Cấp tốc 'giải cứu' Luật Quy hoạch

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết chuyển tiếp thi hành luật Quy hoạch để Ủy ban Kinh tế thẩm tra, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét, quyết đinh việc trình Quốc hội về nội dung này.

Nhiều vướng mắc trong thực thi Luật Quy hoạch

Nhiều vướng mắc trong thực thi Luật Quy hoạch

Nhiều dự án ách tắc vì Luật Quy hoạch

Yêu cầu này vừa được Ủy ban Thường vụ đưa ra sau khi Chính phủ có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội “về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan”.

Sở dĩ Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét có quy định chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch bởi hơn 4 tháng qua, các luật quy hoạch chuyên ngành đã hết hiệu lực (từ 1/1/2019), trong khi các quy hoạch mới chưa có. Điều này gây khó khăn cho nhiều dự án, nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt - gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mới đây cho biết, nhiều dự án gặp khó khăn vì Luật Quy hoạch

Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, đến gần giữa tháng 4/2019, cả nước có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó là có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành. Bên cạnh đó, có ít nhất 370 dự án và nhiều nhất là dự án năng lượng, công nghiệp không thể triển khai do không được bổ sung quy hoạch, chờ nghị định hướng dẫn.

Trong cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã phải than rằng: “Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, một dự án của Bộ GTVT cũng không làm được vì không bổ sung được quy hoạch” và rất nhiều địa phương, bộ ngành trong các cuộc họp Chính phủ đã đồng loạt phản ánh nếu không xử lý việc chuyển tiếp, tích hợp quy hoạch thì sẽ đình trệ hết.

Không đảm bảo linh hoạt, tốn nhiều thời gian

Ngày 7/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch, tưởng chừng như các khó khăn sẽ được tháo gỡ, song gần như lập tức sau đó, Chính phủ đã phải có thêm một báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội “về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan”.

Trong đó, vướng mắc được Chính phủ đề cập đầu tiên là mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia với các quy hoạch khác. Cụ thể, luật mới quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… Tuy nhiên, Chính phủ cho hay hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch lại có sự khác biệt với hệ thống quy hoạch đã được lập cho thời kỳ 2011-2020.

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có quy định chuyển tiếp Luật Quy hoạch (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số quy hoạch chưa được lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia. Do vậy, hiện chưa có định hướng phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng và nếu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021- 2030.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đặc biệt lo ngại trước việc Luật Quy hoạch không có quy định về trình tự khi muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Cụ thể là điều 54 của Luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với lập, thẩm định, phê duyệt. Việc áp dụng trình tự như trên đối với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, không đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển, nhất là việc bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cấp thiết, cấp bách.

Do đó, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch… Gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 được phê duyệt.

Trước kiến nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết để Ủy ban Kinh tế thẩm tra, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét, quyết đinh việc trình Quốc hội về nội dung này.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cap-toc-giai-cuu-luat-quy-hoach-1415746.tpo