Cấp 'sổ đỏ' dinh thự Vua Mèo: Tỉnh Hà Giang 'hô biến' quyền quản lý thành quyền sở hữu di tích

'UBND tỉnh Hà Giang đã 'hiểu nhầm' và 'hô biến' quyền 'quản lý di tích' của mình thành 'quyền sở hữu, sử dụng di tích' là không phù hợp với các quy định của pháp luật', luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Dinh thự nhà họ Vương có tuổi đời gần trăm năm ở Hà Giang được cấp "sổ đỏ" cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn năm 2012. Tuy nhiên, cháu nội Vua Mèo khẳng định, gia tộc họ Vương không hiến dinh thự cho nhà nước và đòi lại quyền sở hữu.

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã phân tích cụ thể các tình huống xung quanh vụ việc này.

 Hà Giang cấp 'sổ đỏ' dinh thự Vua Mèo là trái pháp luật. (Ảnh: Hachi8)

Hà Giang cấp 'sổ đỏ' dinh thự Vua Mèo là trái pháp luật. (Ảnh: Hachi8)

- Việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang viện dẫn các quy định pháp luật để cấp sổ đỏ cho dinh Vua Mèo có hợp lý, thưa luật sư?

Văn bản số 1026/STNMT-TTra ngày 24/7/2018, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang đã viện dẫn một số căn cứ của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khu Dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa thông tin thị trấn Đồng Văn, đó là: Quyết định 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993 của Bộ trưởng Bộ VHTT về việc công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật khu Nhà Vương.

Nội dung của quyết định 937 công nhận 19 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có Khu nhà Vương ở Đồng Văn, Hà Giang và giao nhiệm vụ quản lý di tích cho UBND các cấp theo quy định của pháp luật.

“Quản lý” ở đây được hiểu dưới góc độ quản lý Nhà nước, là tôn trọng quyền sở hữu của chủ sở hữu di tích và định hướng họ sử dụng di tích phù hợp, đúng pháp luật.

Khoản 3 Điều 10 Nghị định 288/HĐBT năm 1985 có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý của UBND đối với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như sau: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương tổ chức và chỉ đạo việc bảo vệ, sử dụng và quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bảo tàng thuộc địa phương mình trừ những đối tượng được giao cho Bộ Văn hóa quản lý; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật; thanh tra và xử lý các vụ vi phạm các quy định về việc bảo vệ và sử dụng di tích, thắng cảnh trong địa phương”.

Việc UBND tỉnh Hà Giang “hiểu nhầm” và “hô biến” quyền “quản lý di tích” của mình thành “quyền sở hữu, sử dụng di tích” là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú

Bên cạnh đó, viện dẫn ban hành của Quyết định 937/QĐ-BT có nêu tên một số văn bản như Điều 34 Hiến pháp 1992, Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh 1984, Điều 42 Luật Đất đai 1987 thì không có điều luật nào quy định phải quốc hữu hóa dinh thự nhà họ Vương.

Quyết định 3316/QĐ-UBND ngày 11/11/2006 của UBND tỉnh Hà Giang về việc quản lý di tích LSVH được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh: Tôi chưa được đọc quyết định 3316 này. Tuy nhiên, tôi hiểu đây là quyết định được ban hành để quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của Sở VHTT và UBND các huyện thị về quản lý, phát huy giá trị di tích LSVH nên các nội dung của quyết định 3316/QĐ-UBND không được trái với Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa và chắc chắn không có điều nào quy định về việc “truất” quyền sở hữu của dòng họ Vương đối với khu dinh thự.

Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP: Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang viện dẫn Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 về việc UBND tỉnh phải quản lý nghiêm ngặt đối với đất có di tích LSVH.

- Vậy, thực chất quyền của UBND tỉnh Hà Giang đối với khu nhà này là thế nào?

Như tôi đã phân tích ở trên, quyền “quản lý” của UBND tỉnh Hà Giang đối với di tích không ai phủ nhận, nhưng đây là quyền ở góc độ quản lý nhà nước, ví dụ: Quyền tổ chức thực hiện bảo vệ, sử dụng di tích, quyền thanh tra - xử lý vi phạm các quy định về việc bảo vệ - sử dụng di tích.

Bên cạnh quyền quản lý của mình, UBND tỉnh Hà Giang vẫn phải tôn trọng quyền sở hữu của chủ sở hữu di tích, vì đây là quyền sở hữu hợp pháp tài sản của các đồng thừa kế dòng họ Vương được Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai và Luật Di sản văn hóa ghi nhận.

Ngoài ra, tuy có viện dẫn Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 nhưng Sở TNMT Hà Giang lại không viện dẫn Điều 93 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP là điều luật trực tiếp hướng dẫn thi hành cho Điều 98 Luật Đất đai 2003 nêu trên.

Điểm a, Khoản 1 Điều 93 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết cho Điều 98 Luật Đất đai 2003 có nêu: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bảo vệ phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau: a) Đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý thì người quản lý chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

XEM CÁC BÀI TRƯỚC TẠI ĐÂY:

>> Luật sư: Dinh thự Vua Mèo bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp

>> Cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo ở Hà Giang: Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra

>> Cháu nội Vua Mèo khẳng định không có chuyện hiến dinh thự họ Vương

Dẫn chiếu sang Luật di sản văn hóa: Khoản 1 Điều 14 Luật Di sản văn hóa thừa nhận: “Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa” và các tổ chức, cá nhân này có quyền, nghĩa vụ được quy định tại Điều 15 của Luật này.

Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Giang tiếp tục viện dẫn Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP để chứng minh cho lập luận của mình là sự lắp ghép “đầu voi đuôi chuột” bởi Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP không phải là điều luật hướng dẫn cụ thể cho Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 mà Sở TNMT Hà Giang viện dẫn trước đó.

Bên cạnh đó, nội dung Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP còn có các quy định tại khoản 2, 3, 4 quy định việc cấp GCNQSDĐ cho chủ sở hữu là tư nhân, cộng đồng dân cư … nhưng Sở TNMT Hà Giang không hề viện dẫn ra thể hiện sự thiếu toàn diện trong việc tư duy và vận dụng pháp luật.

Như vậy, chính nội dung các điều luật hướng dẫn thi hành Điều 98 Luật Đất đai 2003 đã thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp di sản của cá nhân, tổ chức nên việc Sở TNMT Hà Giang viện dẫn Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP để chứng minh việc cấp GCNQSDĐ cho Phòng Văn hóa thông tin theo tôi đánh giá là không phù hợp. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ theo luật định: Đây là các hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính theo quy định pháp luật. Bản thân tôi chưa được xem các hồ sơ này.

Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDĐ cho Phòng Văn hóa thông tin Đồng Văn như chúng ta phân tích là chưa đủ cơ sở pháp lý nên các vấn đề về thủ tục hành chính là câu chuyện sẽ nói sau.

- Ông Vương Duy Bảo thừa nhận gia tộc họ Vương đã nhận 500 triệu đồng để chuyển ra ngoài cho nhà nước trùng tu di tích dinh (năm 2002), nhưng nói chưa bao giờ hiến đất và tài sản trên đất cho nhà nước. Vậy, việc hỗ trợ của nhà nước này cần được hiểu ra sao?

Quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu Nhà nước về tài sản trước đây được thực hiện theo Nghị định số 29/2014/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 28/2018/NĐCP (có hiệu lực từ ngày 5/3/2018). Theo các quy định trong 2 nghị định nói trên: Dinh thự họ Vương là tài sản mà gia tộc họ Vương đang quản lý, sử dụng lâu đời – chỉ trong trường hợp các đồng chủ sở hữu dinh thự đồng lòng hiến tặng Dinh thự cho Nhà nước thì các thủ tục đối với việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với khối tài sản này khi đó mới được đặt ra.

Theo đó, các chủ sở hữu dinh thự và đại diện Cơ quan nhà nước tiếp nhận tài sản được hiến tặng sẽ cùng nhau lập văn bản thỏa thuận thống nhất việc hiến tặng của chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, Hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bao gồm: Tờ trình đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bao gồm cả phương án xử lý tài sản; Bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản; Hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng; Các hồ sơ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản chuyển giao và hình thức chuyển giao (nếu có).

Như vậy, việc hỗ trợ của Nhà nước cho dòng họ Vương để chuyển ra ngoài sinh sống được hiểu là những hỗ trợ về chi phí đi lại, chỗ ở trong thời gian tiến hành tu bổ di tích, đây không phải căn cứ để quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất của dinh thự.

- Vụ việc này nên giải quyết ra sao để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật và hợp tình? Có nên hủy sổ đỏ đã cấp cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn hay không?

Trước tiên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tham vấn ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp và các chuyên gia pháp luật để phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức rà soát các quy định của Hiến pháp, hệ thống pháp luật về Đất đai, Luật Di sản văn hóa, Bộ luật Dân sự … để xác định ai là chủ sở hữu của Khu dinh thự họ Vương.

Nếu xác định được dòng họ Vương chủ sở hữu hợp pháp của Dinh thự nhà họ Vương thì UBND tỉnh Hà Giang phải ra quyết định hủy GCNQSDĐ đã cấp cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn, đồng thời cấp GCNQSDĐ mới cho chủ sở hữu hợp pháp.

Nếu xác định Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là chủ sở hữu hợp pháp thì tiếp tục xem xét quy trình cấp GCNQSDĐ đối với khu dinh thự nhà họ Vương có đúng với trình tự, quy định của pháp luật hay không. Nếu có sai sót thì điều chỉnh lại cho phù hợp.

Video: Cháu nội Vua Mèo khẳng định không có chuyện hiến dinh thự họ Vương

>>> Đọc thêm: Dinh thự nhà Vương và chuyện bỗng dưng 40 con cháu ‘Vua Mèo’ mất nhà

Tuyết Mai

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cap-so-do-dinh-thu-vua-meo-tinh-ha-giang-ho-bien-quyen-quan-ly-thanh-quyen-so-huu-di-tich-d421771.html