Cặp sinh đôi từng dính liền nhau sống nhờ máy thở suốt 2 năm qua

Sau 2 năm kể từ khi trải qua ca phẫu thuật phức tạp để tách rời cơ thể, cặp sinh đôi dính liền nhau Miracle và Journee Brooks ở Mỹ vẫn chưa được cai máy thở.

Từ khi sinh ra, cặp sinh đôi Miracle và Journee Brooks, ở Mỹ bị dính liền nhau từ ngực cho đến bụng. Khi mới được 7 tuần tuổi, hai bé gái này phải trải qua ca phẫu thuật phức tạp để tách rời cơ thể.

Sau 2 năm, Journee vẫn phải tiếp tục điều trị, còn Miracle hồi phục nhanh hơn nên đã được xuất viện. Theo các bác sĩ, nếu gia đình muốn Journee xuất viện sớm hơn sẽ cần có thêm 2 y tá đến tận nhà chăm sóc.

Do các bé không có xương ức nên không thể tự ngồi ăn và phải dùng máy thở. Jasmine Brooks, mẹ của cặp song sinh, cho biết đã làm mọi thứ để có thể cứu sống các con. Tuy nhiên, chi phí y tế chữa trị cho con ngày càng tăng khiến bản thân gặp không ít khó khăn.

Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Norton ở Louisville, Mỹ không biết liệu có thể tách rời 2 bé hay không.

Bác sĩ Murrell (Bệnh viện Nhi Norton, Mỹ), cho hay: "Không có gì ngạc nhiên khi các cặp song sinh dính liền phải trải qua nhiều ca phẫu thuật sau khi tách rời nhau. Chúng tôi hi vọng 2 bé sẽ sớm không cần dùng đến máy thở và tiếp tục phát triển".

Do bị dính liền nên Miracle và Journee Brooks có chung một phần bụng, khoang ngực, gan... Vì vậy, ca phẫu thuật được các bác sĩ đánh giá rất phức tạp và khó khăn.

Năm 2015, sau ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, 2 bé gái mới 7 tuần tuổi đã thoát nguy hiểm. Trong khi, Miracle hồi phục nhanh thì Journee vẫn cần đến sự chăm sóc của các y tá suốt 24/24.

Cặp sinh đôi Miracle và Journee Brooks sau khi được phẫu thuật tách rời. Ảnh: Daily Mail.

Do chi phí điều trị cao nên mẹ của các bé đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Hiện tại, Jasmine là mẹ đơn thân, do phải dành thời gian chăm sóc 2 con gái nên chị không có việc làm.

Phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền là một việc nguy hiểm, đòi hỏi độ chính xác cao và cẩn thận. Tỷ lệ tử vong của các cặp song sinh dính liền tùy thuộc vào dạng dính liền và mức độ chung nhau của các cơ quan nội tạng.

Trong đó, các cặp song sinh dính liền chung buồng bơm của tim chưa có trường hợp nào sống sót được ghi nhận.

Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ phải chụp cộng hưởng từ, siêu âm hai trẻ dính liền nhằm tìm ra những bộ phận chung nhau. Để xác định tính khả thi của ca phẫu thuật, các bác sĩ phải đánh giá được chức năng của các cơ quan. Sau khi được phẫu thuật tách rời, hầu hết cặp song sinh dính liền vẫn cần tập phục hồi chức năng.

Tỷ lệ cặp song sinh dính liền nhau khoảng 1/200.000 trẻ sinh ra. Trong đó, từ 40-60% chết non và khoảng 35% chỉ sống được một ngày. Tỷ lệ sống sót của các trường hợp này ở mức 5-25%, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Maryland cho hay.

Quang Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cap-sinh-doi-tung-dinh-lien-nhau-song-nho-may-tho-suot-2-nam-qua-post788375.html