Cắt giảm, đơn giản hóa 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh: Phải có áp lực mạnh để hoàn thành!

Mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là không đơn giản, đòi hỏi phải có áp lực thật mạnh đối với các Bộ ngành và từng cán bộ công chức…

Đó là quan điểm của ông Tô Hòa Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASMS) , thành viên Tổ công tác của Thủ tương Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Lúng túng “nhạc trưởng”

Tại Tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 3/7, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh, Viện Nguyên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM) đã dẫn ra một thực trạng là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản liên quan đến môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường.

“Rà soát của CIEM cho thấy có 37 vấn đề chồng chéo, không chỉ ở Nghị định mà ở cả Luật. Điều này không chỉ rủi ro cho người kinh doanh mà bản thân các cơ quan nhà nước cũng lúng túng trong thực thi. Chính vì vậy, việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là rất cần thiết…” - bà Thảo khẳng định và cho biết, trước đó đã có giải pháp “một luật sửa nhiều luật” nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề chồng chéo vì không có cơ quan kết nối, Bộ nào cũng cho là mình đúng, nên Chính phủ thành lập Tổ công tác với thành viên là đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội DN…

Theo Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long làm Tổ trưởng. Theo bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế (Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp cũng đã thành lập tổ công tác để rà soát các văn bản QPPL và đã lựa chọn xây dựng 11 hệ chuyên đề gắn với điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường để ưu tiên rà soát, tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục…

Bà Lan cũng thông tin thêm, thời gia qua, Bộ Tư pháp đã nhận được khoảng 4.000 phản ảnh từ các Bộ ngành, địa phương và DN phản ảnh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản, làm gia tăng chi phí của DN…

“Thực ra khi chưa có Tổ công tác, nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL được quy định trong Luật và thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Chính phủ thành lập Tổ công tác với sự tham gia của nhiều bộ ngành, tổ chức khác nhau nên vấn đề phát hiện nhanh hơn, xử lý cùng nhanh hơn..” - ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiếm Tổng thư ký VINASMS, phát biểu.

Đề cập đến giải pháp “một băn bản sửa nhiều văn bản”, ông Nam tỏ ra băn khoăn bởi chưa có quy định cụ thể.: “Khi phát hiện ra sự chồng chéo, quy trình tiếp theo như thế nào? Ai đề xuất lên Chính phủ? Có phải cơ quan đến tiên phát hiện không?” - đại diện VINASMS đạt vấn đề, đồng thời đề nghị theo hướng nên giao trách nhiệm này cho Bộ Tư pháp vì về pháp lý Bộ Tư pháp là cơ quan “gác cồng”, về quản lý nhà nước Bộ Tư pháp cũng có chức năng này…

Phải kiểm soát việc ban hành mới

Về mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASMS cho rằng rất khó bởi những thủ tục đơn giản đã cắt giảm bấy lâu nay, và khó hơn là lần cắt giảm này đi vào chiều sâu, đụng chạm quyền lợi nhiều ngành..

“Vì là khó nên đội ngũ cán bộ công chức không những phải nhiệt huyết mà phải giỏi để tiếp cận kiến thức, công nghệ. Ngoài ra, phải chú ý tâm lý một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức ngại thay đổi, ngại đụng chạm. Nếu không đặt quyền lợi của đất nước lên trên thì rất khó đạt được mục tiêu …” - ông Nam khẳng định

Theo đại diện CIEM, thực ra đây là sự chần chừ thay đổi chứ không phải không biết cách thay đổi. Bà Thảo dẫn chứng, không ít Bộ ngành sau khi rà soát chỉ cắt bỏ những thủ tục đơn giản, còn những thủ tục đem lại quyền lực thì vẫn giữ lại. Thế nên báo cáo của các Bộ ngành là cắt giảm đến 60% điều kiện kinh doanh nhưng thực tế thấp hơn.

“Việc rà, soát cắt giảm ngoài tuân thủ tính hợp hiến, hợp pháp cần phải trả lời câu hỏi: Thủ tục này có thực sự cần thiết cho DN không? Cơ quan nhà nước có mất quyền lực không? Có thể thay bằng hậu kiểm được không?” - bà Thảo đề nghị, đồng thời yêu cầu phải hỏi DN - đối tượng tác động. “DN rất quan trọng, tiếng nói của họ tạo áp lực thay đổi!”- Bà Thảo quả quyết.

Theo đại diện VINASMS, cùng với đó, cần kiểm soát tốt việc ban hành văn bản mới để đảm bảo văn bản ban hành không chồng chéo. “Không thể tự ra văn bản làm khó, rồi sửa, rồi báo cáo là tôi đã cải cách…”- ông Nam lưu ý.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/cat-giam-don-gian-hoa-20-chi-phi-tuan-thu-lien-quan-den-hoat-dong-kinh-doanh-phai-co-ap-luc-manh-de-hoan-thanh-527339.html