Cắt giảm chứng chỉ đối với công chức, viên chức: Xóa bỏ hình thức, ưu tiên thực chất

Gần đây, Bộ Nội vụ đã chính thức có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cắt giảm, xóa bỏ một số quy định bắt buộc về tiêu chuẩn chứng chỉ đối với công chức, viên chức. Đây là một động thái thể hiện sự lắng nghe đối với những phản hồi trong dư luận suốt nhiều năm qua. Nếu được Chính phủ thông qua, đề xuất này của Bộ Nội vụ trước mắt sẽ giải quyết được những bất cập đã tồn tại từ lâu, mặt khác đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sự cầu thị, ưu tiên thực chất thay vì hình thức. Tuy nhiên, liệu có dễ dàng không khi nguồn thu từ những hoạt động đào tạo chứng chỉ hiện nay đang khá lớn, việc xóa bỏ một số quy định sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của nhiều cá nhân và tổ chức liên quan.

Bỏ qua hình thức, tập trung vào thực chất

Bệnh hình thức là một căn bệnh đã tồn tại từ lâu trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ từ trước đến nay. Đơn cử đối với ngành giáo dục, nhiều giáo viên đã công tác hàng chục năm tại trường vẫn phải đi học, tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc để lấy chứng chỉ theo yêu cầu của nhà trường, mà đa phần đều cho rằng những khóa học này không mang lại gì ngoài những điều đã được đào tạo từ lâu.

Đề xuất bỏ hàng loạt chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức (Ảnh minh họa)

Đề xuất bỏ hàng loạt chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV, một cô giáo mầm non tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tôi công tác tại trường tính đến nay đã là 12 năm. Từ những năm đầu, tôi lần lượt học hết cao đẳng rồi đại học sư phạm về mầm non, thời gian đó rất vất vả vì phải vừa học vừa làm. Tuy nhiên năm nào tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được nhà trường khen thưởng. Gần đây tôi được biết cần phải có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để không bị tụt hạng, giảm lương. Tôi bất đắc dĩ phải cắt xén bớt thời gian dành cho gia đình để đi học, mặt khác vẫn phải đảm bảo thời gian làm việc ở trường nhưng chỉ được học lại những thứ đã biết hoặc không áp dụng được vào thực tiễn. Việc này rõ ràng chỉ mang tính hình thức, theo tôi nên bỏ để tránh phiền toái”.

Ảnh minh họa

Trong báo cáo đề xuất của Bộ Nội vụ tới Thủ tướng Chính phủ có đề nghị cắt giảm các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức, theo đó đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Một trong những bất cập trong công tác bổ nhiệm, nâng ngạch công chức hay thăng hạng viên chức - chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cũng được Bộ Nội vụ đề xuất bỏ.

Ngày 01/06/2021, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh trao đổi với báo chí, ông cho rằng: “Đề xuất này sẽ giúp công chức, viên chức không mất thời gian nhiều để đầu tư cho việc học hành, tiết kiệm tiền của. Tuy nhiên bỏ quy định này không có nghĩa là không cần ngoại ngữ, tin học nữa. Đây là quy định về năng lực. Thủ tướng đã có quyết định về chương trình đào tạo ngoại ngữ quốc gia, chương trình đào tạo ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tùy yêu cầu vị trí việc làm, cơ quan sử dụng trong thực tế vẫn phải có quy định”. Như vậy, các tiêu chuẩn về chứng chỉ, bằng cấp sẽ đi sâu vào tính thực chất hơn. Và như trong một chương trình truyền hình khá bổ biến, những cán bộ đang gặp phải phiền toái vì những yêu cầu chứng chỉ thiếu thiết thực có lẽ sẽ phải thốt lên “Ơn giời…!”.

Loại bỏ “mê hồn trận” chứng chỉ, liệu có dễ dàng?

Theo báo cáo số 135/BC-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2020, có gần ba triệu công chức và viên chức đang làm việc trên cả nước. Trong suốt hai thập kỉ trở lại đây, có ba loại chứng chỉ thuộc diện bắt buộc phải có của cán bộ công chức và viên chức nếu muốn lên tới cấp lãnh đạo, quản lý:

Loại thứ nhất là những chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm.

Loại thứ hai là các chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bao gồm: Chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Trong đó, chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị chỉ yêu cầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương. Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức. 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ; 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ.

Loại thứ ba là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm. Theo quy định, chứng chỉ này không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Với một mê hồn trận bao vây gần 3 triệu con người như vậy, dễ thấy hoạt động đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ là một thị trường rất lớn, tạo ra nguồn thu không nhỏ cho những cá nhân và tổ chức liên quan. Việc loại bỏ các tiêu chuẩn chứng chỉ trong báo cáo đề xuất của Bộ Nội vụ tới Thủ tướng Chính phủ đương nhiên sẽ khiến rất nhiều người nảy sinh “tâm tư”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thể hiện rõ sự quyết tâm và lạc quan khi trả lời báo chí vào ngày 05.06.2021: “Bộ Nội vụ không gặp khó khăn và rào cản nào khi đưa ra các đề xuất, thậm chí còn nhận được sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ. Còn về lợi ích, thẳng thắn mà nói là có ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, việc có người này, người kia tâm tư là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu người và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm “gánh nặng” đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng không quá phải lo lắng nếu các đơn vị này tự thay đổi, chuyển mình, hướng tới chất lượng, nhu cầu của người được đào tạo, bồi dưỡng”.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/cat-giam-chung-chi-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-xoa-bo-hinh-thuc-uu-tien-thuc-chat-22714/