việc kiểm soát và hạ sản lượng khai thác, không xác định thời gian cụ thể để giá dầu đạt tới ngưỡng mong muốn.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, tình hình ngày càng khó khăn cho OPEC+ nếu muốn tạo động lực thúc đẩy giá dầu và việc xác định lượng dầu dự trữ trên toàn cầu chưa bao giờ là dễ dàng.

Mục tiêu đầu tiên của chiến lược cắt giảm sản lượng vào tháng 11/2016 là đưa lượng dầu dự trữ trên toàn cầu về mức trung bình 5 năm.

Từ đó tới nay, mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời hơn bởi lượng dầu dự trữ trung bình 5 năm hiện tại đang cao hơn gần 200 triệu thùng so với cách đây 4 năm.

Cả mục tiêu cũ và mới đều cho thấy OPEC+ còn xa mới đạt kế hoạch.

Cả mục tiêu cũ và mới đều cho thấy OPEC+ còn xa mới đạt kế hoạch.

Khalid Al-Falih, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út từng lên tiếng về câu chuyện OPEC+ cần một mục tiêu mới và Hội đồng Bộ trường đã đi đến kết luận trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 7/2019 là thước đo lượng dầu dự trữ trung bình 5 năm không phải công cụ hiệu quả.

Do đó, OPEC+ cân nhắc sử dụng một thước đo tiêu chuẩn khác để đạt đến mục tiêu đưa thị trường dầu mỏ về ngưỡng bình thường. Ðó là lượng dầu dự trữ toàn cầu trong giai đoạn 2010-2014, thời điểm thị trường dầu mỏ được đánh giá là ổn định.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi sử dụng thước đo mới là nếu dùng, OPEC+ sẽ phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa mới có thể giảm bớt tình trạng dư cung.

Cụ thể, OPEC xác định sản lượng dầu tại các kho dự trữ thuộc khu vực OECD đạt 2.955 tỷ thùng vào cuối tháng 6/2019, cao hơn 258 triệu thùng so với mức trung bình giai đoạn 2010-2014 trong cùng tháng 6.

Diễn biến đường trung bình lượng dầu dự trữ 5 năm khu vực OECD.

Mặc dù vậy, việc sử dụng thước đo mới cho thấy OPEC và các đồng minh đang có bước đi đúng đắn hơn trong hoạt động giám sát lượng dầu dự trữ trên toàn cầu và có chiến lược cụ thể để đạt được mức “bình thường” như mục tiêu đặt ra.

Trong bối cảnh hiện tại, theo giới chuyên gia, biện pháp tốt nhất là có một mục tiêu dựa trên tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế hàng năm, khả năng nguồn cung đáp ứng được nhu cầu thị trường tính theo số ngày, thay vì chỉ là con số dự trữ đơn thuần.

Chẳng hạn, nếu tính theo phương án này, lượng dầu dự trữ tại khu vực OECD hiện tại đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong 61 ngày. Con số này chỉ nhiều hơn 3 ngày so với giai đoạn bình thường là 2010-2014.

Tuy nhiên, dù đo lường theo phương pháp nào thì có một sự thật dễ nhận thấy là lượng dầu dự trữ tại khu vực OECD nói riêng và toàn cầu nói chung đang gia tăng.

Với nhu cầu sử dụng dầu mỏ tăng trưởng chậm lại và nguồn cung từ các quốc gia không thuộc OECD gia tăng, các nhà xuất khẩu dầu mỏ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ còn phải gắn chặt với kế hoạch này trong thời gian dài hơn nữa, với mức cắt giảm sâu hơn nữa.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/cat-giam-san-luong-dau-can-thuoc-do-hieu-qua-hon-278168.html