Cập nhật phiên xử MH17 mới: Vẫn là lỗi do...Nga

Các thẩm phán Hà Lan quyết định tên lửa BUK do Nga chế tạo đã gây nên tai nạn máy bay MH17.

Hôm 8/6, các thẩm phán tại Hà Lan đã tiếp tục phiên tòa về vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia trên lãnh thổ Ukraine vào năm 2014.

Người dân đặt hoa cạnh hiện trường vụ thảm kịch MH17.

Người dân đặt hoa cạnh hiện trường vụ thảm kịch MH17.

Tòa đã đưa ra bằng chứng cho thấy tên lửa BUK - một loại vũ khí do Nga chế tạo - đã gây ra vụ rơi máy bay thảm khốc của MH17.

Theo thẩm phán Hendrik Steenhuis, kết quả phân tích tại hiện trường cho thấy một tên lửa loại BUK đã gây ra vụ tai nạn.

“Các chuyên gia tuyên bố tác động trên thân máy bay tương ứng với hệ thống tên lửa BUK và một đầu đạn BUK. Mọi dấu hiệu thiệt hại đều phù hợp với kịch bản này”, ông Hendrik Steenhuis cho biết.

Các thẩm phán cũng chiếu một đoạn video, cho thấy một đám khói trắng bốc lên trên bầu trời, ở vị trí gần Pervomaiskyi thuộc miền đông Ukraine. Đoạn video được ghi vào thời điểm chiếc máy bay MH17 lao xuống cánh đồng ở khu vực này.

Các nhân chứng cũng cho biết một tên lửa "đã xuất hiện khoảng 20 giây rồi phát nổ bên cạnh buồng lái của một chiếc máy bay".

Hồi đầu tuần, các thẩm phán cho biết họ sẽ xem xét bằng chứng để trả lời 3 câu hỏi: Khả năng máy bay bị tên lửa BUK bắn rơi, vị trí bắn tên lửa và vai trò của các nghi phạm trong vụ tấn công.

Chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhuis khẳng định, các mảnh vỡ được tìm thấy tại hiện trường “giống với một tên lửa BUK”, và cuộc điều tra cho thấy “không còn kết luận khả thi nào khác”.

Các bằng chứng nhắm vào 4 đối tượng, gồm 3 người Nga và một người Ukraine. Những người này bị cáo buộc bắn hạ máy bay MH17 vào ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Đây cũng là thời điểm giao tranh diễn ra ở khu vực đông Ukraine.

Khôi phục một phần máy bay MH17 trong vụ thảm kịch năm 2014.

Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi đang đi từ sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur thì bị rơi ở khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Toàn bộ 298 người trên máy bay đều đã thiệt mạng.

Nhóm điều tra chung (JIT) gồm các đại diện từ Úc, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine, đã được thành lập để điều tra thảm kịch này.

Tháng 10/2015, Ủy ban An toàn Hà Lan kết luận máy bay MH17 bị tên lửa Buk tấn công, và nổ tung giữa không trung.

Đến tháng 5/2018, Úc và Hà Lan cho biết sẽ tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn với lý do: hệ thống tên lửa được sử dụng để bắn rơi MH17 có thể đã được chuyển từ Nga và là một phần của lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Nga gần Kursk.

Moscow bác bỏ các cáo buộc của JIT, đồng thời khẳng định chưa có hệ thống tên lửa nào của quân đội Nga từng được đưa đến Ukraine.

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã xác định được tên lửa bắn rơi chiếc Boeing 777, và xác nhận rằng vũ khí này được chuyển cho quân đội Ukraine hồi năm 1986, sau đó chưa bao giờ quay trở lại Nga.

Các quan chức Nga lập luận rằng có nhiều giả thuyết khác, ví dụ như máy bay bị bắn rơi bởi một máy bay chiến đấu của Ukraine.

Tháng 7/2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad chỉ trích các nỗ lực đổ lỗi sự cố MH17 cho Nga là mang động cơ chính trị.

Ông nói: "Họ (các nhà điều tra) thực sự không xem xét các nguyên nhân của vụ rơi máy bay cũng như những kẻ phải chịu trách nhiệm, mà chỉ nhất quyết đó là lỗi của Nga. Chúng tôi không thể chấp nhận thái độ ấy".

Khi còn là nhân vật đối lập trên chính trường Malaysia, ông Mohamad từng chỉ trích các nỗ lực đổ lỗi sự cố MH17 cho Nga là mang động cơ chính trị. Sau khi đắc cử ghế thủ tướng quốc gia này vào năm 2018, ông Mohamad vẫn giữ nguyên quan điểm.

Ông này từng lên án các nước châu Âu khi không được cử đại diện tham gia điều tra vụ việc ngay từ đầu mà chỉ được đưa vào danh sách 6 tháng sau thảm kịch. Ông nói điều này "không công bằng và bất thường".

Trước đó, Công ty Almaz-Antey thuộc Bộ Quốc phòng Nga là công ty chuyên sản xuất tên lửa, trong đó có BUK, đã gửi lên Tòa án tại Hà Lan báo cáo kỹ thuật và điều tra liên quan đến các chi tiết kỹ thuật và quan ngại quốc phòng trong vụ thảm họa MH17.

Báo cáo được Almaz-Antey gửi đi từ năm 2015-2016 liên quan đến các cáo buộc về tên lửa Buk đã được phía Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine bắn trúng chiếc máy bay chở khách.

Sputnik dẫn thông tin về báo cáo cho biết, Almaz-Antey đã tiến hành các cuộc điều tra chi tiết về thảm họa, kiểm tra bằng chứng pháp y, giải mật thông tin bí mật về khí tài quân sự của họ, và tiến hành một thử nghiệm phức tạp dựa trên đạn đạo, quỹ đạo bay và các thông tin thích hợp khác.

Các nghiên cứu này đã khiến các nhà điều tra Nga xác định rằng một biến thể cũ hơn của tên lửa Buk được chế tạo vào năm 1986 và đã bị loại khỏi kho vũ khí của Nga trong chiến dịch hiện đại hóa quân đội vào đầu những năm 2010, đã được sử dụng để nhắm mục tiêu và phá hủy chuyến bay của Malaysia Airlines.

Tòa án Hà Lan đã chỉ công nhận báo cáo của Almaz-Antey như một tài liệu của cuộc điều tra.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cap-nhat-phien-xu-mh17-moi-van-la-loi-donga-3433571/