Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Các Bộ, ngành vào cuộc chưa 'đều tay'!

Điểm lại điều kiện kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, hiện nay đã có sự chuyển biến, vào cuộc đồng bộ hơn.

Theo VCCI, đợt rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh của năm 2018 hoàn toàn khác biệt, dù cùng tính chất là rà soát nhưng lại được thực hiện trong tâm thế chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Chính phủ đến các Bộ. Tính đến đầu tháng 6 - 2018, rất nhiều phương án được các Bộ đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm đơn giản hóa đến trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, qua quan sát, VCCI cho rằng, mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu chung, nhưng khi xem chi tiết của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”, việc cắt giảm nhiều khi không thực chất, một số ĐKKD chỉ bãi bỏ một số điểm nhỏ trong khi có thể bỏ hoàn toàn, có những sửa đổi mang tính hình thức, chiếu lệ…

Ông Đậu Anh Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. ảnh: P.Thảo

Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong Nghị định, các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi bổ sung Nghị định, mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh trong luật đây. “Đây là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát”, báo cáo của VCCI nêu.

Nhìn lại quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành trong thời gian vừa qua, Chủ tịch VCCI cho rằng, sự vào cuộc của các Bộ, ngành vẫn chưa “đều tay”. Có Bộ tích cực, có Bộ trì trệ. Nói về nhận định “trên nóng, dưới lạnh”, ông Lộc cho rằng, “cái lạnh” hiện nay nằm ở các Vụ, Cục, các chuyên viên của các Bộ, ngành, chứ không phải chỉ ở khâu thực hiện, ở các địa phương.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, trung bình mỗi năm các cơ quan Nhà nước ban hành trên dưới 1.000 văn bản QPPL và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Mỗi văn bản có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định, vì vậy trong vòng 6 tháng, có đến hàng chục nghìn quy định có tác động đến hoạt động của các DN.

Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ mong muốn quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh được thực chất hơn, trước hết là mục tiêu giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Những hành động để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 rất phong phú là đánh giá của Trưởng Ban Pháp chế VCCI - ông Đậu Anh Tuấn.

Theo ông Tuấn, đó là những cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình quản lý quy hoạch ngành, vùng, địa bàn; thúc đẩy cạnh tranh công bằng; minh bạch hóa các bản án của tòa án… Đó cũng là những Nghị định mới về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Công thương, đặc biệt là các Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí và Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Một số quy định cũng có tác động lớn đến các DN liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã được ban hành, tạo sự cải cách rõ rệt như Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã giúp các DN bớt vất vả với các thủ tục, quy trình về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đáng quan tâm, VCCI cũng cho rằng, những cải cách trong lĩnh vực tư pháp đã giúp hỗ trợ môi trường kinh doanh. Ví dụ, việc công bố án lệ thường kỳ từ năm 2016, việc cho phép gửi nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử… được coi là những cải cách đặc biệt có ý nghĩa.

Theo VCCI, nhắc đến điều kiện kinh doanh thì cộng đồng DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp. Về mặt pháp luật, các Bộ không bắt buộc phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động vì không phải là VBQPPL, nhưng việc lấy ý kiến DN sẽ cho thấy tinh thần cầu thị của cơ quan quản lý.

Việc cộng đồng DN được cùng tham gia vào quá trình đưa ra phương án cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh giúp DN có thể phản ánh được nguyện vọng của mình, cũng như cung cấp những góc nhìn thực tiễn của những đối tượng chịu sự tác động, qua đó giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những quyết sách phù hợp, góp phần khiến hoạt động rà soát mang tính chất và chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là quan trọng, nhưng kiểm soát quan trọng hơn, để đảm bảo muốn tăng một điều kiện kinh doanh nào đó thì phải giải trình và có sự giám sát.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-cac-bo-nganh-vao-cuoc-chua-deu-tay-119716.html