Cặp vợ chồng 30 năm nuôi trẻ mồ côi

Suốt 30 năm qua, ông Tiến, bà Oanh đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ mồ côi. Tấm lòng của cặp vợ chồng già sắp bước sang tuổi 80 đã đem đến cơ hội học tập, trưởng thành cho những số phận không may mắn.

Suốt 30 năm qua, ông Tiến, bà Oanh đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ mồ côi. Tấm lòng của cặp vợ chồng già sắp bước sang tuổi 80 đã đem đến cơ hội học tập, trưởng thành cho những số phận không may mắn.

Chúng tôi đến “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ” do ông Vũ Tiến và vợ là bà Vũ Thị Ngọc Oanh thành lập năm 1989 với tên gọi ban đầu là Tổ bán báo Xa mẹ tại số 13 phố Ngô Văn Sở (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 5, khi ông Tiến và bà Oanh đang tất bật hướng dẫn những người thợ xây sửa sang lại ngôi nhà. Trên tầng 4, sau khi yêu cầu thợ thực hiện một số chi tiết, ông Tiến nói với chúng tôi: “Sau nhiều năm xây dựng, những mái hiên của ngôi nhà đã bắt đầu có vết nứt, mưa xuống lại ngấm vào phòng, cho nên vợ chồng tôi sửa sang lại để các cháu sinh hoạt thuận lợi hơn”. Lúc này, dưới tầng 3, bên cây đàn pi-a-nô, ba em nhỏ 12, 13 tuổi thích thú chơi nhạc, mấy bạn lớn hơn đi học về, thấy thế cũng ùa vào góp vui. Các em đều là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa được vợ chồng ông Tiến, bà Oanh đón về nuôi dưỡng, chăm sóc như con, cháu mình.

Vốn là một nhà giáo về hưu giàu lòng nhân ái, hơn 30 năm trước, mỗi tuần bà Oanh lại bố trí ba buổi đến khu vực cầu Long Biên để dạy học cho những đứa trẻ nghèo. Càng tiếp xúc với những số phận bất hạnh, bà càng thấu hiểu và thương cảm với hoàn cảnh của các em. Thời điểm đó, ở Hà Nội có hàng trăm trẻ lang thang, không nơi nương tựa. Bà Oanh về bàn với ông Tiến tìm cách đưa các cháu nhỏ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng. “Chồng tôi vốn là một trẻ đường phố, cho nên ông ấy rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của một đứa trẻ sống lang thang. Chúng tôi muốn giúp các cháu để chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Oanh kể lý do hai ông bà quyết tâm triển khai chương trình nhân đạo của mình.

Để có kinh phí duy trì mái ấm, ông Tiến mở một công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và quán cà-phê. Ông cho biết, vợ chồng ông tự lao động để giúp đỡ trẻ nghèo. Từng được một số tổ chức từ thiện nước ngoài hỗ trợ, nhưng ông Tiến khẳng định chưa bao giờ mở lời kêu gọi tài trợ hay xin giúp đỡ từ bất kỳ ai. “Chúng tôi làm được bao nhiêu thì giúp đỡ các cháu bấy nhiêu. Số tiền tổ chức từ thiện hỗ trợ chỉ chiếm một phần mười chi phí nuôi dạy các cháu suốt 30 năm qua. Có thời điểm kinh phí thiếu thốn, chúng tôi phải bán nhà để vận hành chương trình”, ông nhớ lại.

Theo bà Oanh, có kinh phí để duy trì tổ Xa mẹ là chuyện không đơn giản, nhưng dạy kỹ năng sống cho trẻ còn khó khăn hơn. “Các cháu đến ở với chúng tôi mỗi cháu một cá tính, một hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, để thấu hiểu và dạy bảo được các cháu, chúng tôi phải bên cạnh bảo ban mỗi ngày và đưa ra quy định rất cụ thể”, người phụ nữ có giọng nói rất dịu dàng bộc bạch.

Là một giáo viên về hưu, từng tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò, bà Oanh có nhiều kinh nghiệm và sự kiên nhẫn trong việc chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ. Mặc dù vậy, đôi lúc, vẫn có cháu không nghe lời, bướng bỉnh khiến bà phiền lòng. Những lúc đó, bà chọn cách tha thứ, bao dung và lắng nghe thay vì quở trách.

Suốt 30 năm hoạt động, có thời điểm, mái ấm Xa mẹ đã là mái nhà của hàng trăm em nhỏ. Tuy nhiên, đến hiện tại, chỉ còn 10 em từ 12 đến 20 tuổi đang được ông Tiến, bà Oanh chăm sóc, nuôi dạy. Ông Tiến nói, ông rất vui khi những đứa trẻ đến sống tại mái ấm càng ít đi. Bởi điều đó có nghĩa kinh tế - xã hội đã phát triển hơn, cuộc sống của các gia đình đã khá hơn. Họ có thể tự nuôi dưỡng được con cháu của mình và những đứa trẻ không may đã có thể sống trong vòng tay của người thân.

Từng ấy năm tháng nuôi dạy con người khác, ông Tiến và bà Oanh không nhớ hết được số lần “vào vai” bố, mẹ mang trầu, cau đi hỏi vợ cho con, cháu nuôi. Ông Tiến tự hào nói, ngôi nhà số 13 phố Ngô Văn Sở là “gia đình đông con nhất Việt Nam” và vợ chồng ông cũng là cặp đôi có nhiều con nhất. “Hơn 600 đứa trẻ trưởng thành ở Xa mẹ, tính ra chúng tôi có đến cả nghìn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại”, người đàn ông có mái tóc điểm bạc vui vẻ nói.

Không chỉ nuôi dạy, ông Tiến, bà Oanh còn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, du lịch và gặp gỡ các thế hệ của mái ấm Xa mẹ. Trong số 600 em nhỏ đã được nuôi dạy ở đây, hơn một nửa số em biết chơi đàn pi-a-nô - cây đàn do ông Tiến mua về, tự viết nhạc và dạy cho các con, các cháu.

Ông Tiến tâm sự, giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không được như xưa, cho nên sau khi chăm sóc hết các cháu nhỏ hiện đang ở mái ấm, ông sẽ dừng công việc này. Thay vì trực tiếp nuôi dạy, vợ chồng ông tính sẽ nhận đỡ đầu các em nhỏ khó khăn, tài trợ tiền để các cháu có chi phí sinh sống và học tập. Thật đáng quý tấm lòng của vợ chồng ông Tiến - bà Oanh. Mong rằng ông bà luôn mạnh khỏe, trường thọ để tiếp tục giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

CHÍ AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40418702-cap-vo-chong-30-nam-nuoi-tre-mo-coi.html