Cập nhật 7h ngày 5/9: Tiếp đà tăng 'phi mã', Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao chưa từng có. Nga xuất xưởng lô vaccine đầu tiên

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 5/9, toàn cầu ghi nhận 26.760.085 người nhiễm Covid-19, trong đó có 877.881 trường hợp tử vong và 18.878.764 bệnh nhân bình phục.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trên thế giới, với 6.385.367 ca mắc bệnh, trong đó có 192.012 ca tử vong. Đặc biệt, sau 13 ngày ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức dưới 50.000 ca, ngày 4/9, Mỹ lại ghi nhận số ca nhiễm mới tăng thêm 50.123 trường hợp.

Đáng chú ý, bang Illinois đã tăng vọt số ca nhiễm từ 1.360 ca (3/9) lên 5.590 ca (4/9) do trục trặc trong việc xử lý dữ liệu trong hệ thống của Sở Y tế Công cộng (IDPH) Illinois tuần qua.

Sau Mỹ là Brazil với 4.091.801 ca mắc, trong đó có 125.584 ca tử vong, tăng lần lượt 45.651 ca và 855 ca trong 24 giờ qua.

Bộ Y tế Brazil cho biết, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở nước này đã giảm nhẹ trong những ngày gần đây, cho thấy dịch bệnh có thể đã qua đỉnh sau nhiều tháng liên tục ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày trên 1.000 ca. Từ cuối tháng 8, mỗi ngày Brazil có khoảng 870 ca tử vong và hơn 40.000 ca mắc mới.

Tại Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, trong 24 giờ qua tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, 87.115 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 4.020.239 ca, trong đó có 69.635 ca tử vong. Ngày 4/9 ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có trong ngày trên toàn cầu.

Sau Ấn Độ là Nga ghi nhận 1.015.105 ca mắc với 17.649 ca tử vong, Peru có 670.145 ca mắc với 9.405 ca tử vong, Colombia với 650.678 bệnh nhân không qua khỏi.

* Tại châu Á, Philippines và Indonesia ghi nhận thêm hàng nghìn ca mắc Covid-19. Cụ thể, ngày 4/9, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 3.714 ca bệnh, trong đó có 49 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 232.072 ca, số người thiệt mạng là 3.737.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng xác nhận thêm 3.269 ca mắc Covid-19 và 82 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì căn bệnh này lên lần lượt là 187.537 ca và 7.832 ca. Chính phủ đã khuyến cáo công dân hoãn các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài.

Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan cho biết, đang chạy đua truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau 100 ngày. Gần 200 người tiếp xúc với ca bệnh này đã được xét nghiệm. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.431 ca mắc và 58 ca tử vong do Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức 3 con số, buộc Chính phủ phải gia hạn chiến dịch giãn cách xã hội thêm 1 tuần đến ngày 13/9. Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 198 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 20.842 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này có số ca nhiễm dưới 200 ca.

Trong khi đó, ngày 4/9, New Zealand ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 sau hơn 3 tháng. Bệnh nhân nam ở độ tuổi 50 có liên quan đến ổ dịch bùng phát tại thành phố Auckland trong tháng 8 vừa qua. Như vậy, tính đến hết ngày 4/9, New Zealand có tổng cộng 23 ca tử vong do Covid-19, trong số 1.764 ca mắc bệnh. New Zealand cũng quyết định duy trì các hạn chế phòng dịch Covid-19 đến giữa tháng 9 này.

* Tại châu Âu, tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 4/9, Pháp xác nhận thêm 8.975 ca mắc trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại quốc gia này vượt ngưỡng 7.000 và ngày đầu tiên vượt ngưỡng 8.000 kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại trong vài tuần trở lại đây. Trên cả nước, 23 địa phương hiện ở mức "nguy cơ cao" và 37 địa phương ở mức "nguy cơ trung bình".

Cơ quan Y tế công cộng Pháp cảnh báo tình hình lây nhiễm đặc biệt đáng lo ngại ở vùng đô thị và ở nhóm thanh niên, do thiếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Theo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer, 22 trường học ở nước này đã phải đóng cửa do số ca mắc Covid-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.

Tính đến nay, Pháp ghi nhận 309.156 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 30.724 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, ngày 4/9, Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu ngày thứ 2 ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt quá 1.600 ca kể từ tháng 5, đưa tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 276.555, trong đó 6.564 ca tử vong.

CH. Czech cùng ngày cũng phát hiện thêm 797 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đã lên tới 27.249.

* Liên quan tới vaccine ngừa Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 4/9 đã kêu gọi thế giới đoàn kết đối phó với đại dịch, cho rằng “chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực vaccine” sẽ chỉ làm chậm lại công tác ứng phó với đại dịch.

Trong khi đó, người phát ngôn WHO Margaret Harris cho rằng, không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa Covid-19 trước giữa năm 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine.

Quan chức trên nhấn mạnh giai đoạn 3 sẽ mất nhiều thời gian hơn do cần phải kiểm chứng khả năng bảo vệ và mức độ an toàn của vaccine.

Hiện trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. WHO khẳng định điều này không có nghĩa vaccine ngừa Covid-19 gần như đã sẵn sàng được phân phối rộng khắp trên thế giới.

Cùng ngày, tại Nga, Phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova cho biết, 3 phòng khám ngoại trú số 2, 62 và 220 ở Thủ đô đã nhận được lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Hiện các cơ sở này đều đã sẵn sàng cho việc triển khai chương trình thử nghiệm, dự kiến bắt đầu từ tuần tới.

Cũng theo bà Rakova, từ ngày 4/9, người dân Moscow có thể đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm trên và trở thành những người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những người tham gia sẽ được theo dõi y tế liên tục trong 6 tháng, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ y tế từ xa.

Trước đó, Nga thông báo sẽ tiến hành tiêm phòng thử nghiệm vaccine Sputnik V cho khoảng 40.000 người. Đây là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép.

Cùng ngày, công ty dược phẩm Đức Curevac thông báo sẽ có thể sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. Curevac nằm trong số các doanh nghiệp đang bào chế vaccine dựa trên các phân tử mang mã gene RNA thông tin (mRNA).

Ngoài ra, Curevac có thể mở rộng hợp tác với Grohmann, một chi nhánh của tập đoàn Telsa của tỷ phú Mỹ Elon Musk, trong việc phát triển "máy in RNA", từ đó giúp sản xuất vaccine trên diện rộng.

Tại Việt Nam, hiện có 1.049 người mắc Covid-19, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551. Việt Nam đã điều trị khỏi cho 786 bệnh nhân trong khi có 35 trường hợp tử vong. Trong khi đó, có 99 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần trở lên. Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau: Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị. Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập. Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone. Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn. Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-7h-ngay-59-tiep-da-tang-phi-ma-an-do-ghi-nhan-so-ca-nhiem-covid-19-moi-cao-chua-tung-co-nga-xuat-xuong-lo-vaccine-dau-tien-123044.html