Cập nhật 19h ngày 8/6: Mặc 'kỷ lục buồn' Covid-19, Ấn Độ mở cửa đền thờ, Mỹ khuyến cáo không tái sử dụng khẩu trang Trung Quốc

Ngày 8/6, các trung tâm thương mại và đền thờ tại một số thành phố của Ấn Độ đã mở cửa trở lại bất chấp số ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày tại quốc gia Nam Á này vẫn tăng cao kỷ lục sau 10 tuần phong tỏa.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nga. (Nguồn: Moskva News Agency)

Đây được xem là quyết định táo bạo của Chính phủ Ấn Độ nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo số liệu báo cáo mới nhất công bố ngày 8/6, Ấn Độ ghi nhận thêm 9.983 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 256.611 ca, trở thành một trong những quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới cùng với các nước như Tây Ban Nha và Anh. Tuy nhiên, so với các nước khác trong nhóm này, số ca tử vong tại Ấn Độ lại thấp hơn với 7.135 ca. Các chuyên gia dự báo đỉnh dịch Covid-19 tại Ấn Độ sẽ rơi vào tháng 7 tới.

Lệnh phong tỏa áp dụng từ ngày 15/3 đã khiến Chính phủ Ấn Độ chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp và người dân. Do đó, để đảm bảo việc nới lỏng các biện pháp hạn chế không ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch, Ấn Độ đã công bố một loạt các hướng dẫn y tế kèm theo như phải đeo khẩu trang tại những địa điểm tập trung đông người và đảm bảo khoảng cách 2 m với người khác.

* Cũng trong ngày 8/6, trẻ em tại Nam Phi đã được đi học trở lại khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế sau một tháng phong tỏa nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 tại châu Phi với tổng số ca nhiễm lên tới gần 50.000 ca, trong đó có 1.000 ca tử vong.

* Ngày 8/6, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã công bố các bước đi đầu tiên cho phép công dân nước này được đi lại bên ngoài biên giới Nga, sau khi các khu vực biên giới bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong cuộc họp được phát sóng trên truyền hình, Thủ tướng Mishustin nêu rõ, một sắc lệnh của Chính phủ đã được ký cho phép công dân Nga rời khỏi đất nước để làm việc, học tập hay chăm sóc người thân ốm đau. Những người nước ngoài cũng có thể đến Nga để chăm sóc người thân.

* Cùng ngày 8/6, tất cả các câu lạc bộ bóng bàn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã được yêu cầu tạm thời đóng cửa để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 sau khi một loạt ca nhiễm mới bùng phát tại một câu lạc bộ bóng bàn ở phường Yangcheon phía Tây Seoul.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thị trưởng Seoul, ông Park Won-Soon cho biết, chính quyền thành phố đã ra lệnh cho tất cả 350 câu lạc bộ bóng bàn trong thành phố phải đóng cửa trong thời gian này hoặc hoạt động với điều kiện phải tuân thủ triệt để các hướng dẫn của chính phủ về ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Lệnh hành chính mới nhất đối với các câu lạc bộ bóng bàn được đưa ra sau khi các hạn chế tương tự được áp dụng cho các cơ sở thể thao trong nhà khác liên quan đến các hoạt động thể chất cường độ cao, như tập thể dục, nhảy Zumba và tập thể dục nhịp điệu.

Chính quyền Seoul cũng đã yêu cầu người dân không tụ tập tham gia các chương trình khuyến mãi và các sự kiện quảng cáo bán hàng được tổ chức bởi các công ty tiếp thị đa cấp. Thị trưởng Seoul cho biết thêm chính quyền thành phố sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nữa trong tương lai nếu cần. Ông cũng lưu ý bắt đầu từ ngày 6/8, người dân Seoul có thể đăng ký trên trang web của chính quyền thành phố để được xét nghiệm Covid-19 miễn phí.

Giới chức đã xác nhận có ít nhất 17 ca nhiễm Covid-19 liên quan tới câu lạc bộ bóng bàn ở Yangcheon sau nhiều vụ lây nhiễm tập thể như ở một kho hàng của công ty bán hàng trực tuyến Coupang, một số nhà thờ, câu lạc bộ đêm và một tổng đài điện thoại.

137 ngày sau khi bệnh nhân đầu tiên được thông báo hồi tháng 1, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Seoul hiện đã lên tới hơn 1.000 ca. Đáng chú ý, tính riêng từ đầu tháng 6 tới nay, đã có 139 ca lây nhiễm.

* Giám đốc Điều hành (CEO) EasyJet, ông Johan Lundgren, cảnh báo hãng hàng không này có thể phải cắt giảm việc làm thêm nữa nếu chính sách cách ly của Anh tiếp tục trong một thời gian dài.

Phát biểu với Sky News, CEO EasyJet trả lời: "Tôi sợ là vậy" khi đươc hỏi liệu tình trạng mất việc làm có thể tồi tệ hơn nữa không nếu chính sách cách ly kéo dài.

Ông Lundgren cho biết thêm: "Tôi nghĩ và lo rằng nếu không có một sự thay đổi (quy định cách ly), ngành công nghiệp hàng không như chúng ta biết ở Anh sẽ bị ảnh hưởng".

Hãng hàng không giá rẻ này của Anh đang lên kế hoạch cắt giảm 4.500 việc làm, tương đương 30% nhân công do cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

* Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thay đổi chính sách về khử trùng khẩu trang N95 dành cho nhân viên y tế, khuyến cáo không tái sử dụng khẩu trang được sản xuất tại Trung Quốc.

Việc thiếu hụt khẩu trang N95 giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phải nới lỏng một số quy định liên quan tới việc sử dụng khẩu trang trong trường hợp khẩn cấp.

Khẩu trang N95 vốn được thiết kế dành cho các nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu ứng phó với dịch bệnh, có khả năng lọc được virus tốt hơn khẩu trang vải và khẩu trang y tế.

Do có nhiều lo ngại về nguy cơ thiếu hụt khẩu trang trên toàn nước Mỹ, FDA đã cho phép sử dụng cả những loại khẩu trang đang được sử dụng tại các nước khác dù chúng chưa được Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ phê chuẩn về chất lượng. FDA cũng cho phép tái sử dụng khẩu trang N95 sau khi đã được khử trùng.

FDA cho biết một số loại khẩu trang được sản xuất tại Trung Quốc nhưng chưa được FDA phê duyệt vẫn có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ. Tuy nhiên, chúng không được tái sử dụng. FDA cũng công bố danh sách các loại khẩu trang không được tái sử dụng, trong đó có nhiều mẫu của công ty 3M (Mỹ) được sản xuất tại Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ tuần trước đã kiện công ty King Year, trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc, với cáo buộc bán ra thị trường Mỹ gần nửa triệu khẩu trang N95 giả và kém chất lượng hồi tháng 4 khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ. Công ty King Year bị cáo buộc gian dối khi nói rằng 495.200 khẩu trang họ vận chuyển tới Mỹ đạt tiêu chuẩn N95 và đã được Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ cấp chứng nhận.

FDA hồi tháng 5 đã rút giấy phép xuất khẩu đối với hàng chục công ty sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc, sau khi phát hiện nhiều khẩu trang N95 được sản xuất tại đây không lọc được 95% hạt bụi siêu nhỏ như tiêu chuẩn đề ra.

(tổng hợp)

Thế Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-19h-ngay-86-mac-ky-luc-buon-covid-19-an-do-mo-cua-den-tho-my-khuyen-cao-khong-tai-su-dung-khau-trang-trung-quoc-117124.html