Carolyn và những mảnh ghép mang tên 'Việt Nam'

Bà Carolyn White (Bang Michigan, Mỹ) không bao giờ có thể nghĩ rằng, những mảnh ghép của cuộc đời mình lại có bóng dáng của những con người từ một đất nước xa lạ - Việt Nam.

Con tem màu xanh

Carolyn có một bộ sưu tập tem, trong đó có một con tem bà rất thích. Con tem bé bé, có hình con rồng màu xanh trên nền đỏ và đến từ Việt Nam. Cô bé 12 tuổi Carolyn hỏi cha: “Việt Nam nằm ở đâu?”. Nhưng Carolyn còn quá bé để hình dung được. Mặc dù vậy, không hiểu sao Carolyn lại có “một cảm giác tốt đẹp về Việt Nam”.

Năm 1967, khi học đại học năm thứ ba tại The State University of New York, Carolyn được chọn học tiếp hai năm còn lại tại bất kỳ nước nào bà muốn. Carolyn đã chọn Pháp. Đó cũng là cơ hội đầu tiên giúp Carolyn biết nhiều hơn về Việt Nam. “Tôi nghĩ sinh viên Việt Nam là những người giỏi nhất lúc đó. Giáo viên người Pháp của tôi cũng nhận xét như vậy. Bất cứ người Mỹ nào biết một ít về giáo dục thì họ cũng đều biết sinh viên Việt Nam rất giỏi. Đó là một trong những điều khác, ngoài chiến tranh, mà người Mỹ biết về Việt Nam”, Carolyn nói.

Thời điểm đó, Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam, và những sinh viên Việt Nam học tại Pháp lúc bấy giờ thể hiện mạnh mẽ quan điểm chống chiến tranh. Sinh viên Việt Nam tổ chức buổi thảo luận về chiến tranh Việt Nam và muốn bà tham gia bởi bà là một trong những sinh viên Mỹ nói tiếng Pháp rất tốt. Carolyn cố gắng đọc, tìm hiểu để biết nhiều hơn về Việt Nam. Một vài người bạn cho bà mấy cuốn sách. Những cuốn sách quan trọng với bà. Những cuốn sách ghi lại sự kiện những người thanh niên trẻ Mỹ tham chiến và hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Những người Mỹ rất đau lòng khi biết được điều đó.

Cho đến lúc đó, Carolyn cũng giống với hầu như những người Mỹ khác biết đến Việt Nam qua “VietNam War” (Chiến tranh Việt Nam). Việt Nam với Carolyn là một nước Đông Nam Á bé nhỏ và một đất nước kỳ lạ - nơi “cuộc chiến tranh đầu tiên của Mỹ không kết thúc trong chiến thắng”. Carolyn thậm chí không nghĩ rằng có một ngày bà biết và hiểu Việt Nam nhiều hơn thế.

Và cuộc gặp gỡ kỳ diệu...

Sau hai năm học ở Pháp, Carolyn trở về Michigan (Mỹ) và bà lấy chồng. Chồng Carolyn là giáo sư đại học. Vì tính chất công việc của chồng, Carolyn cùng ông đi khắp nơi trên thế giới. Khi ở Béc-lin (Đức), Carolyn trải qua một biến cố lớn về tinh thần. Đó là năm 1986. “Tất cả những điều tôi muốn lúc đó chỉ là về nhà”, đôi mắt Carolyn ánh nước. Anh trai Carolyn lập tức từ Mỹ bay sang Đức và đưa bà về Michigan. Lúc đó, Carolyn đọc được cuốn sách “Miracle of mindfulness” (Điều kỳ diệu của Thiền Chánh niệm) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách thay đổi cách nhìn của Carolyn về chính bản thân mình và những điều bà đang phải đối mặt. Nhờ đó, bà vượt qua được trầm cảm. Carolyn cũng tìm thấy ở Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người bà gọi trìu mến bằng tiếng Việt là “Thầy” – một tấm lòng từ bi và trắc ẩn đối với mọi người.

“Tại sao bà không đi gặp ông ấy (Thiền sư Thích Nhất Hạnh – PV)", một người bạn khi biết chuyện đã thúc giục Carolyn. Carolyn bắt đầu tìm hiểu và biết Thích Nhất Hạnh sống ở một ngôi làng nhỏ ở Pháp và bà nung nấu ý định đến đó.

Thật may mắn, cũng trong năm đó (1987), Thiền sư Thích Nhất Hạnh có buổi dạy Thiền Chánh niệm ở thành phố New York. Nghe tin, bà vội vã lên đường. “Bạn tin được không? Có khoảng 1.200 người Mỹ tham gia buổi Thiền Chánh niệm này. Thật kỳ diệu!”, Carolyn hào hứng. Bà được ghép nhóm cùng với những người đến từ bang Michigan và luyện tập Thiền Chánh niệm cùng nhau trong năm ngày.

Khi trở về Michigan, Carolyn cùng những người bạn tham gia các nhóm tập Thiền khác nhau như nhóm của Thái-lan và Trung Quốc. Nhưng Carolyn vẫn không tìm thấy những người chung chí hướng với mình. Cho đến một ngày, trên xe trở về nhà, trong tâm trí buồn bã vì vẫn không tìm được nhóm thiền thích hợp, Carolyn và bốn người bạn Mỹ chợt nhận ra chính họ đã là một nhóm. Từ đó, Carolyn bắt đầu khởi động nhóm thiền của mình.

Cho đến khi Carolyn biết đến cộng đồng người Việt ở Michigan. Bà và mọi người nghĩ rằng, họ biết tiếng Việt và họ có thể giúp nhóm thiền của mình. Carolyn hồi hộp bốc máy gọi cho ông Lợi – Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Michigan lúc bấy giờ. Cách đó một dãy nhà, người đàn ông chậm rãi nói trong điện thoại: “Tôi đã chờ cuộc gọi này từ lâu lắm rồi”. Vậy mà Carolyn đã mải miết đi tìm trong một thời gian quá dài. Từ năm 1999, Carolyn và nhóm Thiền có một chỗ tập riêng ở ngôi chùa của người Việt.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa Carolyn đến với đạo Phật, và cũng đưa bà đến gần hơn với con người và văn hóa Việt Nam. Carolyn thích "Truyện Kiều". Carolyn nói, "Truyện Kiều" có nhắc nhiều về chữ Duyên. Carolyn và Việt Nam - dường như cũng như vậy. Carolyn không hiểu hết được từng chương đoạn của "Truyện Kiều" nhưng bà say mê khám phá nó. Bà thích cách viết theo thể lục bát. Carolyn chưa từng nghe về điều đó và bà bắt đầu tập làm thơ theo thể lục bát. Carolyn cười thích thú khi đọc đoạn miêu tả Thúy Kiều, Thúy Vân, khi biết thêm về “Sở Khanh”. Với bà, mọi thứ thuộc về "Truyện Kiều" thật “amazing”! Và Carolyn mong một ngày nào đó, bà có thể dịch "Truyện Kiều" bằng tiếng Anh, theo cách của bà!

Ngôi nhà tâm tưởng

Không hiểu vì sao Carolyn lại thích đến chùa hơn là nhà thờ. Khi đến nhà thờ, cha xứ giảng đạo và các con chiên ngồi im lặng, ngoan đạo lắng nghe. Nhưng khi đi chùa Việt, mọi người di chuyển và nói chuyện với nhau. Carolyn là người Do Thái, và bà thấy gần gũi như gặp lại một phần của bộ lạc của mình ở đó.

Carolyn không bao giờ nghĩ mình lại có thể gần gũi với Việt Nam đến như vậy. Khi mẹ Carolyn mất, những người bạn Việt Nam bảo bà mang bức hình của mẹ lên chùa. Ở đó, sư trụ trì tụng kinh cho mẹ Carolyn trong 49 ngày. Trong 49 ngày đó, cả người Mỹ và Việt Nam cùng tham gia cầu nguyện. Họ tụng kinh theo những cách khác nhau. Carolyn chỉ hiểu hai thứ trong những bài tụng kinh đó: tên của mẹ và tên của bà. Nếu bây giờ ai đến ngôi chùa nhỏ ở Michigan sẽ thấy có một bàn thờ để di ảnh của một người phụ nữ Mỹ, đó chính là mẹ của Carolyn. Nơi đó dần dần trở thành thế giới của riêng bà…

Trong những ngày trái tim Carolyn chông chênh, một người phụ nữ Việt Nam nấu cho Carolyn ăn và bà ăn rất ngon miệng. Người đó còn dạy bà tiếng Việt. Mỗi buổi chiều, Carolyn và ni cô cùng nhau đi dạo dưới những tán cây rừng già. Ni cô không nói được tiếng Anh nhưng lại có thể dạy cho bà tiếng Việt. Carolyn học được tất cả 25 từ tiếng Việt.

Nghe và biết nhiều về Việt Nam, nhưng phải đến năm 2001 Carolyn mới đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Carolyn thăm thú Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và Hạ Long. Giao thông Sài Gòn với Carolyn rất “crazy”, nhưng Carolyn có thể tự băng qua đường được. Carolyn thích nhất khi ở Vịnh Hạ Long. “Một vẻ đẹp hiếm có và khác biệt so với tất cả những nơi khác”, Carolyn trầm trồ.

Ngôi nhà nhỏ của Carolyn có nhiều vật lưu niệm bà mang về từ Việt Nam. Một bức tranh thêu cảnh nông thôn Việt Nam treo trang trọng nơi góc làm việc của chồng bà. Đó cũng là nơi Carolyn lưu giữ tất cả những ký ức đẹp đẽ của bà về thời thơ ấu, về tuổi trẻ xê dịch và về người chồng quá cố. Bức tranh mang đến sự yên bình: một chú bé chăn trâu thả diều, trong khung cảnh nắng chiều dần tắt. Carolyn mua nó từ một người phụ nữ khuyết tật trên đường phố Hà Nội.

Carolyn không bao giờ đi ra khỏi nhà nếu không có mũ. Trong chuyến du lịch Việt Nam, bước vào một cửa hàng, bà đặt ngay chiếc mũ đang đội trên đầu xuống, chỉ vào đống mũ rộng vành đang bày bán và bảo chủ cửa hàng lấy cho bà ba chiếc mũ. Nhưng giờ Carolyn chỉ còn hai chiếc mũ. Một lần, Carolyn lái xe máy điện, bà để chiếc mũ đội đầu trên chiếc giỏ xe. Một cơn gió đã cuốn nó đi mất mà bà không biết. “Trái tim tôi tan vỡ vì điều đó”, Carolyn nói.

Carolyn còn có một chiếc nón lá, một đôi găng tay “đi nắng” màu xanh. “Tôi chưa bao giờ đi chiếc găng tay này. Nhưng mùa hè này, khi đi xe máy điện tôi sẽ thử đội mũ rộng vành và đeo găng tay xanh. Woa, tôi sẽ giống một người phụ nữ Việt Nam thứ thiệt!!”, tiếng Carolyn cười giòn tan.

***

Carolyn không bao giờ thôi hết ngạc nhiên vì mình đã hiểu và gắn kết với đất nước Việt Nam nhiều đến như vậy. Bà cũng không bao giờ định nghĩa được hai tiếng “Việt Nam” trong trái tim mình. Mỗi mùa vu lan, cũng như những người Việt Nam khác, Carolyn lên chùa thắp nhang cho mẹ. Carolyn nhớ mãi hình ảnh nơi sân chùa, các sư thầy, sư cô dạy bà cách gói bánh chưng. Đêm đó, bà cùng mọi người đun bánh chưng bên ánh lửa bập bùng. Câu chuyện sự tích bánh chưng bà được nghe kể, giờ bà đã viết lại theo trí nhớ. Bà gọi nó là “Earth Cake” (Bánh Trái đất). Tết này, Carolyn cùng những người bạn trong nhóm thiền cũng sẽ quây quần đón Tết…

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/35612902-carolyn-va-nhung-manh-ghep-mang-ten-%E2%80%9Cviet-nam%E2%80%9D.html