Cắt được 'cầu' sẽ hết 'cung'

Tra cứu từ khóa 'nhận làm giấy tờ giả' trên Google, chỉ trong 0,42 giây đã cho tới 18.200.000 kết quả với những lời giới thiệu như 'phôi chuẩn', 'nhận làm tất cả các loại giấy tờ'...

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Thực tế, đây là một cái chợ, với đầy đủ các loại hàng giả mà như thật như bằng tốt nghiệp đại học, sổ hộ khẩu giả, chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe... Ai có nhu cầu đều được đáp ứng với mức giá tùy thuộc vào “mức độ thật” và “giá trị” khi sử dụng...

Thực tế, chẳng có ai rảnh đến mức một ngày đẹp trời nào đó lại có hứng lướt mạng, tìm một “địa chỉ uy tín” để đặt làm một loại giấy tờ, bằng cấp nào đó để chơi, để làm kỷ niệm mà việc này chỉ có thể xảy ra khi có “mục đích cụ thể”, đó là cần phải có các loại giấy tờ này nhưng không đủ điều kiện để được cấp hoặc sử dụng những giấy tờ này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vậy nên, dù là bất hợp pháp, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng “chợ” này vẫn tồn tại được trước tiên là bởi vẫn có nhu cầu. Cơ quan chức năng biết nhưng để xử lý không phải đơn giản.

Về lý, việc làm, sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả nếu bị phát hiện, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Vậy nhưng nếu xét về khái niệm thì pháp luật hiện hành không quy định thế nào là “giấy tờ giả” mà chỉ có thể hiểu, giấy tờ giả là những giấy tờ không phải là thật, không được làm ra theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn pháp luật quy định, không do cơ quan có thẩm quyền cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật nhằm đánh lừa, lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để vụ lợi hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân...

Cũng bởi vậy mà khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về tình trạng mua, bán giấy tờ, chứng chỉ giả và hoạt động này ở trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm, đường dây làm, sản xuất giấy tờ, chứng chỉ giả, thậm chí có những tổ chức quy mô rất lớn, có những vụ thu đến 1.500 mẫu dấu, công cụ máy móc để phục vụ cho việc làm tài liệu giả, con dấu giả...

Những người này cũng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả các bằng tốt nghiệp để phục vụ cho việc đề bạt, tuyển dụng cán bộ. Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng giấy tờ giả.

Bởi vậy, Bộ trưởng đề xuất đã đến lúc cần xử lý hình sự những người sử dụng giấy tờ, chứng chỉ giả kể cả cán bộ, công chức; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm làm các giấy tờ giả cũng như quảng bá, mua bán các giấy tờ giả trên Internet; đề xuất các cơ quan rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý theo nghiêm quy định pháp luật bởi trước đây, với một số người sử dụng giấy tờ giả, hầu như “nặng” về xử lý hành chính, ít khi xử lý về hình sự...

Để ngăn chặn tình trạng làm, sử dụng giấy tờ giả thì trước tiên phải “cắt” được “cầu”. Đây là “gốc” của vấn đề vì không có “cầu” thì chắc chắn “cung” sẽ không tồn tại. Muốn vậy, ngoài chế tài nghiêm khắc đối với người làm, phải xử lý cả người sử dụng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/cat-duoc-cau-se-het-cung-ErcUOj2MR.html