Cấp thiết có luật về cấp nước sạch

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của đời sống nhưng tỷ lệ người dân dùng nước máy hiện chưa cao, thu hút tư nhân vào lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, muốn giải bài toán này phải có luật về cấp nước sạch.

Tỷ lệ người dân dùng nước máy còn thấp

Ngày 9.8.2016, Thủ tướng phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 95 - 100% người dân thành thị và 93 - 95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, ngoài ra, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, con số này vẫn giữ nguyên.

Bảo đảm nước sạch cho người dân cần được ưu tiên hàng đầu

Bảo đảm nước sạch cho người dân cần được ưu tiên hàng đầu

Tọa đàm "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch" ngày 29.6 đã làm rõ nguyên nhân của thực trạng trên. Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Với cấp nước đô thị, do dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, hệ thống cấp nước đô thị có nhiều khó khăn trong bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân. Ngoài ra, còn vấn đề giá nước và thói quen sử dụng nước của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn thường dùng nước giếng khoan, nước mưa…

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đề cập đến sự sụt giảm kinh phí đầu tư từ nguồn nhà nước cho dịch vụ công cung cấp nước sạch. Về giá cả cũng chưa được hạch toán đúng, đủ dẫn đến thị trường nước sạch dù được đánh giá tương đối hấp dẫn, nhưng chưa thu hút được đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, thể chế, chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể. Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, chính sách cổ phần hóa, thu hút công nghệ xử lý nước sạch vẫn còn bất cập.

Cần khuôn khổ pháp lý rõ ràng, rành mạch

Ông Điệp cho biết những bất cập nêu trên khiến các doanh nghiệp ngành nước gặp nhiều vướng mắc. Các cơ quan chức năng phải khẩn trương tạo hành lang pháp lý cho ngành nước phát triển.

Cũng theo ông Điệp, gần đây có quy định không nâng tỷ lệ cổ phần của các doanh nghiệp cấp nước, nhưng nếu muốn mở rộng công suất thì vốn điều lệ phải tăng, nếu không thì khả năng vay vốn và huy động vốn ở các kênh huy động vốn sẽ giảm. Việc này không chỉ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu mà còn liên quan đến giá nước.

Giá nước trong rất nhiều năm được quy định trong Quyết định 117 là tính đúng tính đủ. Nhưng trong thời buổi giá cả vật tư đầu vào, điện, hóa chất, thiết bị ngành nước đều tăng, nếu không có lộ trình để hỗ trợ thì quy mô cấp nước sẽ giảm. "Trước mắt, cần sửa đổi Nghị định 117, sau đó có luật về nước sạch và có cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành nước. Các bộ, ngành phải ngồi với nhau để đưa ra những chính sách cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp cấp nước", ông Điệp đề xuất.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, nên mở rộng góc nhìn về mặt chính sách hơn nữa bởi thị trường nước phân thành 3 giai đoạn: Sản xuất nước, phân phối nước và bán lẻ nước. Trong 3 công đoạn đó phải xác định Nhà nước sẽ dẫn dắt ở công đoạn nào, tư nhân được tham gia vào công đoạn nào, chứ không phải mở cửa toàn bộ thị trường, tư nhân tham gia cả. Khâu sản xuất nước nên mở cửa kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, giống ngành điện. Còn mạng lưới phân phối thì Nhà nước phải giữ; nếu có huy động tư nhân nữa thì có thể theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Khâu bán lẻ Nhà nước cũng nên giữ.

Vấn đề giá nước, 10 năm không điều chỉnh giá nước nghĩa là không có lợi nhuận cho tư nhân tham gia. Phải giải quyết được bài toán tăng giá nước, phải chia theo bậc thang và có trợ giá cho các nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo, người thu nhập thấp. Đối với những đối tượng có thu nhập cao hơn vẫn tính đúng tính đủ như các dịch vụ xã hội khác. Ông Đồng nhấn mạnh, mấu chốt vẫn phải có luật về cấp nước sạch, phải tạo được khuôn khổ rất rõ ràng, rành mạch thị trường và bảo đảm sự tham gia của tư nhân.

Cùng quan điểm, ông Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh, sự ra đời của luật về cấp nước sạch là hết sức cần thiết nhưng để tích hợp được các nội dung về giá, đầu tư công, thu hút đầu tư, xây dựng, kể cả nguồn trong một bộ luật là bài toán hết sức nan giải. Cách duy nhất là sự nỗ lực tối đa của các bộ, ngành, địa phương để có một bộ luật với các tiêu chí cao nhất bảo đảm được nước sạch cho người dân.

Dưới góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công mong muốn có một bộ luật về cấp nước sạch đầy đủ trọn vẹn tất cả các công tác đầu tư, đấu thầu quản lý sau đầu tư...

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/cap-thiet-co-luat-ve-cap-nuoc-sach-i292961/