Cặp vợ chồng Đắk Lắk đi du lịch bằng nhà di động

Với mong muốn đưa con đi du lịch khắp nơi, vợ chồng Duy Tân - Hà My chi hàng trăm triệu đồng để cải tạo ôtô cũ thành nhà di động với tiện nghi sinh hoạt đủ cho một gia đình.

 Tôi là Doãn Nguyễn Duy Tân, sinh năm 1993, quê Đắk Lắk. Tôi cùng vợ và con trai 17 tháng tuổi đang thực hiện hành trình khám phá Tây Bắc bằng nhà di động. Xuất phát từ TP Buôn Ma Thuột hôm 14/1, chúng tôi cuối cùng đã đặt chân tới Hà Nội sau 9 ngày di chuyển.

Tôi là Doãn Nguyễn Duy Tân, sinh năm 1993, quê Đắk Lắk. Tôi cùng vợ và con trai 17 tháng tuổi đang thực hiện hành trình khám phá Tây Bắc bằng nhà di động. Xuất phát từ TP Buôn Ma Thuột hôm 14/1, chúng tôi cuối cùng đã đặt chân tới Hà Nội sau 9 ngày di chuyển.

Gia đình tôi đậu xe qua đêm ở bãi giữa sông Hồng, gần vườn nhãn Long Biên vì không gian rộng rãi. Sáng nay, trời se lạnh, chúng tôi thức dậy lúc 7h30. Sau khi vệ sinh cá nhân, vợ tôi nấu đồ ăn sáng cho cả nhà bằng bếp gas mini.

Nhà di động của vợ chồng tôi vốn là ôtô cũ 16 chỗ, được hoán cải thành xe 3 chỗ và đăng kiểm từ năm ngoái. Tôi nảy ra ý tưởng tạo ra “ngôi nhà thứ 2” này sau khi biết tới thú chơi dã ngoại bằng xe RV (nhà di động) ở nước ngoài qua Internet. Theo tôi được biết, nhà di động chưa phổ biến ở Việt Nam.

Sau 2 lần cải tạo, tôi biến thùng xe thành ngôi nhà nhỏ với tiện nghi sinh hoạt cơ bản như giường, bàn bếp, bồn rửa, tủ lạnh, tủ đồ, bàn làm việc, vòi tắm và toilet. Vật liệu được dùng chủ yếu là gỗ thông, đồ chạy điện đều sử dụng năng lượng mặt trời. Chi phí làm nội thất hết khoảng hơn 100 triệu đồng.

Sau nhiều chuyến đi chơi gần và ngắn ngày, gia đình tôi quyết định lên đường khám phá các tỉnh vùng núi phía Bắc trong vòng 1 năm. Mỗi địa điểm đi qua, vợ chồng tôi muốn ở khoảng 1-2 tuần để tham quan và tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương.

Trên đường ra miền Bắc, chúng tôi dừng lại nấu ăn và nghỉ qua đêm ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An.

Ở những nơi dừng chân, cả nhà tôi tranh thủ đi thăm các địa điểm nổi tiếng như phố cổ Hội An (Quảng Nam), núi Ngũ Hành Sơn, cầu Tình Yêu (Đà Nẵng), đèo Hải Vân, Đại Nội (Thừa Thiên - Huế)... Tôi thích ghi lại hình ảnh vợ con để làm kỷ niệm trong chuyến đi.

Để có kinh phí đi đường, vợ chồng tôi mở kênh vlog du lịch để chia sẻ trải nghiệm của mình. Nhiều người ở khắp nơi biết tới chuyến đi này và hẹn gặp chúng tôi trên đường đi. Không ít người còn tặng sim, thiết bị quay cho tôi. Tôi rất vui vì quen được nhiều bạn mới.

Kin, con trai tôi, cùng bố mẹ rong ruổi khắp nơi bằng nhà di động từ khi mới 9 tháng tuổi. Vợ chồng tôi mong muốn bé được trải nghiệm cuộc sống và rèn luyện tính tự lập từ sớm. Vì đưa theo con nhỏ, chúng tôi luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Cứ chạy được 40-50 km, tôi lại dừng xe để giúp vợ nấu ăn. Khoảng 16h, tôi kiếm chỗ đậu ôtô để nghỉ qua đêm, thường là những nơi an toàn như công viên. 21h, vợ con đi ngủ trước, tôi tranh thủ dựng video để up lên kênh.

Để thêm an toàn, gia đình tôi đưa theo Sâu và Sophie - 2 cô chó nuôi nhiều năm nay. Chúng khá nhạy cảm nên vợ chồng tôi yên tâm cho trông chừng trong cabin hàng đêm. Nếu nghe thấy tiếng sủa, chúng tôi ở phía sau xe sẽ biết để cảnh giác.

Việc sinh hoạt hoàn toàn trên xe có không ít bất tiện song vợ chồng tôi đã quen với điều đó. Mỗi lần ghé cây xăng hay gặp suối trên đường, chúng tôi lại lấy nước sạch để đổ đầy 5 can lớn, tổng khoảng 150 lít, được xếp gọn ở phía dưới giường ngủ. Nếu tiết kiệm trong việc nấu ăn, vệ sinh cá nhân, số nước này có thể dùng được trong vòng 3 ngày.

Cứ 3-4 ngày hoặc 1 tuần, vợ tôi lại gom quần áo để đi giặt khô. Có lần, vì đồ bị ướt, chúng tôi phải tranh thủ chăng dây phơi phóng khi đậu xe giữa đèo Hải Vân.

Buổi tối trước hôm di chuyển sang tỉnh, thành khác, vợ chồng tôi lại thức đến 1-2h sáng để xem bản đồ, tính toán cung đường. Trước đó, vợ tôi sẽ đi chợ, chuẩn bị lương thực đủ cho 2 ngày và trữ trong tủ lạnh. Ngoài đồ tươi như thịt, cá, trứng để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng, cô ấy cũng mua lương khô, bánh để tiện ăn khi đói mà không tìm được chỗ dừng xe.

Còn tôi, trước mỗi khi lên đường, đều kiểm tra một lượt xăng dầu, máy móc để đảm bảo an toàn. Nếu xe gặp vấn đề gì phức tạp, tôi thường phải đến tiệm sửa chữa để kiểm tra kỹ hơn.

Khi đã chán ở trong xe, gia đình tôi đi dạo xung quanh để thay đổi không khí. Đây là lần đầu tiên vợ tôi đến Hà Nội nên cô ấy rất háo hức. Chiều nay, chúng tôi hẹn gặp vài người bạn và dự định lên khu phố cổ vui chơi, trải nghiệm ẩm thực cho đến tối.

Ngày mai, gia đình tôi rời Hà Nội, hướng đến Bắc Ninh thăm bà con. Sau đó, chúng tôi rất muốn thăm Hà Giang, Yên Bái vì đã nghe nhiều người khen ngợi phong cảnh những nơi này.

Giữa tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vợ chồng tôi có thể trở về Đắk Lắk sớm hơn dự định và tự cách ly. Dù khá buồn, chúng tôi đặt sức khỏe lên trên hết. Tôi rất thích câu nói được in trên thân xe: “Hạnh phúc không phải là đích đến, mà nó là cả một hành trình”. Khi dịch bớt căng thẳng, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường để tìm kiếm hạnh phúc.

Phúc Tiên - Thảo Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cap-vo-chong-dak-lak-di-du-lich-bang-nha-di-dong-post1181919.html