Cấp tập thoái vốn – ngân hàng kỳ vọng gì?

Nếu thoái vốn thành công tại các ngân hàng sẽ mang lại một khoản thu nhập khá lớn cho Vietcombank, đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm nay lên đến 13.000 tỷ đồng.

Việc thoái vốn còn giải phóng một lượng lớn vốn đầu tư để phục vụ cho việc đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh doanh ở các nghiệp vụ khác trong thời gian tới.

Cấp tập thoái vốn

Ngân hàng Vietcombank vừa có thông báo tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Eximbank, tương đương với 3,69% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm tại 14.497 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3,5% mức giá đang giao dịch trên sàn của Eximbank (tính đến ngày 26/9) . Thời gian đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/10/2018.

Theo đó, dự kiến Vietcombank có thể thu về ít nhất 661 tỷ đồng. Vietcombank hiện còn nắm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu Eximbank. Nếu bán thành công số cổ phiếu này, Vietcombank sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank xuống 4,5%, thấp hơn mức quy định là 5%, chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này.

Về Eximbank, đây là một trong những ngân hàng TMCP có quy mô vốn điều lệ khá lớn với hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn vào cuối năm 2017 khá cao ở mức 15,98%. Các tỷ lệ an toàn khác cũng ở mức đảm bảo theo quy định như tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo là 2,27%, khả năng thanh toán ngay 14,54%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn là 32,19%. Tuy nhiên, gần đây Eximbank cũng đối mặt với hàng loạt vụ mất tiền gửi của khách hàng. Sự kiện gây ồn ào nhất là vụ mất cắp 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.

Vietcombank cũng đã thông báo sẽ thực hiện đấu giá 53,4 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), tương ứng với 2,47% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 19.641 đồng/cp, thấp hơn mức giá đang giao dịch trên sàn của ngân hàng này quanh 23.000 đồng/cp. Nếu thoái vốn thành công thì số tiền tối thiểu Vietcombank thu về từ giao dịch này cũng lên tới gần 1.050 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu cũng giảm xuống 4,5%, thấp hơn mức quy định 5%.

Còn nhớ trong năm 2017, Vietcombank cũng đã thoái vốn thành công tại ngân hàng Saigonbank và Công ty tài chính Xi măng, tiếp đó trong tháng 9 vừa qua đã hoàn tất thương vụ thoái vốn tại ngân hàng OCB, giúp ngân hàng thu về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi.

Sở hữu chéo đã từng là một trong những căn bệnh trầm kha của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Đảm bảo các tỷ lệ theo quy định

Việc ngân hàng Vietcombank liên tiếp thoái vốn tại các ngân hàng là nhằm mục tiêu đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, theo thông tư 36/2014/TT-NHNN vốn đã có hiệu lực từ ngày 01/02/2015, thì một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ sở hữu phải dưới 5% cổ phần. Quy định trên nhằm kiểm soát chặt tình trạng sở hữu chéo vốn đã gây ra biết bao hệ lụy cho hệ thống tài chính Việt Nam trong suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, Vietcombank tính đến giữa năm 2017 vẫn còn là một trong những ngân hàng dính sở hữu chéo nhiều nhất, khi sở hữu vốn tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính, trong đó tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng Eximbank và Quân đội đều cao hơn 5%. Do đó, việc thoái sạch vốn tại 2 ngân hàng Saigonbank và OCB, Công ty tài chính Xi măng và dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại Eximbank và Ngân hàng Quân đội trong tháng 10 tới sẽ giúp ngân hàng này đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

Đáng lưu ý, với lộ trình áp dụng Basel II với cách tính hệ số an toàn vốn CAR mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, thì các NHTM nhà nước có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng khi hiện tại cũng đã cận kề mức quy định 9%. Do đó việc thoái vốn của các NHTM cũng có thể giúp hệ số an toàn vốn CAR cải thiện hơn.

Và những mục tiêu khác

Ngoài ra, với việc thị trường chứng khoán vẫn đang còn diễn biến tích cực, thì việc sớm thoái vốn sẽ mang lại nhiều lợi ích tài chính và đảm bảo lợi nhuận cho Vietcombank. Cổ phiếu MBB dù đã giảm từ mức cao trên 30.000 đồng/cp hồi đầu năm nay xuống chỉ còn quanh 23.000 đồng/cp, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá Vietcombank mua vào trước đây.

Tăng trưởng tín dụng bị thắt chặt và mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng dâng lên sẽ ảnh hưởng khá lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Trong khi đó, việc cải thiện nguồn thu nhập từ dịch vụ cũng ít nhiều gặp khó khăn khi các đề xuất tăng phí rút tiền mặt ATM của Vietcombank thời gian qua liên tiếp bị NHNN bác bỏ.

Chính vì vậy, nếu thoái vốn thành công tại các ngân hàng sẽ mang lại một khoản thu nhập khá lớn cho Vietcombank, đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm nay lên đến 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn là giải phóng một lượng lớn vốn đầu tư để phục vụ cho việc đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh doanh ở các nghiệp vụ khác như cho vay trong thời gian tới.

Một mục tiêu khác cũng không kém phần quan trọng, Vietcombank vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, thông qua phương thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, giảm bớt các hoạt động đầu tư góp vốn sẽ giúp Vietcombank có thể đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn, từ đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền góp vốn cho ngân hàng này.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/c%C3%A1p-t%E1%BA%A1p-tho%C3%A1i-v%C3%B3n-ngan-h%C3%A0ng-k%E1%BB%B3-v%E1%BB%8Dng-g%C3%AC-13511.html