Cặp song sinh đam mê học Sử và ngã rẽ vào trường nghề

Yêu thích Lịch sử từ nhỏ, đạt thành tích cao trong môn học này khi ở trường phổ thông, thế nhưng, cặp song sinh Kiều Trinh và Thúy Trinh, lại chọn ngã rẽ khác cho bản thân. Cả hai chị em đều quyết tâm xây ước mơ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội .

Hai chị em Trinh quyết định làm hồ sơ nhập học trường nghề.

Hai chị em Trinh quyết định làm hồ sơ nhập học trường nghề.

Lựa chọn ngã rẽ để thành công

Kiều Trinh và Thúy Trinh là cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Dũng số 2 – tỉnh Bắc Giang. Hai tân sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, động lực lớn nhất để các bạn có tinh thần say mê học tập chính là sâu thẳm nhận thức về cuộc sống.

Ngay khi còn nhỏ, dường như Kiều Trinh và Thúy Trinh đã thấm thía nỗi vất vả mưu sinh thường nhật của bố mẹ, những người thân trong gia đình.

Bố của hai em phải đi làm công nhân xây dựng ở Trung Quốc, ít có điều kiện về thăm nhà. Còn một mình mẹ phải tần tảo sớm hôm chăm lo việc đồng áng, lại tranh thủ làm thêm cho doanh nghiệp tư nhân gần nhà.

Từ những điều trông thấy đó mà hai chị em đã ý thức tự bảo nhau học tập, rèn luyện, cùng giúp đỡ nhau tiến bộ ở tất cả các môn học.

Kiều Trinh và Thúy Trinh học đồng đều các môn, trong đó, hai chị em đam mê môn Lịch sử nhất. Ngay từ cấp THCS, hai chị em đã được thầy cô giáo chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử.

Cô chị Kiều Trinh đã xuất sắc giành giải Nhất tỉnh Bắc Giang ở môn Lịch sử lớp 9. Ba năm sau đó, cô em là Thúy Trinh cũng giành giải Nhì môn Lịch sử lớp 12.

Hai chị em sau khi tốt nghiệp THPT đều đạt bằng loại giỏi nhưng lại không theo đuổi niềm đam mê với môn sở trường này, mà họ chọn cách đọc sách để hiểu thêm về lịch sử Việt Nam và thế giới.

Khi định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhiều người khuyên hai chị em nên phát triển sự nghiệp gắn với Lịch sử, có thể bằng con đường đại học với chuyên ngành Lịch sử. Tuy nhiên, Kiều Trinh, Thúy Trinh lại chọn cho mình lối đi khác.

Hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, không muốn lựa chọn học đại học, sợ bố mẹ thêm vất vả. Hai chị em lo học xong nếu không xin được việc lại thêm một gánh nặng. Vậy nên, cả hai đã quyết định chọn học trường nghề để phát triển.

“Cầu nối” đưa hai chị em Kiều Trinh, Thúy Trinh đến với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chính là người chú họ. Chú từng là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa và đã tự “bẻ lái” sang học nghề Quản trị doanh nghiệp tại ngôi trường này. Từ trải nghiệm thực tế, ra trường cơ hội việc làm tốt, giờ chú có mức lương cao và ổn định cuộc sống gia đình.

Nghe chú giới thiệu về trường và có nhiều ngành nghề lựa chọn phù hợp cho cả nữ giới, chị em Kiều Trinh, Thúy Trinh cảm thấy thích và quyết định chọn hướng đi mới cho mình.

Mong muốn đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của xã hội

Mong ước của hai cô gái nhỏ bình dị và thực tế, muốn có một kỹ năng chuyên môn thật tốt và ra trường có việc làm ngay. Trước khi quyết định sự lựa chọn này, bố mẹ của hai bạn Trinh cũng đã tìm hiểu, trăn trở và thấy rằng hướng đi đó phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

“Sau này, các con ra trường có thể đáp ứng ngay được nhu cầu việc làm của xã hội”, anh Hà Văn Đào và Vũ Thị Uyên cha mẹ của hai em chia sẻ.

Khi được hỏi lý do tại sao không định hướng các con học đại học trong khi hai Kiều Trinh và Thúy Trinh đủ điều kiện và nhiều cơ hội rộng mở phía trước?

Chị Uyên bộc bạch: “Các con đã lựa chọn trường nghề. Đó là niềm vui của các con và tôi nên tôn trọng. Tôi mong rằng, khi học trường nghề, các con sẽ được đảm bảo những kỹ năng chuyên môn, khởi nghiệp và sẽ thành công với sự lựa chọn của mình.

Tôi nghĩ, con đường đại học không phải là duy nhất để thành công trong cuộc sống. Khi tôi chia sẻ với phụ huynh khác, cũng có nhiều người thay đổi tư duy và khuyến khích con mình chọn trường nghề theo học. Học nghề gì nhu cầu xã hội đang cần đều trở nên ý nghĩa với bản thân các con”.

Chính bản thân hai chị em Trinh cũng rất hào hứng khi nhập học trường nghề. Có lẽ vì đó là lựa chọn của mình nên hai cô gái trẻ đã sớm hòa nhập và cho rằng sẽ không hối hận bởi quyết định này.

Kiều Trinh cũng cho biết, mặc dù rất yêu thích những kiến thức liên quan đến Lịch sử và không theo đuổi ngành nghề liên quan nhưng hai chị em vẫn sẽ tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích trong sách và trên mạng xã hội.

Anh Hà Văn Đào thấy con nhập học, không chút đắn đo, anh sắp xếp thời gian từ Trung Quốc về động viên. Anh kể: “Dù vất vả mưu sinh với cuộc sống nhưng để đầu tư cho các con có đủ điều kiện học tập, chúng tôi đã luôn cố gắng. Khi các con học THCS, vợ chồng tôi quyết định đầu tư sắm cho các con bộ máy tính để bàn kết nối Internet, giúp các con có công cụ học tập, tìm hiểu thêm các bài giảng online trên mạng cho các môn văn hóa, đặc biệt là môn Tiếng Anh.

Có lẽ vậy mà các con của tôi cũng yêu thích và vốn tiếng Anh cũng tốt hơn. Vì thế, hai cô con gái tự tin đăng ký nghề Quản trị doanh nghiệp - khoa Ngoại ngữ kinh tế của trường này. Tôi hoàn toàn yên tâm khi các con chọn trường nghề để bắt đầu một “ngã rẽ” xây đắp ước mơ, xây đắp tương lai với nghề mà hai cô con gái của tôi đã chọn”.

Mới nhập học nhưng Kiều Trinh và Thúy Trinh đã nhanh chóng bắt nhịp được với môi trường mới. Các em khẳng định, đây là quyết định đúng đắn và phù hợp với điều kiện gia đình. Chính vì vậy, các em phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ.

“Trọng tâm của việc sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục không phải học các kỹ năng kỹ thuật mà là sử dụng các công nghệ giáo dục, thông tin và truyền thông trong những môn học và chủ đề khác nhau. Thực ra, công nghệ mang lại ưu thế lớn nhất khi chúng được sử dụng một cách có hệ thống trong quá trình dạy học”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/cap-song-sinh-dam-me-hoc-su-va-nga-re-vao-truong-nghe-4038133-b.html