Cặp ruồi 41 triệu tuổi cực hiếm trong miếng đá hổ phách quý giá

Bị dính nhựa thông, hai con ruồi nhìn nhau đắm đuối và cứ như vậy 41 triệu năm.

Một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Australia đã thu hút sự chú ý của giới học giả.

Miếng hổ phách lâu đời nhất được cả đội tìm ra có niên đại từ 252-201 triệu năm trước. Vào thời điểm đó, Trái đất tồn tại siêu lục địa Pangea; các châu lục hợp lại thành một chứ không tách ra như bây giờ. Châu Úc và châu Nam Cực dính liền với nhau, bao gồm một phần của vùng phía nam Gondwana.

Cặp ruồi mắc kẹt 41 triệu năm trong miếng hổ phách.

Cặp ruồi mắc kẹt 41 triệu năm trong miếng hổ phách.

Công việc tìm kiếm hổ phách của TS.Jeffrey Stilwell đến từ trường Monash đã bắt đầu từ gần 10 năm trước (tháng 5/2011) và không phải ngay lập tức gặt hái được thành công.

"Khi đào xuống đất, chúng tôi bắt đầu tìm thấy những mẩu "vàng". Chúng thật sự lấp lánh như vàng vậy, nhưng tôi biết mình đã tìm thấy cái gì. Nó đích thị là hổ phách. Lúc đó tôi còn không tin vào mắt mình", TS Stilwell chia sẻ.

Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn nằm ở bên trong miếng hổ phách ấy: Hai con ruồi!

Đúng! Đó chính là 2 con ruồi chân dài bị mắc kẹt tận 41 triệu năm trong miếng hổ phách được tìm thấy ở Anglesea, Victoria, Australia.

Các nhà khoa học đánh giá, miếng hổ phách lưu giữ chúng xếp vào hàng cực kỳ hiếm có trong hồ sơ hóa thạch.

Đó là lý do vì sao phát hiện của TS.Jeffrey Stiwell cùng nhóm sinh viên lại có giá trị đến thế. Họ không chỉ tìm ra một miếng hổ phách bình thường mà là một miếng hổ phách có chứa cặp ruồi chân dài đang "âu yếm".

Nhưng theo nhà cổ sinh vật học Victoria McCoy từ Đại học Wisconsin, Milwaukee, thì những con ruồi này có thể không thực sự ở tư thế như vậy khi chết. Có khả năng một con ruồi bị mắc kẹt trong hổ phách, và một con khác thấy có hứng và tìm cách tiếp cận!

Bộ sưu tập có chứa đủ loại động vật, thực vật, và vi sinh vật.

"Tôi nhìn bằng kính hiển vi và không tin vào mắt mình. Ban đầu tôi còn nghĩ chắc đây là trò đùa của ai đó. Một người nào đó đã mang đôi ruồi này dính vào miếng nhựa cây còn mới. Nhưng không, thực sự chúng tôi đã tìm ra một miếng hổ phách đặc biệt", TS.Stilwell vui mừng nói.

Sau đó, ông đã xin được tài trợ từ chính phủ Úc để khai quật hổ phách trên diện rộng. Nhiều phát hiện thú vị được tìm thấy. Những con kiến từ thời tiền sử có độ tuổi trên 40 triệu năm; nhiều loài nhện mà các nhà khoa học cũng không biết chúng thuộc nhóm nào; các loài ve và cả côn trùng vẫn giữ nguyên vẹn màu sắc vốn có của chúng.

"Giai đoạn tiếp theo của quá trình nghiên cứu là phân tích các chủng loài chúng tôi đã tìm được trong hổ phách. Rất nhiều trong số đó loài người còn không biết chúng từng tồn tại", TS.McCoy nói.

Hóa thạch hổ phách khá phổ biến ở Bắc bán cầu, đặc biệt là Myanmar, nơi người ta đã phát hiện ra đủ loại hóa thạch trong suốt nhiều năm qua.

Hổ phách thực chất là nhựa cây hóa thạch, tồn tại nhiều trong các lớp đá và trầm tích trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hổ phách lại rất khó được phát hiện tại Australia hay New Zealand.

Hóa thạch hổ phách có giá trị bởi chúng cho ta thấy mô hình 3D của các mẫu vật được bảo quản vô thời hạn. Trong nhiều trường hợp hiếm hoi, những hóa thạch này còn có thể bắt lại được một hành vi cụ thể, ví dụ những con ve đang bò qua lông khủng long, hay một con nhện đang tấn công ong bắp cày.

"Đây có lẽ là ví dụ đầu tiên của "hành vi bị đóng băng" trong hóa thạch được tìm thấy từ trước đến nay ở Úc" – Stilwell nói.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục lập danh sách nhiều loại động vật tìm thấy trong hổ phách, bởi nhiều trong số chúng có thể là những loài mới, và thậm chí là những nhóm động vật mới nữa.

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cap-ruoi-41-trieu-tuoi-cuc-kiem-trong-mieng-da-ho-phach-quy-gia-a471287.html