Cắt đôi que xét nghiệm HIV ở Xanh Pôn: Mua danh ba vạn bán danh ba đồng?

Vụ việc nhân viên y tế ở khoa vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cắt đôi que xét nghiệm HIV và viêm gan B gây bức xúc trong dư luận.

Hình ảnh nhân viên y tế khoa Vi sinh, Bệnh viện Xanh Pôn cắt que xét nghiệm

Hình ảnh nhân viên y tế khoa Vi sinh, Bệnh viện Xanh Pôn cắt que xét nghiệm

Nhiều bác sĩ ngỡ ngàng cho rằng họ thực sự thấy xấu hổ khi đọc những tin tức này. Có người khẳng định gần 40 năm trong nghề sinh hóa họ chưa gặp trường hợp nào cắt que xét nghiệm như thế này.

Bác sĩ Phan Xuân Trung – Trung tâm Y khoa Hòa Hảo, TP.HCM cho biết việc cắt que thử máu xét nghiệm HIV và viêm gan B không phải lạ mà vài chục năm trước ông đã gặp.

Bác sĩ Trung kể năm 1987, khi ông vào thực tập làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ông thấy kỹ sư của bệnh viện đã ngồi cắt đôi các que thử thành 2 que nhỏ hơn. Công việc so màu mẫu thử cũng xảy ra y như việc không cắt đôi.

Hầu như nhân viên của bệnh viện làm việc đó một cách vô tư, ai cũng biết và không ai có ý kiến gì. Vì đó là xét nghiệm định tính, dù miếng thử nhỏ hay lớn thì phản ứng màu vẫn như nhau. Hơn nữa, bản thân nhân viên y tế cũng không trực tiếp thu tiền nên không có chuyện tư lợi. Nhân viên cắt đôi như vậy là để tiết kiệm que thử trong thời buổi khó mua hóa chất chứ không phải là vì tư lợi cá nhân.

Trong câu chuyện chẻ đôi que thuốc thử và trộn chung 4 mẫu vào chung 1 giếng là dùng để định tính và sàng lọc. Hầu hết áp dụng cho người bình thường, để phân loại nhanh nhóm người không mắc bệnh. Còn nếu để theo dõi điều trị thì phải dùng xét nghiệm định lượng để có con số chính xác số lượng virus - bác sĩ Trung cho biết.

Theo quan điểm nhìn nhận vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn của bác sĩ Trung hành động của nhân viên y tế trong khoa vi sinh bệnh viện Xanh Pôn đã thực hiện công việc chẻ đôi que xét nghiệm này theo... truyền thống, có từ thời chiến tranh hay bao cấp. Nó thành quán tính và cảm thấy xót của nếu phải dùng nguyên que thử cho mỗi xét nghiệm, khi biết trước rằng hầu hết sẽ là âm tính, là vứt đi. Nếu kết tội thì đó là tội sáng kiến tiết kiệm, ky bo của con nhà nghèo, trừ khi tìm ra dấu hiệu của ăn gian, tư túi.

Cũng có câu chuyện ăn vụng "nửa vầng trăng" trong bệnh viện và đã có người rơi vào cảnh bán danh ba đồng. Bác sĩ Trung cho biết điều này thường xảy ra ở bệnh viện Nhi. Lẽ ra trẻ em phải được dùng thuốc bào chế riêng cho trẻ em với hàm lượng phù hợp cân nặng, nhưng trẻ em nước ta hầu hết phải dùng thuốc của người lớn. Bác sĩ kê bé uống ngày 3 lần, mỗi lần 250mg. Cô y tá lấy viên 1000mg bẻ làm tư, phát ngày 3 lần, mỗi lần một góc tư, còn thừa một góc tư cô để dành đó. 4 cái góc tư cộng lại thành một viên tròn. Cô đổi qua, đổi lại, biến thuốc thừa thành thuốc nguyên viên.

Giá trị của những viên thuốc cóp nhặt đó chẳng đáng giá là bao nhiêu, nhưng đụng vô là cô mang tội ăn cắp.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn – công tác tại Hà Nội cho rằng việc cắt đôi que thử và trộn 3 mẫu huyết thanh như thông tin của nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã làm không phải lạ. Cách làm này bác sĩ Tuấn cho biết “chúng tôi đã làm từ năm 2000. Thời đó khan hiếm vật tư nhưng vì yêu cầu công việc bắt buộc phải làm như vậy, không có vụ lợi. Có thử nghiệm và thông qua hội đồng cấp cao nhất”.

Bác sĩ Ngọc Hiền – công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội cũng thấy lạ nếu 30 năm trước các bệnh viện khuyến khích tiết kiệm vật tư thì người ta có cắt đôi, chẻ đôi nhưng hiện nay thì hoàn toàn ngược lại. Vật tư tiêu hao thậm chí còn được khuyến khích sử dụng nhiều, chỉ định rộng rãi hơn. Hành động của nhân viên khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cần làm rõ vì động cơ gì đơn giản chỉ tiết kiệm hay gian lận vật tư. Nhưng với số tiền vật tư vài nghìn que thử thì những nhân viên y tế ở đây đang thực sự bán danh ba đồng.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cat-doi-que-xet-nghiem-mua-danh-ba-van-ban-danh-ba-dong-post325094.info