Cặp song sinh người Đức có thêm 8 tỉ USD trong năm nhờ vắc xin ngừa COVID-19

Với khối tài sản 22 tỷ USD, một cặp song sinh 70 tuổi ở Đức đang thuộc nhóm người giàu nhất thế giới trong ngành chăm sóc sức khỏe. TCDN -

Sau khi hãng dược Pfizer thông báo thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 của họ có kết quả tốt - với hiệu quả trên 90%, giá cổ phiếu của công ty tăng vọt. Mọi nhà đầu tư đều hưởng lợi, song Andreas và Thomas Struengmann - cặp anh em song sinh mang quốc tịch Đức - mới là đối tượng hưởng lợi lớn nhất, theo New York Post.

Andreas và Thomas Struengmann có thêm 8 tỉ USD trong năm nay nhờ sở hữu cổ phần trong BioNTech – công ty Đức cùng phát triển vaccine COVID-19 với Pfizer. Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của BioNTech đã tăng vọt trong mấy ngày qua, sau khi Pfizer công bố kết quả thử nghiệm.

Với khối tài sản 22 tỷ USD – hai anh em sinh đôi nhà Struengmann đang thuộc nhóm người giàu nhất thế giới trong ngành chăm sóc sức khỏe, theo Bloomberg Billionaires Index. Ở tuổi 70, họ gây dựng tài sản bằng cách tái đầu tư lợi nhuận các mảng kinh doanh dược phẩm của gia đình.

"Họ đã tạo ra sự đột phá về tài sản chỉ bằng cách tin vào công nghệ", Paul Westall – người đồng sáng lập hãng tuyển dụng Agreus Group, phát biểu.

Cặp song sinh tiếp quản hãng dược phẩm Durachemie của gia đình từ người cha Ernst vào năm 1979. Năm 1986, họ bán công ty và thành lập công ty mới mang tên Hexal. Ban đầu, công ty có hơn 20 nhân viên làm việc trong một căn hộ gần Munich. Theo thời gian, Hexal phát triển thành hãng sản xuất thuốc gốc lớn thứ tư thế giới.

"Tốc độ và sự linh hoạt là ưu thế của chúng tôi. Khi các hãng lớn còn đang bàn bạc, chúng tôi đã hành động", Thomas Struengmann từng nói như vậy khi trả lời phỏng vấn năm 2004.

Năm 2005, hai anh em lập công ty có tên Athos Service ngay sau khi Novartis tuyên bố họ sẽ mua lại Hexal cùng số cổ phần của họ trong EON Labs với giá tổng cộng 5,7 tỷ euro (6,7 tỷ USD).

Khi trò chuyện với tờ Handelsblatt vào năm ngoái, Thomas Struengmann tiết lộ rằng ban đầu, hai anh em không muốn đầu tư quá 1 tỷ euro cho lĩnh vực công nghệ sinh học, vì ngành đó có mức độ rủi ro cao và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, sau đó họ bỏ cam kết ấy vì nhận thấy tiềm năng lớn của ngành sinh học.

BioNTech đã nhận 375 triệu euro (443 triệu USD) từ chính phủ Đức và 100 triệu euro (tương đương 118 triệu USD) từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.

Qui mô của BioNTech rất nhỏ so với Pfizer. Năm ngoái, hãng đạt doanh thu 109 triệu euro, trong khi Pfizer là 52 tỉ USD.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức có thể đạt doanh thu 13 tỉ USD từ việc bán vắc xin COVID-19 trong năm 2021. Mỗi hãng nhận một nửa khoản doanh thu đó..

Dòng sản phẩm đạt doanh số cao nhất của Pfizer hiện nay là một loại vắc xin phế cầu. Nó mang về cho công ty khoản doanh thu 5,8 tỉ USD trong năm ngoái. Như vậy doanh thu từ vắc xin COVID-19 sẽ còn lớn hơn từ sản phẩm chủ lực của Pfizer ở thời điểm hiện tại.

Khoản đầu tư vào BioNTech cho thấy niềm tin của cặp song sinh 70 tuổi đối với các loại thuốc mang tính đột phá. Họ đã giúp BioNTech huy động 150 triệu euro năm 2008 và đang sở hữu nửa cổ phần công ty. Đà tăng của chứng khoán cũng giúp Ugur Sahin, Tổng giám đốc BioNTech sở hữu hơn 4 tỷ USD.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cap-song-sinh-nguoi-duc-co-them-8-ti-usd-trong-nam-nho-vac-xin-ngua-covid-19-d16701.html