Cát biển quý hơn cát sông

LTS: Nhân sự việc Bộ Quốc phòng xin xuất khẩu 25 triệu mét khối cát nhiễm mặn, tuần trước, TBKTSG có đăng bài viết tựa đề Đừng tạo tiền lệ 'cơ chế đặc thù cá biệt' với... cát của tác giả Tô Văn Trường, phân tích thực trạng quản lý và khai thác loại tài nguyên khoáng sản này đang dẫn đến mất cân đối cung - cầu, và đề nghị không nên xuất khẩu. Tuần này, tòa soạn nhận được những ý kiến góp thêm dưới đây của TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, về những đặc tính và giá trị sử dụng của cát biển trong lĩnh vực xây dựng.

Khai thác trái phép ở Cần Giờ, TPHCM. Nguồn: VOV

Cát nói chung, cát biển nói riêng, được đánh giá là loại vật liệu không thể thay thế trong tất cả các lĩnh vực của ngành xây dựng. Cát được phân thành ba loại: cát sông, cát biển và cát mỏ (gồm các mỏ cát tự nhiên và/hoặc mỏ cát thứ sinh - bãi thải đất đá trong khai thác mỏ, bãi thải xỉ của các nhà máy nhiệt điện than).

So với cát sông, cát biển có đặc tính tự nhiên nói chung ưu việt hơn, như giữ được hình dạng tốt hơn trong trạng thái ẩm/ướt; sạch hơn về mặt môi trường; nhanh khô hơn; không chứa các sinh vật nguy hại cho sức khỏe con người. Từ đó, cát biển có các đặc tính kỹ thuật và đặc tính sử dụng đáng chú ý như sau:

- Nhờ nhanh ráo nên độ “mặn” của cát biển dễ được xử lý với chi phí rất thấp (chỉ cần phơi khô).

- Nhờ hình dạng góc cạnh và bề mặt thô nháp, cát biển cho độ bám dính và liên kết với dung dịch xi măng cần thiết cho bê tông. Cát biển thường được sử dụng nhiều hơn để sản xuất bê tông nạc (đòi hỏi độ bền thấp hơn).

- Cát biển “sạch” (không chứa các tạp chất hữu cơ và khoáng vật sét, là những chất có hại trong sử dụng), hàm lượng sét 0%, hệ số lọc của cát biển rất cao... Nhờ các đặc tính kỹ thuật này, cát biển ngày càng được sử dụng nhiều để làm chất độn sản xuất nhiều hợp chất khô và lỏng dùng trong xây dựng; sản xuất các vật liệu bê tông và bê tông cốt thép; làm “áo” cho các (mặt) đường giao thông; xây dựng các công trình đập ngăn, đập chắn; làm nền móng...

- Cát biển còn được dùng trong việc hoàn thiện, trang trí công trình (nhờ có độ tinh khiết cao, vừa đảm bảo chất lượng của hỗn hợp xây/trát vừa không ảnh hưởng xấu đến màu sắc của công trình).

- Với màu sắc phong phú, cát biển còn được sử dụng trong thiết kế các hạng mục sân vườn, lối đi...

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc sử dụng cát biển để sản xuất bê tông cho phép giảm tỷ lệ xi măng mà vẫn đạt được chất lượng bê tông tương tự. Trong làm đường, việc sử dụng cát biển làm nền cho phép giảm đáng kể các chất kết dính và nâng cao chất lượng của hỗn hợp nhựa đường. Cát biển có thể được sử dụng nhằm giảm giá thành và tăng chất lượng trong sản xuất gạch xây và gạch bó vỉa hè. Chính vì vậy, giá thành bê tông sử dụng cát biển có thể thấp hơn giá thành bê tông sử dụng cát sông nên ngày càng có nhiều nhà xây dựng có xu hướng sử dụng cát biển thay cho cát sông. Ngoài ra, cát biển vẫn thường được sử dụng để làm sạch (tẩy rửa) các bề mặt hay cấu kiện kim loại.

Nhược điểm của việc sử dụng cát biển là chi phí khai thác còn cao do quy trình thu hồi/khai thác cát từ đáy biển đòi hỏi sử dụng các phương tiện/thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, các công nghệ khai thác cát biển đang ngày càng được hoàn thiện với công suất lớn, dễ vận hành. Trước khi sử dụng, cát biển cần được sàng phân loại, làm sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó qua công đoạn xử lý bằng nước để đạt được các tính chất phù hợp. Tuy nhiên, chi phí trong các công đoạn này không lớn. Nếu xét mối tương quan giữa đặc tính kỹ thuật và chi phí khai thác của ba loại: cát biển, cát sông, cát mỏ để tính điểm, xếp hạng, thì cát biển xếp thứ hạng cao nhất.

Tóm lại, về mặt kỹ thuật, cát biển có nhiều ưu thế để thay thế hoàn toàn cát khai thác từ sông hay từ mỏ. Về mặt kinh tế, cát biển rẻ hơn cát mỏ và đang dần có tính cạnh tranh cao so với cát sông.

Trong điều kiện của Việt Nam, khi cát sông cần được hạn chế khai thác làm cát xây dựng thì cát biển và cát mỏ thứ sinh là phương án thay thế phù hợp, theo các hướng:

- Tận dụng cát biển thu được trong quá trình nạo vét đáy biển, đưa lên bờ khử mặn bằng nước mưa (nước ngọt) và để khô tự nhiên. Sau một thời gian chỉ cần sàng phân loại đến cỡ hạt cần thiết.

- Tận dụng lượng cát khổng lồ thải ra từ quá trình khai thác/chế biến titan (sau khi loại bỏ thành phần sét trong cát nhờ quy trình thu hồi ilmenit trong các tầng cát đỏ, cát trắng ở các mỏ titan sa khoáng ven biển).

- Tổ chức thu hồi thành phần SiO2 (cát) thường chiếm tỷ trọng rất cao trong xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Tài liệu tham khảo:

http://news.21.by/news-biz_info/3516.html

https://blogstroiki.ru/fundament-2/primenenie-morskogo-peska-v-stroitelstve/

http://nerudr.ru/staty/morskoy_pesok_material.php

TS. Nguyễn Thành Sơn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276682/cat-bien-quy-hon-cat-song.html