Cấp thiết tu sửa các trạm bơm ven sông

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh mực nước trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình liên tục xuống thấp, sẽ có ngày càng nhiều trạm bơm không thể vận hành hoặc đạt hiệu suất lấy nước đạt thấp, đặc biệt là các công trình thủy lợi của Hà Nội.

Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) không thể vận hành trong điều kiện nguồn nước hiện nay. Ảnh: Trọng Tùng

Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) không thể vận hành trong điều kiện nguồn nước hiện nay. Ảnh: Trọng Tùng

4 trạm bơm của Hà Nội… “đắp chiếu”

Đợt lấy nước đầu tiên phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2020 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/1/2020. Trong đợt 1 này, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức +1,6m trở lên. Dù vậy, với mực nước trên, sẽ có nhiều trạm bơm dọc sông Hồng không thể vận hành hoặc hiệu năng lấy nước đạt thấp. Cụ thể, có 6/17 trạm bơm dọc hệ thống sông Hồng – Thái Bình không lấy được nước là: Phù Sa cũ, Cẩm Đình, Thanh Điềm, Liên Mạc, Ấp Bắc (Hà Nội); Long Tửu (Bắc Ninh). Ngoài ra, còn có 4 trạm bơm sẽ chỉ đạt hiệu suất lấy nước thấp ở mực nước sông Hồng dự kiến +1,6m, gồm: Trung Hà (Hà Nội); Bạch Hạc cũ, Đại Định cũ (Vĩnh Phúc); Xuân Quan (Hưng Yên).

8 công trình theo đề xuất của Tổng cục Thủy lợi là các trạm bơm: Phù Sa cũ, Ấp Bắc, Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội); Bạch Hạc, Đại Định (Vĩnh Phúc); Long Tửu (Bắc Ninh); Xuân Quan (Hưng Yên). Tổng mức đầu tư cho 8 công trình này là 2.335 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, 8 trạm bơm có thể đảm bảo nhiệm vụ tưới cho gần 184.000ha canh tác.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cũng đưa ra cảnh báo, trong các đợt lấy nước thứ 2 và thứ 3 diễn ra trong tháng 2/2020, 4 trạm bơm Phù Sa cũ, Cẩm Đình, Thanh Điềm và Liên Mạc sẽ tiếp tục không lấy được nước. Tất cả các trạm bơm này đều nằm trên địa bàn Hà Nội. Với việc nhiều trạm bơm không thể vận hành hoặc chỉ đạt hiệu suất thấp, Tổng cục Thủy lợi nhận định, kết thúc đợt lấy nước đầu tiên, diện tích canh tác vụ Xuân 2020 của các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có nước đổ ải chỉ đạt trung bình khoảng 30 – 40%. Đối với các tỉnh, TP ven biển, diện tích có nước dự kiến sẽ đạt cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức 50 – 60% kế hoạch gieo cấy.

Ưu tiên sửa chữa, nâng cấp

Trong 10 năm qua, mực nước trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ Hà Nội đến thượng nguồn. Nhưng sự sụt giảm này dự kiến sẽ còn lớn hơn trong giai đoạn tới trước ảnh hưởng ngày một lớn của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Dự kiến vào năm 2020, mực nước trong các đợt xả nước gia tăng khi các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ chỉ đạt trung bình +2,0m; đến năm 2025, thậm chí giảm chỉ còn trung bình +1,85m.

Với mực nước dự báo như trên, hầu hết các công trình lấy nước chưa được sửa chữa, nâng cấp thuộc địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, sẽ không thể lấy được nước. Điển hình là các trạm bơm: Phù Sa cũ, Cẩm Đình, Thanh Điềm, Ấp Bắc của Hà Nội. Thực tế, để bảo đảm vận hành của các trạm bơm, những năm qua, các địa phương đã chủ động bố trí kinh phí để thực hiện tu sửa, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi chống hạn. Riêng Hà Nội đã bố trí khoảng 250 tỷ đồng cải tạo Trạm bơm Trung Hà, xây dựng mới Trạm bơm Đan Hoài và Trạm bơm Thanh Điềm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, dù các địa phương đã chủ động cân đối ngân sách nhằm phục vụ mục tiêu chống hạn trong vụ Xuân, tuy nhiên, hiện trạng các công trình thủy lợi vẫn rất đáng lo ngại. Do đó, để bảo đảm vận hành của các trạm bơm, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Hà Nội và các tỉnh tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Đặc biệt, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp 8 công trình lấy nước dọc hệ thống sông.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cap-thiet-tu-sua-cac-tram-bom-ven-song-362150.html