Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đạt: Vẫn còn 'ảo thuật'?

Doanh nghiệp lo ngại nhiều điều kiện kinh doanh vô lý vẫn tồn tại khiến sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường bị suy giảm.

Theo thông tin tại hội thảo đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vừa qua, nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh không đạt như yêu cầu của Chính phủ. Thậm chí, có những điều kiện kinh doanh được cắt bỏ “chẳng mang lại tác động gì”, một số điều kiện kinh doanh cắt bỏ được thay bằng một số quy định còn gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM đánh giá cao nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong thời gian vừa qua trong việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, điều bà vẫn trăn trở là vẫn còn tình trạng chưa chuyển biến đồng bộ;

Bà Lý Kim Chi dẫn ngay điều kiện kinh doanh mà các doanh nghiệp lương thực-thực phẩm đấu tranh cắt bỏ mãi vẫn chưa xong.

Theo đó, Nghị định 09/016/NĐ-CP quy định phải bổ sung iốt trong chế biến thực phẩm và vi lượng sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM và các hội ngành nghề có liên quan đã nỗ lực kiến nghị và ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP theo hướng bãi bỏ quy định ấy tại Nghị định 09.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản thực hiện, nên ngày 5/11, Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM cùng các hội ngành nghề có liên quan tiếp tục gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Y tế, thể hiện sự đồng lòng với nội dung trong Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ, kiến nghị bỏ quy định bổ sung iốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và bỏ tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.

Doanh nghiệp thực phẩm khốn khổ vì quy định tăng cường vi chất cho bột mỳ, tăng cường iốt cho muối dùng trong sản xuất.

Theo các hiệp hội, quy định trên không có hiệu quả đối với sức khỏe cộng đồng, ngược lại gây tốn kém cho xã hội, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường. Nhiều nước trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... đã không cho phép nhập các sản phẩm có bổ sung các vi chất trên.

"Chúng tôi chỉ có một mong muốn, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong lúc chúng ta đã và đang hội nhập thì phải cải cách hành chính triệt để theo đúng chỉ đạo của Chính phủ bởi quá nhiều thủ tục hành chính chỉ gây tốn kém thời gian và tiền bạc", Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh.

Chia sẻ với nỗi khổ của doanh nghiệp khi còn quá nhiều rào cản kinh doanh, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng thừa nhận Chính phủ rất kiên quyết trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng dưới "lạnh, ấm nóng chưa đều". Có những điều kiện kinh doanh cắt xong lại gộp vào cái khác; có điều kiện vô bổ, đáng lẽ phải cắt bỏ từ lâu thì giờ vẫn tính vào cắt giảm; có điều kiện chậm tiến độ cắt bỏ; và có những điều kiện kinh doanh lại uốn éo, lẩn trốn tinh vi...

"Tại sao một con lợn gánh 51 loại phí, một quả trứng gánh 13 loại phí mà người ta vẫn cố giữ? Không loại trừ có lợi ích nhóm ở đây, nếu cắt bỏ thì làm sao được phong bì, kinh phí nữa, dù cho chung hay cho riêng?

Ở nước ta, các điều kiện kinh doanh do các bộ soạn thảo, trong khi ở các nước là các chuyên viên chuyên ngành soạn thảo. Khi bộ soạn thảo điều kiện kinh doanh, rất dễ bị cài cắm lợi ích vào trong đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Vị chuyên gia kể lại câu chuyện "cái bìa bỏ chữ "a" ông trải quakhi làm lãnh đạo Công ty bách hóa TP Hà Nội cách đây hơn chục năm..

Thời điểm ấy, ông xin giấy phép phá tường không phải chịu lực ở cửa hàng bách hóa thiếu nhi. Nhân viên của ông về báo cáo "họ bảo đầy đủ cả nhưng thiếu bìa" khiến ông rất ngạc nhiên vì đã chuẩn bị đầy đủ cả.

"Lúc ấy, cô nhân viên mới giải thích cơ quan cấp giấy phép nói chúng tôi thiếu "cái bìa bỏ chữ a". Sau tôi làm liều, che bao bì lên cho đục ban đêm và chỉ mất 1 con gà làm lễ", ông Vũ Vinh Phú kể lại và khẳng định rằng đến bây giờ vẫn còn những câu chuyện như thế, chỉ có điều nó sâu sắc hơn và kín đáo hơn.

Nhấn mạnh cần cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết song ông Vũ Vinh Phú cũng bày tỏ quan điểm không nên cắt bỏ khâu tiền kiểm những mặt hàng "chui vào bụng người dân".

"Thống kê của Bộ Y tế cho hay, trong 10 tháng đầu năm 2018 xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm cướp đi sinh mạng của 15 người trên cả nước. Tôi cho rằng việc buông tiền kiểm những mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, chưa chắc đã hay, trái lại nó có thể là hậu họa.

Khi công bố các mặt hàng bao giờ người ta cũng nói hay, khi xảy ra vấn đề gì, quản lý thị trường và y tế đi kiểm tra thì sản phẩm ấy đã vào bụng hàng triệu người. Chưa kể, quản lý thị trường, y tế làm sao có quân nhiều để đi làm như thế?

Tôi từng nói, 5 năm quản lý thị trường Hà Nội mới quay lại một bà tiểu thương một lần. Vậy trong 5 năm ấy bao nhiêu sản phẩm được công bố là tốt đã vào bụng người dân? Ai mất, ai còn?

Vì thế, với điều kiện kinh doanh, cái gì cởi bỏ được thì phải cởi bỏ, nhưng cái gì cần siết thì phải dứt khoát siết, như an toàn thực phẩm", ông Vũ Vinh Phú nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-chua-dat-van-con-ao-thuat-3369449/