Cáp treo qua sông Hồng: Đề xuất mơ hồ!

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất làm cáp treo vận chuyển hành khách qua sông Hồng để tránh ùn tắc là thiếu khả thi

Hà Nội vừa tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn Poma (Pháp) về xây dựng tuyến cáp treo vận chuyển hành khách công cộng qua sông Hồng. Đề xuất này sau khi công bố gây ra nhiều tranh luận.

Khó giảm áp lực giao thông

Theo đề xuất của Tập đoàn Poma, cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là Bến xe Gia Lâm (quận Long Biên). Toàn tuyến có tổng chiều dài 5,5 km. Trong đó, khoảng 1,2 km vượt sông Hồng, 4 km đi trên mặt đất, vượt các tòa nhà. Các trụ đỡ có chiều cao từ 50-100 m. Mỗi cabin sức chứa từ 25-30 người và theo tính toán, trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách, giúp giảm tải áp lực giao thông nội đô.

Đoạn sông Hồng khu vực cầu Long Biên, nơi có cáp treo đi qua như đề xuất

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, cho biết sở vừa tiếp nhận đề xuất trên nên cần thời gian xem xét, đánh giá. Phía nhà đầu tư cũng chỉ mới đưa phương án để xin chủ trương nên chưa có các phương án tài chính cụ thể. "Hà Nội luôn ủng hộ đề xuất của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về phát triển hạ tầng, giảm tải áp lực giao thông. Tuy nhiên, các đề xuất, phương án đều phải nghiên cứu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp mới cho triển khai vào thực tế" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đánh giá về đề xuất trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng đây là đề xuất không khả thi bởi trên thế giới không có nước nào làm cáp treo để phục vụ vận chuyển công cộng. Hơn nữa, xây dựng tuyến cáp treo ở đồng bằng là rất hiếm mà chỉ ở những nơi có địa hình núi cao. "Năng suất vận chuyển của loại hình cáp treo rất thấp, chỉ 3.000-4.000 người/giờ, không giúp giảm tải ùn tắc giao thông. Ngoài ra, giá vé đi cáp treo cũng sẽ rất cao nên không nhiều người dân chọn loại hình vận tải này" - ông Thủy phân tích.

Chỉ hợp với làm du lịch

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản), phương án làm cáp treo để giảm ùn tắc sẽ không đem lại hiệu quả mà chỉ hợp với làm du lịch. Ngoài ra, làm cáp treo cần sự kết nối từ các phương tiện khác và những bãi đất trống làm bãi trông giữ xe giữa 2 đầu cáp treo. "Nếu làm cáp treo ở đây thì giao thông sẽ rất phức tạp. Tôi cho rằng làm cáp treo không hiệu quả, thậm chí còn gây ùn tắc thêm ở 2 đầu cầu cáp treo" - TS Đức nhấn mạnh.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, băn khoăn có 3 vấn đề lớn nếu xây dựng cáp treo, đó là tác động của nó đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Cụ thể, theo ông Liêm, người dân nội đô thường sẽ ít dùng cáp treo vì phải di chuyển đến một điểm trong khi xe cá nhân gửi ở đầu bên kia, lúc đó không biết di chuyển bằng gì.

Ông Liêm còn chỉ rõ 2 điểm đầu của tuyến cáp treo là trạm trung chuyển Long Biên và Bến xe Gia Lâm chắc chắn sẽ chiếm một diện tích nhất định kèm theo thiết bị, máy móc, nhà chờ. Vì vậy, khu vực đó có đủ diện tích, quang cảnh bị lộn xộn, ảnh hưởng hay không là vấn đề cần quan tâm. "Quan trọng nhất là khi gặp giông bão, kết cấu của cáp treo dễ bị võng, gây nguy hiểm. Cần xác định tuyến cáp treo này chịu được sức gió số mấy để khi có giông bão, phải dừng hoạt động, bảo đảm sự an toàn" - ông Liêm nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nếu chỉ vận chuyển khách công cộng thay thế xe buýt chứ không vì mục đích phục vụ kinh doanh du lịch, dự án khó lòng khả thi. Với giá vé xe buýt từ quận Hoàn Kiếm đến quận Long Biên chỉ 7.000 đồng thì rõ ràng cáp treo khó có thể cạnh tranh được về hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cap-treo-qua-song-hong-de-xuat-mo-ho-20180705231601428.htm