Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Bỏ cũ, thêm mới

Ngày 15/1, tại hội thảo công bố báo cáo về 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018', Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tuy có những 'điểm sáng', nhưng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), kiểm tra chuyên ngành…con số cũng chỉ là con số. Theo các chuyên gia, còn nhiều điểm nghẽn, rào cản có thể 'bỏ ngay lập tức, không cần tranh cãi'.

Theo VCCI, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cần được tiếp tục tháo gơÃ̉nh: Bình Phương

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, qua rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2018, có tới 25 nghị định (NĐ) do 15 bộ ngành soạn thảo, sửa đổi. 25 nghị định này thay thế cho 80 nghị định trước đó có chứa các ĐKKD. Trong số 15 bộ, ngành soạn thảo NĐ, có một số bộ ngành cầu thị, tham vấn ý kiến của cộng đồng DN qua VCCI, nhưng cũng có bộ không tham vấn. “Dường như họ chịu sức ép rất lớn của Chính phủ để NĐ được ban hành kịp thời gian, thay vì lấy kiến rộng rãi từ cộng đồng DN”- ông Tuấn bình luận.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết, việc cắt giảm ĐKKD năm 2018 có nhiều “điểm sáng”. Chẳng hạn, NĐ 154, thay thế NĐ 87 (năm 2016) đã bỏ toàn bộ ĐKKD mũ bảo hiểm. Hay, NĐ 25 đã giúp nhiều DN in bao bì thoát khỏi sự kiểm soát ngặt nghèo như lĩnh vực báo chí, xuất bản trước đó.

Cũng có nhiều NĐ đã bãi bỏ điều kiện áp đặt quy mô kinh doanh- điều mà VCCI đã lên tiếng nhiều năm. Chẳng hạn, NĐ về kinh doanh khí của Bộ Công Thương, đã bỏ yêu cầu về số lượng chai, dung tích bồn; NĐ về kinh doanh xuất khẩu gạo đã bỏ yêu cầu có kho chuyên dùng (5.000 tấn thóc), công suất tối thiểu cơ sở xay xát (10 tấn thóc/giờ)…

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng tỏ ra lo ngại, dù các NĐ mới đều đạt chỉ tiêu cắt giảm 50% ĐKKD, nhưng việc cắt giảm đó liệu có thực chất, hiệu quả không, hay “con số chỉ là những con số”. “Cũng cần kiểm chứng lại, nhưng tôi mới nghe, có DN dệt may phản ánh, những quy định về kiểm tra formaldehyde về thông tư trong 37 của Bộ Công Thương đã được bãi bỏ, nhưng thông tư 21 (sửa đổi thông tư 37) lại quy định xác nhận về fomandehyde nặng nề hơn thông tư 37”. Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng chỉ ra, việc loại bỏ các quy định liên quan đến “năng lực hành vi”, hay “phải có phương án kinh doanh”… là đương nhiên, nhưng các bộ vẫn tính con số “cắt giảm”. Điều này cho thấy không phản ánh thực chất của vấn đề.

Theo nghiên cứu của VCCI, NĐ 25 (năm 2018) của Bộ TT&TT dù có “điểm sáng”, nhưng vẫn “níu kéo”, không bỏ khi quy định người đứng đầu cơ sở in phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in trở lên, hoặc có giấy chứng nhận của Bộ TT&TT cấp… dù bị DN phản ứng dữ dội. Trong lĩnh vực của Bộ Công Thương, dù kinh doanh khí, gạo đã bãi bỏ nhiều điều kiện áp đặt quy mô, nhưng với kinh doanh rượu yêu cầu về quy mô kho hàng, hệ thống phân phối rượu (từ 2 tỉnh trở lên) vẫn đặt ra…

Ông Tuấn cũng chỉ ra, có tình trạng “bỏ cũ, thêm mới”, tức bỏ giấy phép này, nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác. Chẳng hạn, NĐ 136 (năm 2018) bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất…phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ TN&MT ban hành”. Đây được xem là giấy phép mới, gây tốn kém chi phí, khó khăn cho đối tượng phải xin phép, bị các hiệp hội phản ứng gay gắt.

Về kiểm tra chuyên ngành, theo báo cáo của VCCI, dù Chính phủ và các bộ, ngành nỗ lực cải cách nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Chẳng hạn, điều 27, NĐ 60 về hoạt động in, quy định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu, nhưng không có quy định nào về tiêu chí cấp phép với các loại máy móc này. “Đây không chỉ là sự thiếu minh bạch, cho thấy dường như bản thân cơ quan nhà nước không làm rõ được mình muốn kiểm soát gì qua giấy phép này”- ông Tuấn nói.

“Bỏ ngay lập tức, không cần bàn cãi”

TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Bắc Ninh cho rằng, vẫn còn tình trạng lợi ích của các bộ ngành nằm trong các thiết kế quy định pháp luật. “Khi chúng ta phát triển dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ qua mạng, vậy mà người dân, DN vẫn phải gặp trực tiếp thì việc mới được xử lý tốt hơn”- ông Bắc nói.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), thời gian qua, chúng ta chỉ lo đi tháo gỡ, bỏ đi những thứ do chính chúng ta đặt ra, trong khi việc cần là thúc đẩy phát triển thì chưa có. “Cái rất thiếu ở đây là chưa nhìn thấy một đạo luật, NĐ nào đó ra đời mà thoát khỏi tư duy “xóa bỏ cái tôi ban hành trước đây” và thay vào đó là một NĐ thể hiện một tư duy mới, thúc đẩy một lĩnh vực, hoạt động kinh doanh mới…”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, việc kiểm soát chất lượng của các quy định nói chung và các ĐKKD mới ban hành là một thách thức. “Tôi chứng kiến rất nhiều ĐKKD được bộ này bãi bỏ, như yêu cầu về số lượng nhân sự tối thiểu, trình độ chuyên môn…Tuy nhiên, bộ ngành khác khi ban hành NĐ khác lại tiếp tục đưa vào”- ông Hiếu nói.

Theo lãnh đạo CIEM, chúng ta chỉ “ăn mừng” ở phạm vi rất nhỏ là ĐKKD và kiểm tra chuyên ngành. “Cứ thử nhìn xem, một NĐ 30 trang, chỉ có 2 điều về ĐKKD, nhưng kèm theo đó là vô số những phương thức quản lý, nghĩa vụ DN rất lớn”.

Lãnh đạo CIEM đề xuất, Chính phủ nên chỉ đạo bãi bỏ hàng loạt các loại điều kiện mà không cần tranh cãi. Đơn cử, tại sao điều kiện phải được tập huấn bởi cơ quan nhà nước, mà không đến một tổ chức khác có điều kiện dịch tốt hơn, giá rẻ hơn. Về quy định chỉ một sở, cơ quan nhà nước được cấp chứng chỉ hành nghề. “Thử hỏi, chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên chuyên nghiệp do cơ quan tài chính Việt Nam cấp với chứng chỉ hành nghề của Hiệp hội kiểm toán của Anh, Mỹ, Úc, cấp thì cái nào tốt hơn?... Liệu chứng chỉ hành nghề kiểm toán của Việt Nam lúc ra ngước ngoài họ có thừa nhận hay không!”- ông Hiếu phân tích.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-bo-cu-them-moi-1367694.tpo