Cấp nước an toàn: Cần hệ thống cảnh báo, phát hiện rủi ro

TS Kidong Park, Trưởng Ðại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, chia sẻ với Tiền Phong về Kế hoạch cấp nước an toàn (KHCNAT) mà tổ chức này khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện ngay trên toàn quốc.

Sự cố nước sông Ðà nhiễm dầu thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục vạn hộ dân Thủ đô. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Sự cố nước sông Ðà nhiễm dầu thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục vạn hộ dân Thủ đô. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Ông có thể cho biết lợi ích của việc thực hiện KHCNAT?

Đây là cách tiếp cận quản lý rủi ro toàn diện bao gồm tất cả các khâu trong dây chuyền sản xuất nước sạch, được công nhận là một phương pháp quản lý đáng tin cậy nhất trong cung cấp nước sạch.

Cách phân tích chất lượng nước tại vòi của người sử dụng chỉ với một lượng mẫu nước nhỏ được mang đi xét nghiệm không phản ánh trung thực nhất chất lượng toàn bộ nước được sản xuất. Ngoài ra, các kết quả xét nghiệm thường chỉ được trả sau 3-7 ngày là quá muộn để có thể can thiệp kịp thời. Trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, nước nhiễm bẩn đã có thể được khách hàng sử dụng vào mục đích ăn uống. Hơn nữa, nếu có sự cố, không một ai có thể chỉ ra được có gì sai và sai ở đâu trong hệ thống để chỉnh sửa kịp thời.

KHCNAT cho phép các đơn vị cấp nước chủ động phòng ngừa sự cố xảy ra từ nguồn, ứng phó kịp thời và cải thiện công tác vận hành hệ thống sau mỗi sự cố.

Các giải pháp cụ thể trong kế hoạch mà WHO xây dựng ở Việt Nam là gì, thưa ông?

Hướng dẫn KHCNAT của WHO khuyến cáo các đơn vị cấp nước áp dụng phương pháp quản lý rủi ro theo từng bước. Bước đầu tiên là thiết lập một nhóm cấp nước an toàn (CNAT) bao gồm các thành viên có chuyên môn khác nhau cần thiết cho việc xây dựng, thực hiện và duy trì một KHCNAT hiệu quả. Mô tả hệ thống cấp nước và phát hiện các mối nguy hại và các hiện tượng nguy hại, đánh giá rủi ro là các bước tiếp theo.

TS Kidong Park

Trên cơ sở phân tích các rủi ro này, nhóm CNAT đề ra các biện pháp kiểm soát thích hợp. Ví dụ, xây dựng đập tạm để ngăn nước mặn xâm nhập vào nguồn nước đầu vào của nhà máy nước ở tỉnh Khánh Hòa, đặt phao nổi ngăn dầu tràn qua kênh dẫn nước nhà máy nước ở Hải Dương đã được triển khai rất hiệu quả.

Trong một số trường hợp, các biện pháp kiểm soát có thể rất đơn giản và được chính đơn vị cấp nước thực hiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các giải pháp lại nằm ngoài khả năng và phạm vi của đơn vị cấp nước. Ví dụ, nguồn nước là các con sông chảy qua nhiều tỉnh và thành phố. Do vậy, việc bảo vệ nguồn nước khỏi các rủi ro trở nên khó khăn và phức tạp. Để ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan như các bộ, ngành, sở, chính quyền địa phương, các đơn vị cấp nước và cộng đồng người dân.

Sau sự cố nước sạch sông Đà vừa qua, WHO có khuyến cáo gì với cơ quan quản lý tại Việt Nam?

Việt Nam cần phải xây dựng Luật Nước sạch quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị cấp nước. Khi luật được thực thi, KHCNAT sẽ được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các đơn vị cấp nước và nhờ đó, sức khỏe cộng đồng mới có thể được bảo vệ khỏi các sự cố như vừa qua.

Thông thường, việc bảo vệ nguồn nước nằm ngoài khả năng của các đơn vị cấp nước, do đó, cần phải có Ban chỉ đạo liên ngành ở cấp trung ương và cấp tỉnh để phối hợp tất cả bên liên quan trong việc bảo vệ an toàn và an ninh nguồn nước. Cần thiết lập Ban chỉ đạo CNAT ở cấp quốc gia để đối phó với các rủi ro liên tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh để giải quyết các tranh chấp lợi ích trong việc sử dụng nguồn nước và phòng ngừa rủi ro nguồn nước từng tỉnh.

Cảnh sát môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa sự cố, tương tự sự cố đã xảy ra tại nguồn nước sông Đà. Cộng đồng người dân sống trong khu vực gần với nguồn nước cần được huy động tham gia vào quá trình bảo vệ nhà máy xử lý nước, hồ chứa, hệ thống đường ống, vòi nước và các bể chứa.

Cảm ơn ông.

Các nhà máy nước cần có hệ thống cảnh báo sớm như hệ thống bể chỉ thị sinh học trước khi nước vào hệ thống xử lý để phát hiện các rủi ro có thể xảy ra đối với nước nguồn. Cần phải xét nghiệm thường xuyên nhằm theo dõi tốt hơn chất lượng nước và đảm bảo hệ thống không gặp rủi ro, sự cố. Trên toàn quốc, cần phải xây dựng một hệ thống và quá trình giám sát chất lượng nước hiệu quả.

Nguyễn Hoài (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cap-nuoc-an-toan-can-he-thong-canh-bao-phat-hien-rui-ro-1483349.tpo