Cấp nước sạch đô thị: Giao cho doanh nghiệp, được hay mất?

Khác với vùng nông thôn khi hàng ngàn công trình cấp nước sạch giao cho UBND cấp xã và cộng đồng đã để hư hỏng không hoạt động, ở khu vực đô thị, việc mạnh dạn giao cho doanh nghiệp quản lý, các công trình cấp nước sạch đã phát huy được hiệu quả khai thác rất rõ rệt. Tuy nhiên, để bảo toàn và phát huy giá trị vốn nhà nước trong DN vẫn cần phải có cơ chế rõ ràng trong việc giao tài sản cho DN quản lý sau đầu tư.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn

Kết quả rà soát, kiểm tra của Bộ Tài chính đối với kết cấu hạ tầng cấp nước sách trên toàn quốc, mới được công bố gần đây cho thấy, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch thời gian qua ở khu vực đô thị đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Việc quản lý, vận hành các công trình đã đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt Quy chuẩn QCVN 02-BYT với công suất ít nhất là 60 lít/người/ngày, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt của người dân.

Theo số liệu chưa đầy đủ từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 4/2019 cả nước có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất các nhà máy nước khoảng 9,2 triệu/m3/ ngày đêm. Thống kê cho thấy, mức tiêu thụ nước sinh hoạt bình quân ở đô thị hiện nay đạt khoảng 115 lít/người ngày đêm. Đến nay đã có khoảng 87% dân cư đô thị được cung cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch chiếm khoảng 21%.

Cũng theo Bộ Tài chính, về cơ bản đã xác định được đối tượng quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch đô thị. Trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp (DN) cấp nước đô thị, loại hình DN là Công ty Ccổ phần chiếm đại đa số, còn lại là Công ty TNHH MTV. “Việc quản lý, sử dụng công trình được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, công trình được trích khấu hao, bảo trì, sửa chữa đúng quy định” - đánh giá của Bộ Tài chính.

Cần có cơ chế rõ ràng trong việc giao tài sản

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc đầu tư, quản lý, sử dụng, hạch toán, trích khấu hao tài sản, nhượng bán, thanh lý đối với các công trình cấp nước sạch đang được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất , kinh doanh tại DN, pháp luật về DN, Điều lệ hoạt động của DN và pháp luật có liên quan.

Tìm hiểu của PV được biết, cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch do nhà nước đầu tư, quản lý được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Cụ thể, quy định về Nhà nước nắm quyền sở hữu vốn đối với DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch như sau:

Tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, quy định: DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị “thuộc diện được Nhà nước tiếp tục được đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp nhà nước trong DN”.

Tuy nhiên, đến Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015-NĐ-CP, thì quy định nói trên đã có thay đổi khi lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị đã “không thuộc diện được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của nhà nước trong DN”.

Xã hội hóa sẽ hạn chế tính độc quyền tự nhiên của ngành nước?

Đáng chú ý, theo QĐ số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước và Danh mục DN nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thì hoạt động kinh doanh nước sạch đô thị không thuộc nhóm Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên. Và theo Danh mục DN nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, cho thấy cũng chỉ còn có 10 DN hoạt động trong lĩnh vực cấp nước và kinh doanh nước sạch đô thị thuộc nhóm Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng - cũng cho rằng nên tăng cường xã hội hóa trong cấp nước sạch để tránh độc quyền trong sản xuất, phân phối nước sạch. Điều đó là cần thiết nhằm hạn chế tính độc quyền tự nhiên của ngành nước. Tuy nhiên, mức độ xã hội hóa ngành nước tới đâu thì bộ đang cân nhắc để có các quy định cụ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch vẫn còn một số kẽ hở. Theo Bộ Tài chính, do chưa có cơ chế rõ ràng trong việc giao tài sản cho DN quản lý sau đầu tư nên việc xác định giá trị tài sản Nhà nước, vốn nhà nước trong DN thực hiện chưa tốt, nhiều trường hợp DN vẫn vận hành nhưng việc quản lý lại được tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước, thường là Phòng Xây dựng/Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện, dẫn đến việc bảo toàn và phát huy giá trị vốn nhà nước trong DN chưa được thực hiện.

Nhà nước muốn đẩy mạnh xã hội hóa

Theo Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 về tăng cường công tác quản lý hoạt sản xuất, kinh doanh nước sạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, trong đó đề xuất mô hình đầu tư, quản lý, vận hành, giám sát đối với hệ thống sản xuất, cung cấp nước đô thị để vừa huy động được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, vừa bảo đảm việc điều hành, quản lý của nhà nước, khắc phục tình trạng phân khúc, độc quyền cung cấp nước theo địa bàn.

Phi Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/cap-nuoc-sach-do-thi-giao-cho-doanh-nghiep-duoc-hay-mat-558064.html