Cập nhật thông tin về COP24 tại Đại học Việt - Pháp

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng sạch và phát triển bền vững thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt – Pháp) tổ chức tọa đàm khoa học về Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) với sự tham gia của các diễn giả đến từ Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Năng lượng của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

TS Nguyễn Lanh chia sẻ kiến thức về COP24 và các kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại buổi Tọa đàm. (Ảnh ĐB)

Cần nỗ lực chung

COP24 sẽ được tổ chức tại Cộng hòa Ba Lan từ ngày 2 – 14/12/2018, đây là Hội nghị quan trọng nhất về biến đổi khí hậu, tổ chức sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút khỏi hiệp định và hầu hết các nước còn lại hiện vẫn chưa nhất trí về một nỗ lực chung đủ để hạn chế tăng nhiệt độ ở dưới mức 20 C.

Nội dung then chốt của Thỏa thuận Paris lần này là mỗi bên đều phải xây dựng và trình Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), vạch ra những hành động liên quan đến khí hậu của các nước từ năm 2020, nhằm đạt được các mục tiêu đã được đặt ra trên quy mô toàn cầu.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm đã cung cấp những thông tin cập nhật hữu ích về COP24, quá trình cập nhật NDC của Việt Nam, những cam kết chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, dự báo một số thay đổi về tăng nhiệt độ tại Việt Nam và mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1.50 C.

Dự kiến tại COP24 sẽ diễn ra các cuộc thảo luận về mức cam kết đóng góp giảm lượng phát thải GHG của mỗi quốc gia trong quá trình rà soát và cập nhật NDC. Việc sửa đổi mục tiêu giảm phát thải trong NDC sẽ được các quốc gia cân nhắc rất thận trọng vì nó liên quan chặt chẽ đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của từng nước.

Được biết, sau khi Báo cáo kỹ thuật NDC được sửa đổi, Việt Nam đã nâng mức cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính(GHG) đến năm 2030, từ 8 lên 8.8%. Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Lanh - Viện Chiến lược tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, phê chuẩn Công ước năm 1994. Việt Nam cũng ký Nghị định thư Kyoto năm 1998 và phê chuẩn năm 2002. Việt Nam đã xây dựng 02 Thông báo quốc gia để nộp cho UNFCCC vào các năm 2003 và 2010, và hiện đang hoàn thành Thông báo quốc gia 3 để chuẩn bị gửi tiếp vào cuối năm nay”.

Từ năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành 02 Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần để báo cáo UNFCCC, trong đó có nội dung về kết quả Kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Việt Nam cho các năm cơ sở theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia cho các năm cơ sở: 1994, 2000, 2005, 2010, 2013 và 2014. Hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính thực hiện theo hướng dẫn của Ủy Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) theo 5 nhóm lĩnh vực chính: Năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và chất thải.

Ngành Năng lượng gia tăng phát thải

TS Nguyễn Lanh cũng cho biết: “Kết quả sơ bộ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm cơ sở 2014 sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới cho thấy, tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2014 tại Việt Nam khoảng 280 triệu tấn CO2 td, bao gồm lĩnh vực LULUCF và khoảng 320 triệu tấn CO2td không bao gồm lĩnh vực LULUCF. Lượng khí CO2 khoảng 186,4 triệu tấn, chiếm khoảng 58% tổng lượng phát thải khí nhà kính, không có lĩnh vực LULUCF. Khí CH4 khoảng 99 triệu tấn Cotd, chiếm khoảng 30%. Khí N2O khoảng 34 triệu tấn CO2td, chiếm khoảng 11%”.

Trên cơ sở kết quả sơ bộ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm 2014 cũng như kết quả kiểm kê của hai báo cáo trước đây, thì “lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính, nếu như ở kỳ báo cáo đầu tiên, lĩnh vực năng lượng còn đứng sau lĩnh vực nông nghiệp về phát thải khí nhà kính, thì đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực này đã vượt lĩnh vực nông nghiệp và đứng đầu bảng với lượng phát thải khí nhà kính khoảng 54 triệu tấn. Và, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam có xu hướng gia tăng ngày một nhiều hơn, tổng lượng phát thải năm 2014 khoảng 280 triệu tấn so với năm 2010 là 250 triệu tấn, con số kiểm kê sơ bộ phát thải khí nhà kính năm 2014 so với năm 2013 tăng khoảng 20 triệu tấn/năm”, TS Nguyễn Lanh cho biết thêm.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/cap-nhat-thong-tin-ve-cop24-tai-dai-hoc-viet-phap.html