Cập nhật Covid-19 ngày 14/5: Mỹ lên án dùng vaccine vì mục đích chính trị; châu Á nhiều điểm nóng; Google chi 33 triệu USD hỗ trợ Mỹ Latinh chống dịch

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 161,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,36 triệu ca tử vong và hơn 139,6 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 14/5: Mỹ lên án dùng vaccine vì mục đích chính trị; châu Á nhiều điểm nóng; Google chi 33 triệu USD hỗ trợ Mỹ Latinh chống dịch

Cập nhật Covid-19 ngày 14/5: Mỹ lên án dùng vaccine vì mục đích chính trị; châu Á nhiều điểm nóng; Google chi 33 triệu USD hỗ trợ Mỹ Latinh chống dịch

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 598.536 ca tử vong trong tổng số 33.625.727 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 24.046.120 và 262.350 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 15.436.827 ca nhiễm và 430.596 bệnh nhân không qua khỏi.

Mặc dù virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, nhưng nhìn chung diễn biến dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tích cực trong 7 ngày qua, theo đó số ca nhiễm mới tại Bắc Mỹ giảm 17%, khu vực châu Âu giảm 15%, châu Á giảm 5%, châu Phi giảm 1%. Trong khi đó, khu vực Nam Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 2%, và châu Đại Dương tăng tới 160%.

* Tại châu Đại Dương, Papua New Guinea đang là điểm nóng của dịch Covid-19 với 492 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này là 13.242 ca, đứng thứ 3 khu vực sau Australia (29.950 ca) và vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp (18.797 ca).

* Tại châu Á, ngoài Ấn Độ thì Iran, Nepal, Nhật Bản, Philippines, Malaysia cũng là những điểm nóng của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại các nước này đều ở mức cao, từ gần 5.000 ca đến hơn 14.000 ca.

Ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ khẳng định hơn 2 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 sẽ có sẵn tại nước này trong vòng 5 tháng từ tháng 8-12/2021, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số.

Phát biểu tại một cuộc họp báo của Bộ Y tế, ông V K Paul, thành viên phụ trách lĩnh vực y tế của Ủy ban cải cách thể chế quốc gia (Niti Aayog) đồng thời cho biết vaccine Sputnik V của Nga có thể sẽ có sẵn vào tuần tới.

Hiện nay, trước tình trạng nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, một số bang và lãnh thổ liên bang của Ấn Độ như Delhi, Maharashtra, Karnataka và Telangana đã quyết định mở thầu quốc tế mua vaccine phòng Covid-19.

Chính phủ Nhật Bản dự định trong ngày 14/5 sẽ đưa thêm 3 tỉnh, gồm Hokkaido ở cực Bắc, Okayama và Hiroshima ở phía Tây, vào phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19. Đây là những tỉnh có số ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh trong những ngày gần đây. Diễn biến này được xem là khá bất ngờ, phản ánh các mối quan ngại đang gia tăng về tình hình lây lan dịch Covid-19 tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định chi 512 tỷ Yen (khoảng 4,7 tỷ USD) từ quỹ dự phòng của tài khóa 2021 để mua thêm vaccine phòng Covid-19.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết có tới 4,14% mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các bến xe khách loại A cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tính đến ngày 11/5 – một ngày trước thềm kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo, Bộ Giao thông Vận tải nước này đã ghi nhận 1,5 triệu người rời khởi khu vực Đại Jakarta tới các điểm đến chính ở tỉnh Đông Java, Tây Java, và đảo Sumatra, qua đó làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ngày 13/5, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 Moderna, mở đường cho việc nhập khẩu và sử dụng vaccine này.

Cho đến nay, Moderna là vaccine ngừa Covid-19 thứ tư được phê duyệt tại Thái Lan. Trước đó, FDA cũng đã phê duyệt các loại vaccine ngừa Covid-19 gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac.

* Tại châu Mỹ

Ngày 13/5, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc điều trị Covid-19 bằng 2 loại kháng thể có tên gọi banlanivimab và etesevimab do nhà máy của hãng dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) tại nước này sản xuất.

Đây là loại thuốc thứ ba được Anvisa cấp phép sử dụng khẩn cấp trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Trước đó, cơ quan này cũng đã chấp thuận sử dụng 2 loại thuốc điều trị Covid-19 là Remdesivir và Regn-Cov2.

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo những người đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 có thể quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây một cách an toàn mà không cần phải tuân theo bất kỳ hạn chế nào.

Tuy nhiên, CDC cho biết các hướng dẫn mới không áp dụng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe, cơ sở cải huấn hoặc nơi tạm trú cho người vô gia cư. Bên cạnh đó, những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở những nơi được yêu cầu tuân theo luật pháp, quy tắc và quy định như ở trên máy bay, tàu hỏa và phương tiện giao thông công cộng.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại Mỹ cho biết Washington lên án "việc sử dụng bất chấp đạo lý" vaccine ngừa Covid-19 cho các mục đích chính trị, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Honduras.

Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra sau khi Đài Loan (Trung Quốc) lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc tìm cách sử dụng vaccine ngừa Covid-19 nhằm tạo mối quan hệ ngoại giao với Honduras, một trong những quốc gia có quan hệ thân thiết với Đài Loan.

Ngày 13/5, Google đã công bố một gói tín dụng trị giá 33 triệu USD nhằm hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận triển khai hoạt động chống dịch Covid-19 tại Mỹ Latinh, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

* Tại châu Âu

Ngày 13/5, Đan Mạch đã khởi động chiến dịch xử lý xác chồn thuộc diện bị tiêu hủy hàng hoạt do lo ngại nguy cơ lây lan của một biến thể của virus SARS-CoV-2.

Theo giới chức Đan Mạch, toàn bộ 15 triệu con chồn ở Đan Mạch đã được tiêu hủy trong năm ngoái sau khi cơ quan chức năng phát hiện một số chồn nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.

Hiện chính phủ Đan Mạch kêu gọi cơ quan chức năng đào lại và xử lý số xác chồn bằng phương pháp thiêu hủy khi nguy cơ lây lan dịch bệnh đã giảm xuống. Đan Mạch là nước xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới.

Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết tiếp tục gia tăng. Đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-145-my-len-an-dung-vaccine-vi-muc-dich-chinh-tri-chau-a-nhieu-diem-nong-google-chi-33-trieu-usd-ho-tro-my-latinh-chong-dich-145167.html