Cặp vợ chồng mắc Covid-19 khi tham dự bữa tiệc 200 người ở Singapore

Ông Tan, 66 tuổi, và vợ không thể quên khoảng thời gian ác mộng vì mắc Covid-19 sau khi tham dự bữa tiệc tối tại khu giải trí Safra Jurong, cụm dịch lớn nhất tại Singapore.

Ngày 15/2, ông Tan và vợ đã tham dự bữa tiệc đón năm mới kéo dài suốt 5 giờ tại một nhà hàng ở khu giải trí Safra Jurong. "Bầu không khí rộn ràng và mọi người rất vui vẻ", người đàn ông 66 tuổi chia sẻ.

Tuy nhiên, bữa tối này sau đó được xác định là một trong những cụm dịch virus corona lớn nhất ở Singapore với 47 trường hợp mắc Covid-19.

Chưa bao giờ ông Tan, người ngồi ở bàn số 28, tưởng tượng được về cơn ác mộng của họ khi phải chiến đấu để sống sót trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và mất nhiều thời gian trị liệu để học cách đi lại, nói chuyện.

3 tuần sau bữa tiệc, ông Tan, nhân viên chế biến thực phẩm, đã nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Vài ngày sau đó, ông bị viêm phổi nặng, thở khó và nguy kịch.

Quyết định sai lầm khi tham gia tiệc tối

Ba năm trước, ông Tan và vợ đã tham gia một nhóm hát tiếng Phúc Kiến do cô Liang Fengyi, giáo viên âm nhạc, đứng đầu. Dù biết tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, là thành viên của nhóm nhạc, hai vợ chồng quyết định tham gia bữa tiệc do cô Liang tổ chức tại nhà hàng Joy Garden ở khu vui chơi giải trí Safra Jurong.

Thời điểm này, Singapore đã có hơn 70 trường hợp mắc Covid-19 và nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên màu cam, mức cảnh báo thứ hai, sau hơn một tuần. 200 khách phải kiểm tra thân nhiệt trước khi tham dự bữa tiệc có khoảng 30 bàn.

"Chúng tôi không biết tất cả người ngồi cùng bàn với mình tối hôm đó. Nhưng không có ai có triệu chứng bệnh gì đặc biệt", ông Tan chia sẻ.

 Bữa tiệc tối tại Safra Jurong là nơi bắt nguồn của cụm dịch Covid-19 lớn với 47 trường hợp. Ảnh: Todayonline.

Bữa tiệc tối tại Safra Jurong là nơi bắt nguồn của cụm dịch Covid-19 lớn với 47 trường hợp. Ảnh: Todayonline.

Ông Tan cho rằng hai vợ chồng là những người nhiễm virus duy nhất ở bàn 10 người. "Chúng tôi không nói chuyện nhiều với mọi người và cũng không di chuyển sang bàn khác. Nhưng có một số người đã tới bàn của tôi để chụp ảnh. Nhưng chúng tôi rất cẩn thận đã không bắt tay họ để phòng bệnh", ông Tan khẳng định.

Tối hôm đó, hai vợ chồng rửa tay thật kỹ khi đi vệ sinh tại nhà hàng. Khi trở về nhà, họ cũng đi thẳng vào phòng tắm.

Ông Tan là người đầu tiên trong bữa tiệc xuất hiện các triệu chứng bệnh. Ông bị cảm lạnh vào ngày 24/2 và đã đi khám tại phòng khám tư cùng ngày. Vào ngày 29/2 và 1/3, ông tiếp tục đến bác sĩ sau khi các triệu chứng bệnh không giảm.

Trong vài ngày tiếp theo, ông Tan thấy mệt mỏi và không ăn uống nhiều. Ông bị đau nhức xương và lưng, dành phần lớn thời gian nằm trên giường.

Vào ngày 4/3, một người thân đã đưa ông Tan đến khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Tổng hợp Ng Teng Fong. Tối hôm đó, bác sĩ đã gọi điện cho vợ ông sau khi nghi ngờ ông nhiễm virus corona và yêu cầu bà tới viện để làm xét nghiệm.

Bà Tan sau đó được khuyên nhập viện ngay lập tức, thậm chí bà còn không chuẩn bị đủ đồ đạc, chỉ mang theo điện thoại, bộ sạc và chai nước, khi xe cứu thương tới đón. "Tôi chỉ có một bộ quần áo mặc trên người. Nó xảy ra khá bất ngờ", bà Tan cho hay.

Vào ngày 6/3, cả hai vợ chồng được thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hai con gái trong độ tuổi 40 của họ, 4 đứa cháu và một người giúp việc sống cùng họ đã được cách ly. Rất may, không ai bị lây nhiễm virus. "Chúng tôi rất lo lắng rằng mình có thể đã vô tình truyền virus cho những người mà chúng tôi tiếp xúc", ông Tan chia sẻ.

Nhân viên y tế theo dõi tình trạng của ông Tan tại Bệnh viện Tổng hợp Ng Teng Fong. Ảnh: Straistimes.

Cơn ác mộng nhất cuộc đời

Ngày 5/3, ông Tan bị sốt và được đưa vào phòng ICU tại Bệnh viện Ng Teng Fong.

Vợ ông, lúc đầu không có triệu chứng, cũng bắt đầu bị sốt sau 2 ngày nhập viện. Bà được chuyển vào phòng ICU ngày 14/3 sau khi tình trạng của bà ngày càng xấu đi vì bị khó thở.

Các bác sĩ cho biết cả hai vợ chồng ông Tan đều trong tình trạng nguy kịch khi ở phòng ICU. Họ bị hội chứng suy hô hấp cấp tính, tình trạng phổi nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân tử vong phổ biến ở những trường hợp mắc Covid-19 nặng.

Bác sĩ Damian Bruce-Hickman tại Bệnh viện Ng Teng Fong cho hay hai người có mức oxy trong máu thấp đáng báo động và phải sử dụng máy thở. Trong vài ngày, họ bị hôn mê và nguy cơ tử vong khá cao.

Khi tỉnh lại, hai vợ chồng ông Tan tỏ ra bối rối và mất phương hướng. Đôi khi họ bị kích động và không biết mình đang ở đâu. Do phổi yếu, họ mất một thời gian để giảm dần lượng oxy hỗ trợ và liều thuốc an thần.

Ngày 19/3, ông Tan được phẫu thuật mở khí quản để giúp ông thở tốt hơn. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết. Tôi không thể nói chuyện do phẫu thuật mở khí quản. Tôi cũng không được phép uống và phải ăn qua ống thông.

Trong nhiều ngày, tôi bị ảo giác và nhìn thấy những hình ảnh giống như virus trên trần nhà. Tôi cảm thấy như mình đang trong một giấc mơ", ông Tan cho hay.

Tất cả những gì ông Tan có thể nhớ lại đó là những cuộc nói chuyện ngắn ngủi và mơ hồ với các y tá khi hỏi thăm sức khỏe. Y tá cũng cho ông biết tình hình của vợ mình ở phòng ICU bên cạnh.

Bà Tan đến thăm chồng sau khi được ra khỏi phòng ICU. Ảnh: Straistimes.

Những ngày sau đó dường như là thời gian dài nhất với ông Tan và vợ khi họ bị mất một số chức năng cơ thể. Ngay cả việc đứng dậy khỏi giường cũng là nhiệm vụ khó khăn. "Đầu tôi quay cuồng và tôi luôn thấy chóng mặt. Lần đầu tiên bác sĩ trị liệu yêu cầu tôi thử, tôi đã thất bại", ông Tan nói thêm.

Alaine Teu, nhân viên y tá tại bệnh viện, cho biết, khi nằm quá lâu trên giường, cơ bắp của bệnh nhân trở nên yếu đi. Vì vậy, việc tự rời khỏi giường, đứng dậy và đi lại sẽ rất khó khăn.

Sau khi mở khí quản, ông Tan không thể nói nhiều và phải sử dụng một bảng viết khi cần thiết. "Họ yêu cầu tôi viết các chữ cái tiếng Anh, tôi đã viết lẫn lộn các chữ cái. Tôi cũng không thể cầm chắc cây bút", ông Tan chia sẻ.

Tình yêu là động lực chiến thắng Covid-19

Trong suốt những ngày điều trị, tình yêu của vợ chồng ông Tan vẫn rất bền chặt. Y tá Teu nhớ lại cái ngày hai ông bà được gặp nhau qua màn hình điện thoại: "Bà Tan rất vui khi thấy chồng. Khi họ gọi video cho nhau, mặc dù không thể nói nhiều, ông Tan vẫn nói rằng ông rất nhớ bà".

Ngày 29/3, bà Tan khỏe hơn và được chuyển ra khỏi phòng ICU, bà được đưa đến gặp chồng mình từ xa. "Họ vẫy tay và động viên nhau qua ô cửa", y tá Teu chia sẻ.

Ngày 4/4, ông Tan được cắt bỏ ống mở khí quản. Đến thời điểm đó, ông đã không được uống bất kỳ cốc nước nào trong hơn 2 tuần. Ngày hôm sau, ông Tan được rời khỏi phòng ICU.

Cả hai vợ chồng ông Tan đều có thể tự thở sau khi chuyển tới phòng bệnh thường, nhưng vẫn cần hỗ trợ bổ sung oxy. Họ cũng phải thực hiện các vật lý trị liệu, bao gồm việc đứng lên khỏi giường và tập thể dục nhẹ nhàng.

Ông Tan đã ở bệnh viện Ng Teng Fong tổng cộng 49 ngày và được xuất viện vào ngày 23/4. Vợ ông xuất viện vào ngày 14/4 sau 40 ngày điều trị.

Ông Tan chia sẻ bữa tiệc tối đó đã thay đổi cuộc sống của ông và vợ nhưng cũng thừa nhận họ đã rất may mắn được sống sót. Ông cũng rất biết ơn đội ngũ y tế đã mạo hiểm mạng sống để chăm sóc và cứu họ.

Cặp vợ chồng mắc Covid-19 lần đầu gặp hai con mới sinh sau 3 tuần Sau 3 tuần điều trị và cách ly do Covid-19, cặp vợ chồng ở Michigan, Mỹ, cuối cùng có thể gặp hai con trai mới sinh lần đầu tiên.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cap-vo-chong-mac-covid-19-khi-tham-du-bua-tiec-200-nguoi-o-singapore-post1081322.html