Cập nhật tình hình mưa lũ ngày 31/10: QL1A phía Bắc Hà Tĩnh bị cấm đường

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh vẫn đối diện với nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở miền núi, ngập úng ở vùng thấp trũng.

Từ chiều 30/10, CSGT Công an huyện Nghi Xuân đã lập chốt chặn, trực 24/24 tại phía dưới chân cầu Bến Thủy 2, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An. Lực lượng công an vẫn tiếp tục phong tỏa, chưa cho lưu thông đoạn đường này.

Sự kiện đã kết thúc. Các nội dung quan trọng được tóm tắt bên dưới. Nhấn vào các lựa chọn để xem đầy đủ.

Tất cả
Nổi bật
Ảnh
Video

Mới nhất

: Thạch Hà di dời 394 hộ dân

Trước thông tin hồ Kẻ Gỗ xả lũ vào sáng nay với lưu lượng xả từ 100-300m3/s, huyện Thạch Hà đã khẩn trương di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân (thứ 2 từ phải sang) chỉ đạo xã Nam Điền khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm (ảnh Thúy Quỳnh)

Theo đó, tính đến sáng nay (31/10), toàn huyện đã di dời được 394 hộ dân tại 2 xã Tân Lâm Hương (244 hộ) và Thạch Đài (150 hộ). 12 hộ dân sinh sống gần các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá cũng được đưa đến vị trí an toàn, gồm Đỉnh Bàn (6 hộ), Lưu Vĩnh Sơn (3 hộ) và Nam Điền (3 hộ).

Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương Nguyễn Văn Ninh thông tin: “Cơn mưa lớn vào ngày 30/10 đã khiến 3 thôn Sơn Trình, Tiền Thượng, Tân Tiến bị ngập khoảng 50cm. Đến 6h sáng nay (31/10), dù mưa đã nhỏ dần nhưng các hộ dân vẫn không chủ quan trước diễn biến tiếp theo của thời tiết".

Trong khi đó, Thạch Đài là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ mưa lớn vào ngày 30/10 với 800 hộ; đến 6h sáng nay, nước vẫn đang chưa có dấu hiệu rút xuống.

Người cao tuổi ở xã Thạch Ngọc được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến nơi an toàn

Theo kịch bản ứng phó với mưa lớn và xả lũ của huyện Thạch Hà, trường hợp hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng 110 m3/s, tổng lượng mưa vùng hạ lưu 4 ngày trên 600 mm (bình quân lượng mưa ngày trên 150 mm) sẽ có 8 xã/44 thôn/918 hộ dân phải di dời, gồm: Tân Lâm Hương (295 hộ), Thạch Đài (155 hộ), Tượng Sơn (110 hộ), Thạch Thắng (100 hộ), Thạch Lạc (71 hộ), Đỉnh Bàn (95 hộ), Thạch Xuân (30 hộ), Lưu Vĩnh Sơn (62 hộ).

Khi hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng 173 m3/s, tổng lượng mưa vùng hạ lưu 4 ngày trên 800 mm (bình quân ngày trên 200 mm), có 9 xã/53 thôn/2.637 hộ dân phải di dời, gồm: Tân Lâm Hương (517 hộ), Thạch Đài (485 hộ), Tượng Sơn (380 hộ), Thạch Thắng (150 hộ), Thạch Lạc (206 hộ), Đỉnh Bàn (342 hộ), Thạch Xuân (110 hộ), Lưu Vĩnh Sơn (355 hộ), Nam Điền (92 hộ).

Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo tại các tuyến đường ngập lụt ở xã Thạch Xuân để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại.

Hiện các xã, thị trấn đang tiếp tục rà soát các hộ dân dễ bị sạt lở để cảnh báo người dân chủ động di dời người và tài sản; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện di dời ngay các hộ có nguy cơ cao về các địa điểm an toàn; tổ chức lực lượng lập chốt bảo vệ, cắm biển cảnh báo tại các tuyến đường ngập lụt và có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá để cảnh báo người dân không qua lại.

Thùy Dương

: Nước sông Ngàn Sâu lên nhanh, vùng hạ du Vũ Quang ngập sâu

Mưa lớn diễn ra trên diện rộng nhiều ngày qua đã khiến mực nước sông Ngàn Sâu lên nhanh, vào lúc 6 giờ sáng nay (31/10), mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại Trạm Hòa Duyệt là 8,54m (trên báo động 1), khiến các xã vùng hạ du như: Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh bị ngập sâu, một số cụm dân cư hiện đã bị cô lập hoàn toàn. Trong ảnh: Thôn Cừa Lĩnh (xã Đức Lĩnh) hiện đã bị cô lập.

Tại xã Đức Lĩnh, mưa lớn đã khiến các thôn: Cừa Lĩnh, Yên Du và thôn Mỹ Ngọc bị cô lập, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng túc trực 24/24h, đồng thời xây dựng phương án sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp. Trong ảnh: Thôn Yên Du ngập sâu vào sáng nay.

Nhiều tuyến đường giao thông ở thôn Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh) nước ngập sâu gần 1m, chảy xiết, hiện đã bị chia cắt cục bộ.

Tại xã Đức Bồng, mưa lớn kết hợp nước sông Ngàn Sâu lên nhanh, khiến 6 thôn trên địa bàn xã bị ngập sâu, một số cụm dân cư hiện đã bị cô lập. (Ảnh chụp tại thôn 5, xã Đức Bồng).

Bí thư Đảng ủy xã Đức Bồng Trần Lê thông tin: "Hiện tại trên địa bàn xã có mưa lớn diễn ra trên diện rộng, mực nước sông Ngàn Sâu lên cao, khiến một số tuyến đường vào thôn 5, 6, 7, 8 bị cô lập hoàn toàn, không thể di chuyển. Đặc biệt, tại thôn 4 đã có 118 hộ bị cô lập". (Ảnh chụp tại thôn 4, xã Đức Bồng).

Tại xã Đức Giang, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân chủ động di dời nông sản, vật nuôi lên cao. Trong ảnh: Thôn 3 Bồng Giang ngập sâu do nước sông Ngàn Sâu lên nhanh.

Mưa lớn nhiều ngày qua cũng đã khiến một số điểm ở Vũ Quang bị sạt lở nghiêm trọng. Trong ảnh: Điểm sạt lở trên tuyến đường huyện lộ 6, đoạn qua thôn 3 (xã Quang Thọ) bị sạt lở nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Hùng Cường cho biết: "Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều điểm trên địa bàn xã bị sạt lở nghiêm trọng. Tại những điểm sạt lở, chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời bố trí lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, để người dân né tránh rủi ro".

Tại xã Ân Phú, mưa lớn cũng đã gây ra nhiều điểm sạt lở và một số điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trong ảnh: Điểm sạt lở nằm sát nhà dân ở thôn 1 (xã Ân Phú)

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các xã vùng hạ du của huyện như: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang cần chủ động các phương án ứng phó, di dời dân, tài sản, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... tuyệt đối không được chủ quan, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mưa lớn kéo dài cũng đã khiến tình trạng sạt lở núi, sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện ngày càng nghiêm trọng, các địa phương cần tập trung triển khai các phương án tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân di chuyển chỗ ở để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản.

Văn Chung

: Huyện Kỳ Anh: Nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Kỳ Anh bị sạt lở nghiêm trọng.

Trên tuyến đường 551 đoạn từ xã Kỳ Phong đi xã Kỳ Trung, với chiều dài hơn 100m có 8 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Ngoài ra, Quốc lộ 12C đoạn qua xã Kỳ Sơn...

...đường ven biển Thạch Khê đi Vũng Áng đoạn qua xã Kỳ Bắc, xã Kỳ Xuân tiếp tục bị sạt lở. Để ứng phó với mưa lũ, huyện Kỳ Anh đã di dời 63hộ/203 người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, đồng thời chuẩn bị phương án sơ tán 1.270 hộ/3992 người nếu mưa tiếp tục lớn.

Chính quyền địa phương cũng đã dựng rào chắn, cắm biển cảnh báo, phân công lực lượng canh gác hướng dẫn người tham gia giao thông ở tất cả các cầu, tràn bị ngập.

Vũ Huyền

: QL 1A đoạn đền chợ Củi đang bị cấm đường

Tính đến 10h30 sáng nay (31/10), QL 1A đoạn qua xã Xuân Lam (Nghi Xuân) dài 2km vẫn ngập sâu gần 1m.

So với chiều tối qua, đến 10h30 sáng nay, tuyến QL1A đoạn từ thôn 1 - thôn 5 xã Xuân Lam ngập sâu hơn.

Lượng CSGT Công an huyện Nghi Xuân đã phải bố trí trực chốt vòng trong...

...và CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh chốt chặn từ xa dưới chân cầu Bến Thủy 2 (thị trấn Xuân An) cảnh báo các phương tiện giao thông không đi vào đoạn đường đang ngập lụt.

Chủ tịch UBND xã Xuân Lam - Phạm Xuân Đại thông tin: "Nước lũ dâng cao cũng khiến 700 hộ với hơn 3 nghìn nhân khẩu trên địa bàn xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn". (Trong ảnh: tuyến QL1A đoạn qua xã Xuân Lam bị ngập sâu từ 80 - 1m).

Ban CHQS huyện Nghi Xuân phải vận đưa ca nô và phao cứu sinh đến tập kết tại tuyến QL1A để ứng cứu người dân xã Xuân Lam.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân Lê Thanh Bình cho biết: "Đến thời điểm này, nước lũ đã rút nhiều tại các địa phương như Xuân Liên, Cổ Đạm, đặc biệt là ở thôn 5, xã Xuân Lĩnh và thôn Nam Viên, xã Xuân Viên. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường tại các địa phương khác như thôn Hồng Lam (Xuân Giang), xã Xuân Lam bị ngập sâu từ 80 - hơn 1m", (Trong ảnh: Trụ sở UBND xã Xuân Hồng bị ngập 60cm).

Hoài Nam

: Nhiều nơi ở thị xã Hồng Lĩnh tiếp tục ngập sâu

Sáng nay (31/10), trên địa bàn TX Hồng Lĩnh nước nguồn đổ về làm một số khu vực thuộc xã Thuận Lộc, phường Đức Thuận ngập sâu hơn so với sáng qua. Theo UBND thị xã Hồng Lĩnh, mức nước tại cống Trung Lương trên hệ thống đê La Giang vào lúc 7h sáng nay ngoài đê 4,2m, hơn tối hôm qua 20cm; trong đê 2,8m, hơn tối qua 10cm. Hiện mực nước trong cống cao hơn ngoài cống 60cm, vì vậy chưa thể mở để thoát nước ra sông La. Trong khi đó, theo dự báo trong ngày hôm nay, nếu nước nguồn tiếp tục đổ về, trên địa bàn thị xã một số khu vực phường, xã sẽ còn tiếp tục bị ngập lụt.

Nước nguồn đổ về nhanh, tính đến thời điểm hiện tại mực nước đã dâng cao hơn 50 cm so với sáng qua (30/10). Trên địa bàn xã đã có hàng chục hộ bị ngập nước.

Ông Bùi Quang Liêm - Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc

Còn tại phường Đức Thuận, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Thành cho biết: “Mực nước lên cao đã làm cho hàng chục hộ dân, trụ sở UBND phường, các trường học, nhiều tuyến đường bị ngập nước. Hiện UBND thị xã đã huy động lực lượng công an, bộ đội hỗ trợ các hộ gia đình, cơ quan, trường học di dời tài sản”.

Từ đêm qua (30/10) đến 7h sáng nay, trên địa bàn thị xã có mưa to và rất to, lượng mưa đo được trung bình khoảng 100 mm - 200 mm.

Mưa kéo dài kết hợp với lưu lượng nước từ nguồn đổ về đã làm 274 hộ dân trên địa bàn toàn thị xã bị ngập nước; 12 hộ nước ngập sâu gây nguy hiểm phải di dời.

TX Hồng Lĩnh đã điều động 41 cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, thành lập các tổ nhóm xung kích xuống xã Thuận Lộc, các phường: Đức Thuận, Trung Lương, Bắc Hồng để giúp nhân dân di dời, kê kích tài sản chống lũ.

Đến 11h trưa nay, theo báo cáo của UBND thị xã tất cả các hộ dân, cơ quan, trường học trên địa bàn xã Thuận Lộc, các phường: Đức Thuận, Trung Lương, Bắc Hồng bị ngập nước đã được các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích di dời, kê kích tài sản đảm bảo an toàn.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị khuyến cáo và nghiêm cấm người dân đánh bắt cá ở vùng ngập lụt sâu và dòng nước chảy xiết. Tuyệt đối đảm bảo an toàn về người. Tổ chức lực lượng trực 24/24h, sẵn sàng các phương án và nhân lực để hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Các phường, xã theo dõi, nắm sát tình hình ngập lụt tại địa phương, đặc biệt là các hộ bị ngập lụt, không để hộ dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm.

Nam Giang

: Nông dân Cẩm Xuyên đưa gia súc, gia cầm “chạy lụt”

Trên triền đê N1 vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), người dân hối hả dựng nhà tạm cho trâu, bò tránh lũ.

Ông Nguyễn Doãn Truyền (thôn Trung Nam, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) vừa cho biết: “Đợt lụt tuần trước không có sự chuẩn bị, đến khi nước ngập chuồng, vợ chồng tôi phải cho bò lên nhà trên và kê giường nệm cho bò đứng tránh lụt. Rút kinh nghiệm nên đợt này, tôi đưa gia súc lên kênh N1 và dựng nhà tạm cho bò tránh trú”.

Một số gia đình còn dựng chuồng tạm cho gia súc ngay trên máy kéo rơ moóc. Cách này vừa giúp bảo vệ trâu bò khỏi mưa lũ, vừa để bảo vệ máy kéo khỏi bị ngập nước.

Nhiều người dân ở các xã: Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ… đang phải hối hả đưa trâu, bò, lợn, gà đi gửi ở những nơi cao ráo.

Còn tại xã Cẩm Duệ, nhiều người dân đưa trâu, bò sang xã “láng giềng” để gửi. “Biết sáng nay vẫn đang mưa to, hồ Kẻ Gỗ thông báo tăng xả lũ nên tôi phải đưa trâu đi gửi nhà người quen ở xã Cẩm Quan” – Bà Hồ Thị Hoa (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành) lo lắng khi sáng nay, nước đã ngập sâu vào tận sân nhà. Đợt lũ trước, do không kịp sơ tán khiến đàn lợn hơn 20 con của chị Thảo bị cuốn trôi. Gia đình chị chỉ giữ lại được con lợn nái để nhân giống. Bởi vậy, khi nước lũ về, chị Thảo nhanh chóng đưa lợn đi gửi ở khu vực cao ráo.

Thay vì di chuyển vật nuôi đến những khu vực khác cao ráo hơn, để “chạy lụt”, nhiều nông dân chủ động kê cao chuồng trại để phòng nước dâng. (Trong ảnh: Anh Lưu Như Lê ở thôn Kênh, xã Cẩm Thành kê rơm rạ để nâng nền chuồng bảo vệ gia súc khi nước dâng).

Sáng tạo hơn, một số người dân chủ động kê ván, khi nước dâng tới đâu sẽ nâng lợn cao tới đó để "chạy lụt". (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Đông Bàu, xã Cẩm Thành kê sẵn ván bên dưới chuồng lợn)

Phan Trâm

: Can Lộc: Một số nơi ngập trở lại

Tại một số xã bị ngập sâu ở vùng hạ Can Lộc (Hà Tĩnh) nước đã rút từ chiều qua (30/10). Tuy nhiên, do nước sông đang lên nên đã gây ngập cục bộ trở lại ở một số điểm.

Tại một số xã bị ngập sâu ở vùng hạ Can Lộc như: Thiên Lộc, Thuần Thiện, Tùng Lộc... nước đã rút từ chiều 30/10, tuy nhiên trận mưa đêm qua, cộng với nước sông đang lên đã gây ngập cục bộ trở lại ở một số điểm. Nhất là các thôn nằm phía bắc của Tỉnh lộ 548 thuộc các xã Thuần Thiện và Thiên Lộc do nước nguồn đổ về từ núi Hồng Lĩnh và hệ thống mương thoát không chảy kịp.

Hiện tại, vùng thượng rút nhanh, vùng hạ Can Lộc đang bị ngập cục bộ tại một số xã như Thiên Lộc, Thuần Thiện... do nước sông đang lên. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình 24/24h và sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ lụt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Huy Cường

Thiên Vỹ

: Đường cứu hộ hồ Kim Sơn sạt lở

Do trên địa bàn thị xã Kỳ Anh có mưa lớn, tuyến đường cứu hộ hồ Kim Sơn (thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa) bị sạt lở khiến đất đá tràn xuống mặt đường. Hiện, tuyến đã thông trở lại, nhưng để đề phòng bất trắc chính quyền địa phương vẫn phải cắt cử lực lượng thường xuyên kiểm tra những điểm xung yếu để sớm có cảnh báo.

Thu Trang

: Nước sông Ngàn Phố xuống nhanh

Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Hương Sơn, hiện mực nước trên sông Ngàn Phố đang xuống nhanh, đạt 8,9m, trên báo động I (1,1m). Nước sông rút, một số điểm cầu tràn bị ngập nước, gây chia cắt đã lưu thông được trở lại. Cầu tràn bắc qua thị trấn Phố Châu và xã Sơn Giang người dân đã đi lại bình thường.

Tính đến sáng 31/10, toàn huyện Hương Sơn có 65 hộ bị ngập tại các xã An Hòa Thịnh 25 hộ, Sơn Lễ 8 hộ, Sơn Tiến 25 hộ và Kim Hoa 7 hộ. Một số tuyến đường liên xã Ninh Tiến, trục xã Kim Hoa, An Hòa Thịnh, Sơn Lễ bị ngập cục bộ.

Mưa những ngày qua cũng đã làm cho 255 ha ngô bị đỗ gãy; 36 ha rau bị hư hỏng; 124 ha chè công nghiệp bị ngập; 49 ha sắn bị ngập và khoảng 30 tấn cây ăn quả cam, bưởi đã cho thu hoạch bị thối, rụng quả.

Ngoài ra, một số tuyến đường trục xã, liên thôn tại các xã Sơn Hồng, Kim Hoa, Sơn Trường, Sơn Lễ, Sơn Tiến, An Hòa Thịnh bị sạt lở.

Mặc dù nước sông Ngàn Phố rút nhanh, số hộ ngập lụt giảm nhưng huyện Hương Sơn vẫn chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, lơ là trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Đặc biệt, lưu ý đến sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao, đồng thời huy động lực lượng khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.

Hữu Trung

: Kẻ Gỗ đang xả 50m3/s

Nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, chiều 30/10, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thông báo tăng lưu lượng xả tràn từ 100 – 300 m3/s. Tuy nhiên, mưa giảm, mực nước duy trì ở ngưỡng thấp nên sáng nay, đơn vị vận hành đang duy trì mức xả tràn lưu lượng 30m3/s và đến 9h30 phút tăng lên 50m3/s. Mực nước tại hồ Kẻ Gỗ vẫn đang ở mức 31,24m. Tại hồ sông Rác, mực nước đang ở mức 23,30m, xả tràn lưu lượng 100m3/s. Ngoài ra, một số hồ đập trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên như: hồ Thượng Tuy, hồ Bộc Nguyên vẫn đang ở mức ổn định, chưa phải xả tràn.

Nhờ việc điều tiết, kiểm soát tốt lưu lượng xả tràn nên trong sáng nay, trên địa bàn, một số tuyến đường trục xã, trục thôn tại các xã vùng hạ du Kẻ Gỗ như: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ… nước đã rút nhiều so với chiều tối ngày 31/10. Tuy nhiên, nước vẫn đang ngập cục bộ ở một số vùng.

Để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, nhất là ở các vùng sạt lở và lũ quét, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành sơ tán 1.145 hộ với 3.619 người thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn: Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Duệ, Cẩm Lĩnh, Cẩm Mỹ, Cẩm Quang, Cẩm Thạch, Cẩm Bình, thị trấn Cẩm Xuyên.

Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tại các điểm sơ tán, bà con chủ động là chính. Chính quyền địa phương đảm bảo các điều kiện điện, nước, một số nhu yếu phẩm như: mì tôm, gạo, dầu ăn, nước mắm. Trưa nay, Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên vận động hội viên nấu 500 suất cơm phát cho một số điểm sơ tán”.

Phan Trâm

: Lộc Hà tái ngập lụt, nhiều xã bị cô lập

Do mưa lớn kéo dài, nước sông rút chậm nên 7 địa phương ở huyện Lộc Hà ngập lụt trở lại, 217 hộ/361 khẩu phải di dời.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 4 thôn với 250 hộ bị ngập lụt, 12 hộ phải di dời để đảm bảo an toàn.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ thông tin: “Nước lụt đã làm ngập 5 thôn (khoảng 300 hộ) với mức nước ngập từ 50cm -1m, gồm các thôn: Vĩnh Phong, Yên Thọ, Đồng Xuân, Xuân Tây, Vĩnh Phú. Chúng tôi cũng đã di dời 25 hộ với 51 khẩu có nguy cơ mất an toàn lên nhà hội quán thôn". (Trong ảnh: nước lũ đã cô lập nhà nhiều hộ dân ở thôn Yên Thọ).

Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ - Lê Tiến Lương thông tin: Toàn xã hiện có 21 hộ bị nước vào nhà, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Hiện xã đang tập trung chỉ đạo tháo cống xả lũ". Trong ảnh: đường từ Quốc lộ 281 vào thôn Liên Giang, xã Thạch Mỹ ngập gần 1m.

Nước lụt cũng làm cô lập nhiều tuyến đường liên thôn, ngõ xóm, gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt của người dân và ứng cứu thiên tai.

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà thông tin, đến thời điểm này, toàn huyện có 7 xã bị ngập, với 217 hộ, 361 người phải di dời.

Tiến Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/cap-nhat-tinh-hinh-mua-lu-sang-nay-ql-1a-phia-bac-ha-tinh-bi-cam-duong/201176.htm