Cắt giảm nhân sự nên là lựa chọn cuối cùng của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc các công ty khó khăn do dịch COVID-19 là bất khả kháng nhưng người sử dụng lao động cũng phải cân nhắc khi cắt giảm nhân sự.

Tình trạng dở khóc dở cười của doanh nghiệp

Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khiến một bộ phận doanh nghiệp đặc biệt là dệt may, da giày tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, dừng tạm thời dẫn đến phải hạ lương, cắt giảm hàng nghìn lao động.

Không chỉ ngành dệt may, da giày, nhiều doanh nghiệp trong nhóm sản xuất, dịch vụ phải đối mặt với tình trạng giảm lương, cắt nhân sự. Một công ty chuyên về làm các sản phẩm game ở TP HCM cũng đang loay hoay khi doanh số sụt giảm trầm trọng. Theo đại diện công ty này, sắp tới, ngoài việc cắt giảm 50% nhân sự thì số lao động còn lại cũng bị giảm 20-25% lương. Một công ty hoạt động trong ngành dịch vụ với gần 10 chi nhánh ở nhiều địa phương trong cả nước, cũng đã khẩn cấp cho nghỉ việc một lượng lớn nhân viên, bởi chỉ tính tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, duy trì bộ máy, mỗi tháng đã phải chi tới cả tỷ đồng.

“Doanh số bằng 0. Chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí Makerting, cắt giảm nhân sự ở những vị trí không cần thiết - giảm đến 40%. Lương giảm 50%, 1 số được hỗ trợ lương 20% nếu không có đóng góp gì nhiều. 2 bên đều hiểu không có giải pháp nào khác. Họ hiểu nếu nghỉ chỗ mình, đi chỗ khác họ cũng không thể tìm được việc. Đấy là cố gắng cuối cùng của doanh nghiệp”- một chủ doanh nghiệp kinh doanh rượu vang trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.

Khảo sát của VietnamWorks, mạng tìm kiếm việc làm, với 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cho thấy, trong dịch bệnh và sau giãn cách xã hội, có gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh. Tình cảnh không thể chống đỡ trước những khó khăn của đại dịch, buộc lòng nhiều doanh nghiệp phải buông bỏ nhân công, lao động rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười.

Giai đoạn “bình thường mới” đã khởi động hơn 2 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp như các doanh nghiệp vừa nêu vẫn đang loay hoay hy vọng trở lại trạng thái bình thường cũ - nếu nhìn vào doanh số thu-chi, đặc biệt là chỉ số nguồn nhân lực. “Buông bỏ” có thời hạn, rồi đến “buông bỏ” vô thời hạn là hành động cực chẳng đã của nhiều doanh nghiệp, bởi “không nuôi nổi, không thể nào níu giữ”.

Nhìn nhận về các gói cứu trợ sau dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, gói cứu trợ chỉ mang tính xúc tác, trong đó doanh nghiệp chỉ có 30% dựa vào gói cứu trợ, 70% còn lại vẫn phải dựa vào nỗ lực chủ quan. Dù biết đủ thông tin về gói cứu trợ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí và vẫn còn cần có sự chia sẻ đồng lòng từ người lao động, nên chưa tiếp cận được gói hỗ trợ.

Theo Bộ luật Lao động, doanh nghiệp cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn. Ảnh minh họa

Theo Bộ luật Lao động, doanh nghiệp cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn. Ảnh minh họa

Linh hoạt tìm lối ra

Lúc này, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp phải sáng tạo, tìm những con đường đi mới trong lúc khó khăn này. Chính phủ hỗ trợ một phần nhưng không là cái chính để doanh nghiệp trông chờ ỷ lại. Để hồi phục sau dịch, nhà nước và doanh nghiệp phải cùng xây dựng chiến lược. Dù là “chất xúc tác cần thiết” để các doanh nghiệp có thể trụ được, vực dậy, nhưng suy cho cùng thì các “gói tài chính” diện này chỉ góp một phần không phải là lời giải cho bài toán lao động thất nghiệp, không phải giải pháp có thể xua đuổi “bóng ma” thất nghiệp đang lẩn khuất đâu đó có thể tái xuất hiện.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 6 tháng qua có khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề từ mất việc làm, chiếm hơn 8% tổng lao động xã hội là con số lớn nhất từ trước đến nay. Con số lao động ảnh hưởng có thể cao hơn nhiều bởi cách thống kê và những tiêu chí chưa hoàn toàn bao phủ hết các đối tượng. Tuy nhiên, đó là những con số rất đáng chú ý và dường như bây giờ các doanh nghiệp mới bắt đầu ngấm hậu quả và tình trạng này còn có thể tiếp diễn tới tháng 10.

Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cần cẩn trọng, không thể vì khó khăn mà cắt giảm ồ ạt, tuy giải quyết được gánh nặng trước mắt nhưng khi tình hình sản xuất trở lại bình thường, việc tuyển dụng, đào tạo lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là đối với lĩnh vực dệt may, da giày, người lao động có tay nghề lâu năm, tay nghề giỏi rất khó tìm. Ở Đồng Nai, có doanh nghiệp tìm cách tri ân người lao động bằng cách tổ chức vinh danh cán bộ, công nhân có 15 năm cống hiến cho Cty. Theo đó, lãnh đạo Cty đã tặng vàng cho hàng trăm công nhân viên có 15 năm gắn bó với Cty, mỗi người được tặng 1 chỉ vàng PNJ.

Ở kịch bản tích cực là Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là cơ sở để gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Ngành dịch vụ, du lịch, ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn.

Còn nếu tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, gây ảnh hướng tới lao động, để đảm bảo quyền lợi người lao động, cần có sự phối hợp tốt giữa doanh nghiệp, nhà nước và người lao động. Ở phía doanh nghiệp, cần nói rõ nhu cầu cắt giảm lao động trước cho người lao động được biết, để người lao động chung tay chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Người lao động sẽ chủ động viết đơn xin thôi việc, nhường việc làm lại cho người lao động khác, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh. Doanh nghiệp cũng cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người lao động tự nguyện thôi việc, có nhưng vậy sẽ hài hòa lợi ích của đôi bên.

Trong trường hợp người lao động không tự nguyện xin thôi việc hoặc số người xin thôi việc ít hơn số người mà doanh nghiệp cần phải cắt giảm thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012. Thành lập các tổ công tác, trực tiếp làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chính sách với người lao động đúng pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn, đảm bảo lương tối thiểu theo quy định.

Chí Tùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cat-giam-nhan-su-nen-la-lua-chon-cuoi-cung-cua-doanh-nghiep-201996.html