Cập nhật 19h ngày 7/4: Nga thử nghiệm lâm sàng thuốc trị Covid-19, số ca nhiễm ở châu Phi vượt 10.000 người

Số liệu mới nhất do trang mạng worldometer.info cập nhật cho biết, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.361.024 người, với 76.201 ca tử vong và 293.617 ca phục hồi.

Tây Ban Nha đứng thứ 2 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ có số ca tử vong nhiều nhất với 13.798 trường hợp. (Nguồn: Getty)

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay, trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận 746 ca tử vong và 5.478 ca nhiễm mới. Theo đó, tổng số ca tử vong và nhiễm mới ở quốc gia châu Âu này hiện lần lượt là 13.798 ca và 140.510 ca. Hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha đứng thứ 2 thế giới, sau Italy (16.523 ca) và trước Mỹ (10.943 ca).

Cùng ngày, Trung tâm Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Bỉ thông báo trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận thêm 1.380 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số mắc Covid-19 lên 22.194 ca và có thêm 403 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số tử vong lên 2.035. Hiện đã có 4.157 ca khỏi bệnh ở Bỉ.

Kể từ khi Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ ban bố quy định phong tỏa toàn quốc và hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan, Viện Kiểm sát nước này đã ghi nhận tới 5.000 trường hợp vi phạm quy định này. Báo chí Bỉ đánh giá người dân nước này vẫn chưa thực sự tuân thủ triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.

Cơ quan y tế công cộng của Thụy Sỹ ngày 7/4 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng lên thành 22.242 người, so với con số 21.652 người một ngày trước đó.

Tổng số trường hợp tử vong do mắc Covid-19 ở Thụy Sỹ hiện là 641 người.

Tại Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết sức khỏe Thủ tướng đã ổn định và tinh thần của ông vẫn rất tốt. Thủ tướng hiện đã có thể thở mà không dùng máy trợ thở hay bất kỳ sự hỗ trợ không xâm lấn nào. Ông hiện đang được chăm sóc tích cực tại bệnh viện St Thomas ở thủ đô London.

Trước đó, Thủ tướng Johnson đã phải nhập viện tối 5/4 để điều trị tích cực do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng của bệnh Covid-19, khoảng 10 ngày sau khi ông tự cách ly vì bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 143 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 1.462 ca. Tổng số ca tử vong đã lên tới 45 ca. Theo nhận định của giới chức y tế nước này, dịch Covid-19 tại Ukraine có thể lên đỉnh điểm vào ngày 14/4 tới.

Hiện Ukraine vẫn đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên cả nước cho đến ngày 24/4. Trong thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp được ban bố từ ngày 25/3, cảnh sát nước này ghi nhận 3.922 trường hợp vi phạm.

Ngày 7/4, Nga ghi nhận thêm 1.154 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân lên 7.497 người. Đây là lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca nhiễm mới vượt con số 1.000 ca trong 24 giờ. Tổng số bệnh nhân tử vong đã tăng lên 58 ca với 11 ca tử vong mới được ghi nhận.

Thủ đô Moscow vẫn là "điểm nóng" nhất của dịch Covid-19 tại Nga với 5.181 ca nhiễm, tiếp đến là thành phố St.Petersburg với 69 ca.

Đáng chú ý, bộ phận báo chí của Cơ quan Y-Sinh Liên bang Nga (FMBA) thông báo, nước này đã bắt đầu quy trình thử nghiệm lâm sàng so sánh các loại thuốc Mefloquine, Hydroxychloroquine và Kalidavir dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Các xét nghiệm sẽ được tiến hành tại Trung tâm y-sinh liên bang mang tên A.I. Burnazyan. Trước đó, FMBA đã đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2 dựa trên cơ sở thuốc Dalargin và bắt đầu nghiên cứu lâm sàng.

FMBA đã xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh viêm phổi cấp tính thể nặng do SARS-CoV-2, kèm theo suy hô hấp, dựa trên cơ sở sử dụng delta-opioid, hexapeptide tổng hợp Dalargin. Thuốc Dalargin đã được đăng ký ở Nga như là loại thuốc chữa lành vết loét bảo vệ các cơ quan và mô - phổi, gan, tuyến tụy.

Covid-19 đã hiện diện ở 52 quốc gia châu Phi với 10.075 ca nhiễm bệnh

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), một cơ quan đặc biệt trực thuộc Liên minh châu Phi (AU), dịch Covid-19 đã lan tới 52 quốc gia châu Phi và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện ghi nhận lên tới 10.075 ca, trong đó 487 người đã tử vong và 913 bệnh nhân đã phục hồi.

Từ ngày 27/1, thông qua Africa CDC, AU đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động khẩn cấp (EOC) và Hệ thống Quản lý sự cố (IMS).

Trong một diễn biến khác, giới chức Nigeria đã hối thúc các thể chế cho vay đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp 6,9 tỷ USD để nước này ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Zainab Ahmed cho biết Nigeria đã đóng góp 3,4 tỷ USD cho IMF và có quyền hưởng số tiền này trong trường hợp cần thiết. Trước tiên, chính quyền Abuja đề nghị khoản tiền tối đa, và muốn WB hỗ trợ 2,5 tỷ USD cùng Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfBD) cấp 1 tỷ USD.

Hiện Chính phủ Nigeria đã lên kế hoạch lập quỹ trị giá 1,3 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đang rất yếu kém trong bối cảnh nước này đang buộc phải cắt giảm ngân sách chi tiêu do giá dầu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Nigeria - nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực do giá dầu rơi tự do. Quốc gia đông dân nhất châu Phi hiện ghi nhận 238 ca nhiễm và 5 ca tử vong.

Morocco đã nâng mức trần nợ nước ngoài, vốn đang là 3 tỷ USD, để có thể tiếp tục vay tiền ứng phó với các tác động của dịch Covid-19. Theo người phát ngôn chính phủ Saad Eddine El Othmani, biện pháp này sẽ cho phép Morocco được vay thêm từ các thể chế quốc tế như WB và AfDB.

Hiện Morocco đã ghi nhận 1.120 ca nhiễm và 80 ca tử vong vì Covid-19. Ngày 5/4, nước này đã bắt đầu xây dựng một bệnh viện dã chiến tại thành phố Casablanca để giúp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang ngày càng gia tăng. Từ ngày 22/3, nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế một tháng và đóng cửa biên giới trên bộ và trên biển, ngừng mọi chuyến bay chở khách quốc tế từ ngày 15/3.

Cùng ngày, Angola đã triển khai một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, đi tuần tra bằng xe bọc thép ở thủ đô Luanda nhằm thực thi các quy định chống dịch, vì mọi người tiếp tục ra đường bất chấp lệnh hạn chế đi lại.

Tổng thống Joao Lourenco đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước vào tháng trước, theo đó cấm đi lại, hội họp và các hoạt động công cộng

Angola hiện ghi nhận 16 ca nhiễm và 2 ca tử vong, con số tương đối thấp so với các nước láng giềng ở miền Nam châu Phi.

Trong cuộc họp báo ngày 7/4, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc Gauden Galea nhấn mạnh, Trung Quốc đã giảm thành công tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19. Ông Galea viện dẫn, tâm dịch Vũ Hán đã tìm cách giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 4% trong khi số liệu này ở các khu vực khác của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1%.

Theo ông, việc có tỷ lệ tử vong cao khi bùng phát lây nhiễm lan là điều bình thường do số lượng ca nhiễm vượt quá năng lực của cơ quan y tế trong việc cung cấp điều trị tập trung.

Người phát ngôn Bộ Y tế công cộng Afghanistan Wahidullah Mayar ngày 7/4 cho biết trong vòng 24 giờ qua, Afghanistan ghi nhận thêm 56 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 423 người.

Tong số ca nhiễm mới, có 17 ca được phát hiện tại Herat và 12 ca ở Kabul. Ông Mayar cũng cho biết có 11 bệnh nhân mắc Covid-19 đã tử vong và 17 người đã được chữa khỏi.

Mai Khanh

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-19h-ngay-74-nga-thu-nghiem-lam-sang-thuoc-tri-covid-19-so-ca-nhiem-o-chau-phi-vuot-10000-nguoi-113166.html