Cấp phép mỏ cát tại Yên Định có hợp lý?

Những chiếc tàu hút cát thản nhiên nổ máy liên hồi ngay sát bờ sông Mã. Từng tảng đất lăn xuống dòng sông kéo theo hoa màu, nước sông một vùng kéo dài hàng trăm mét sủi tăm, đục ngầu.

Đó là những gì đang diễn ra tại đoạn sông Mã đi qua làng Trịnh Điện, xã Định Hải, huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Đất 5% bị “hà bá” cuốn trôi

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Trịnh Điện, xã Định Hải có hơn 2.500m2 đất bãi bồi ven sông được giao thầu để SX nông nghiệp. Theo bà Hoa, tình trạng khai thác cát trên sông Mã vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến gia đình bà mất hàng trăm mét vuông đất. Đặc biệt, từ năm 2018, sạt lở diễn ra mạnh hơn do tàu khai thác cát ngày càng hút sát khu vực bờ sông.

Bà Hoa lo lắng vì đất SX đang bị “hà bá” nuốt trôi mỗi ngày

“Tàu khai thác cát hoạt động cả ngày, có hôm gần chục thuyền hoạt động sát bờ sông. Gia đình tôi phải huy động anh em đuổi thuyền ra xa để bảo vệ đất. Chúng tôi lo lắng tình trạng này kéo dài, hàng chục hộ dân sẽ không còn đất sản xuất, đời sống sẽ hết sức khó khăn. Nhiều hộ dân đang sinh sống ở khu vực gần bờ sông cũng đứng trước nguy cơ mất an toàn”, bà Hoa tố.

Ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch UBND xã Định Hải cho biết, mỏ cát số 54 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác cho Cty TNHH Nam Lực (đóng trên địa bàn xã Định Hải) từ ngày 8/4/2013. Địa phận được khai thác nằm trên đoạn sông đi qua các thôn Trịnh Điện và Thịnh Thôn của xã Định Hải.

Trước phản ánh của người dân, địa phương đã tăng cường quản lý thuyền khai thác cát trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Từ năm 2018 đến nay, xã đã 2 lần lập biên bản xử lý hành vi khai thác cát nhưng lỗi là do họ khai thác không đúng số lượng thuyền. Còn thực tế, địa điểm khai thác của Cty Nam Lực vẫn nằm trong đia phận được cấp phép.

Những chiếc tàu hút cát sát bờ sông Mã

Ông Cung cũng cho biết, tình trạng sạt lở là có thật nhưng từ năm 2018 đến nay, đặc biệt là sau những trận lũ cuối năm toàn xã bị sạt lở 3.000- 4.000 m2 đất 5% do xã quản lý. Số còn lại sạt lở là phần bãi bồi nằm trong diện tích đã được cấp phép cho Cty Nam Lực. “Sạt lở có nhiều nguyên nhân, có thể là do mưa lũ, do thay đổi dòng chảy… chứ cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn là do khai thác cát”, ông Cung cho hay.

Việc cấp mỏ cát đã hợp lý?

Theo chân cán bộ UBND xã Định Hải, chúng tôi ra bờ sông Mã đoạn chảy qua thôn Trịnh Điện. Tại đây, 3 chiếc tàu hút cát đang thản nhiên chĩa vòi về phía bờ sông, tiếng máy nổ liên hồi. Dọc bờ sông có tới 5-6 chiếc tàu hút cát tấp vào nghỉ ngơi. Những ngày cuối tháng 2, bờ sông Mã qua thôn Trịnh Điện, đất vẫn không ngừng sạt lở. Những vết nứt kéo dài và đang tiếp tục lấn sâu vào bãi; thi thoảng, hoa màu theo những tảng đất lăn xuống dòng sông chìm nghỉm, sủi tăm.

Dọc bờ sông Mã đi qua thôn Trịnh Điện, đất bãi vẫn tiếp tục sạt lở

“Sở dĩ, những tàu hút cát kia cứ hoạt động thản nhiên là bởi, họ vẫn đang khai thác trong vùng mỏ được cấp phép. Rõ ràng họ chẳng sai nên cứ hút sát bờ, không phải bỏ chạy như những tàu hút cát trái phép khác. Phần đất chúng tôi trồng trọt là đất của mỏ cát. Vì tiếc đất, nghĩ là họ chưa khác thác đến nên chúng tôi trồng cây ngô, cây đậu để cải thiện.

Chúng tôi chỉ nghĩ, việc cấp phép lên vùng đất bãi, nơi hàng trăm năm nay người dân canh tác để mưu sinh là bất hợp lý. Rất mong các ngành chức năng về xem xét lại để sông Mã không còn bị sạt lở và tiến sâu vào làng”, một người dân xin giấu tên làng Trịnh Điện cho biết.

Theo quan sát của PV, đoạn sông nơi cắm mốc chỉ giới khu vực khai thác cát của mỏ cát 54 hiện đã có hàng trăm mét sông bị sạt lở, dựng thành vách đứng. Từ vị trí sạt lở, nếu đi thẳng lên bãi bồi, về phía làng, vị trí cắm biển ranh giới khai thác cách bờ sông khoảng bốn năm chục mét.

Những vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện

Điều đó có nghĩa là, chủ nhân mỏ cát 54 sẽ còn được khai thác sâu vào bãi về phía làng Trịnh Điện chừng 40-50m nữa. Điều đáng nói, ngay sát biển cắm mốc về phía làng là đất 5% của xã và chỉ cách đó chừng vài trăm mét là khu bố trí dân cư đang sinh sống vùng ngoài đê của làng Trịnh Điện.

“Với tốc độ khai thác như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, khi phần được cấp phép đã khai thác hết thì bờ sông sẽ là đất 5% bây giờ của xã. Rồi đất bờ sông cũng sẽ tiếp tục sạt lở vào khu dân cư. Lúc đó, hoặc là phải tái định cư cho các hộ dân ngoài đê hoặc là phải xây kè bảo vệ bờ sông, lại ngốn thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi chẳng biết, thuế khai thác tài nguyên, cái lợi thu được hàng năm là bao nhiêu nhưng liệu có nên đánh đổi như thế”, một cán bộ xã Định Hải phân vân.

Đại diện Phòng NN- PTNT và Hạt quản lý đê huyện Yên Định đều hết sức lo lắng về tình hình sạt lở đang diễn ra: “Ở Yên Định, hiện có rất nhiều điểm sạt lở qua các xã Quý Lộc, Yên Thọ, Yên Phong, Yên Thái, Định Hải, Định Tân. Sạt lở xảy ra nhiều điểm từ K2-K13 đê hữu sông Mã. Tại một số điểm sạt lở UBND tỉnh đã có quyết định sửa chữa, xây dựng kè bờ sông, hiện đã đưa vào nguồn vốn trung hạn nhưng cần kinh phí rất lớn nên đang chờ nguồn từ Trung ương”, ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng NN- PTNT huyện cho biết.

Sạt lở tiến sát vườn nhà dân

Kè đê hữu sông Mã qua xã Định Tân bị sạt thụt

Ông Đỗ Việt Hải, Hạt phó Hạt Quản lý Đê Yên Định thì cho rằng, sông Mã đi qua huyện Yên Định đang thay đổi dòng chảy.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, việc khai thác cát là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông thời gian vừa qua: “Đất bãi bồi qua thôn Trịnh Điện có thành phần hạt cát. Khi dòng chảy thay đổi cộng với việc khai thác cát đã khiến bãi bồi bị tụt đứng thành. Đoạn bãi sông Mã tương ứng đê từ K16+900-K17+400 nằm ở mỏ cát 54 do Công ty TNHH Nam Lực đang khai thác hiện chỉ còn cách chân đê 200-280m. Khu vực làng Duyên Lộc, sạt lở đã tiến sát vườn nhà dân, người dân đã phải đóng cọc tre giữ đất. Đoạn kè đê đi qua xã Định Tân cũng đã bị sạt trụt. Hiện chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện và Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa.

Vừa rồi, Sở NN- PTNT Thanh Hóa cũng đã có văn bản cảnh báo. Trước đây, có mỏ cát số 50 tại xã Yên Thọ đã bị thu hồi có lẽ vì bất hợp lý trong cấp quyền và khai thác. Vì vậy, mong cơ quan chức năng khảo sát xem mỏ số 54 được cấp như vậy đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh phạm vi khai thác không?”

Võ Văn Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cap-phep-mo-cat-tai-yen-dinh-co-hop-ly-post237691.html