Cập nhật 19h ngày 29/5: Mỹ, Iran đều thảm bại trước Covid-19, Các khu ổ chuột Mỹ Latin 'tay không' đấu với đại dịch

Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ đã vượt xa con số 100.000. Con số đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và đằng sau đó là nhiều câu chuyện đau buồn về các gia đình bị chia cắt, mất người thân và những người chết trong cô độc.

Mỹ thảm bại trước Covid-19, nhiều người chết đã không được tổ chức tang lễ đúng nghĩa. (Nguồn: AP)

Ngoài ra, những người đã chết không được tổ chức tang lễ đúng nghĩa vì hạn chế cách biệt cộng đồng.

Tỷ lệ tử vong của Mỹ hiện là 30/100.000 người, thấp hơn Anh, Pháp hay Italy, nhưng cao gấp nhiều lần Đức với 10/100.000 người, hay Hàn Quốc với 0,52/100.000 người, theo Đại học Johns Hopkins. Hiện, 14 bang ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm vẫn tăng, trong khi 17 bang giữ mức ổn định và 19 bang giảm.

Covid-19 cũng khoét sâu thêm nhiều vấn đề tồn tại ở Mỹ từ lâu như phân biệt chủng tộc, giai cấp. Theo USA Today, nghiên cứu của giới dịch tễ học và bác sĩ lâm sàng chỉ ra các hạt có dân số da màu cao chiếm hơn nửa số ca nhiễm và gần 60% ca tử vong hồi giữa tháng 4. Trong khi tầng lớp thượng lưu có thể thoải mái tận hưởng thời gian phong tỏa ở nhà, nhiều dân thường Mỹ đau đầu với bài toán mất sinh kế. Khoảng 41 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong vòng 10 tuần.

Trong những tuần gần đây, khi điểm nóng Covid-19 vẫn còn tập trung ở các thành phố lớn và khu vực đô thị, một cuộc tranh luận khốc liệt hơn về tốc độ mở cửa kinh tế lại nổ ra. Giới chuyên gia cảnh báo, đại dịch chưa qua và lo ngại số ca nhiễm có thể sẽ gia tăng khi ngày càng nhiều bang mở cửa trở lại. Họ cho rằng, nguy cơ từ việc mở cửa, thiếu vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả có thể khiến số người chết ở Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng lên.

* Ngày 29/5, Iran thông báo ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong gần 2 tháng qua, đồng thời cảnh báo diễn biến dịch bệnh ở quốc gia Trung Đông này đang trở nên tồi tệ ở một số khu vực.

Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour thông báo, nước này xác nhận thêm 2.819 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 146.668 người. Đây là con số cao nhất ở Iran tính theo ngày kể từ hôm 2/4. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận thêm 50 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 7.677 người.

Trước đó, Chính phủ Iran đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp đặt sau khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi tháng 2. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay, Iran đã tái áp đặt lệnh phong tỏa ở tỉnh Khuzestan, giáp giới với Iraq.

* Trên lộ trình càn quét các khu vực trên thế giới, có vẻ như đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gặp một cộng đồng nạn nhân thụ động chờ dịch tới mà không có biện pháp phòng thủ nào, đó là những khu ổ chuột ở Mỹ Latin.

Khi khu vực Mỹ Latin trở thành tâm dịch mới của thế giới cũng là lúc virus SARS-CoV-2 bắt đầu tàn phá những cộng đồng cư dân dễ chịu tổn thương nhất. Sống tại những khu dân cư vốn có hệ thống vệ sinh tồi tàn và không gian hạn chế, hàng triệu người dân tại các khu ổ chuột Mỹ Latin không có nổi những sản phẩm khử trùng cơ bản nhất và việc có thể tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội theo khuyến cáo của giới chức y tế lại càng là những điều "xa xỉ".

Theo thống kê của Liên hợp quốc, có gần 89 triệu người trong khu vực Mỹ Latin không thể tiếp cận các dịch vụ vệ sinh dù là cơ bản nhất, chính vì vậy biện pháp cơ bản nhất để phòng ngừa dịch bệnh là rửa tay thường xuyên cũng trở thành nhiệm vụ bất khả khi.

Tại Peru, khoảng 1/3 trong tổng số 10 triệu người dân nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở Venezuela, ngoài thiếu nước sinh hoạt, người dân nơi đây còn thiếu cả điện và xăng dầu.

Bên cạnh những thiếu thốn điều kiện vệ sinh dịch tễ, bài toán duy trì kế sinh nhai cũng đang là thách thức lớn với công tác phòng dịch tại khu vực. Theo chuyên gia kinh tế Dalia Maimon, khu vực Mỹ Latin hiện có khoảng 54% người lao động phi chính thức, cư dân các khu ổ chuột buộc phải lựa chọn giữa đánh liều đi làm để kiếm sống hoặc ở nhà phòng dịch mà trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hàng triệu người dân khu vực Mỹ Latin đã mất đi kế sinh nhai khi tình trạng khủng hoảng kinh tế càng thêm trầm trọng do các biện pháp phong tỏa.

Trong tuần, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne cho biết tổ chức này ngày càng lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus trong các cộng đồng người nghèo và các nhóm dễ chịu tổn thương nhất. Các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục xấu đi khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng nhanh chóng tại tâm dịch mới Brazil, Peru và Chile.

* Tại châu Âu, một chuyên gia y tế Italy cho rằng, một số địa phương có thể đã làm giả thông tin số ca nhiễm bệnh Covid-19 để tránh bị tái áp đặt lệnh phong tỏa. Thông tin trên đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận trong bối cảnh Italy đang chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế.

Phát biểu trên đài phát thanh Radio 24, ông Nino Cartabellotta, người đứng đầu Viện Tư vấn y tế Fondazione GIMBE cho biết, có lý do hợp lý khi nghi ngờ một số khu vực sử dụng "mánh khóe" để không bị phong tỏa trở lại.

Đối với vùng Lombardy, ông Cartabellotta cho rằng "có quá nhiều điều lạ kỳ về số liệu được ghi nhận trong hơn 3 tháng qua", bao gồm số người được tính là đã chữa khỏi khi họ được xuất viện ngay cả khi họ vẫn đang còn ốm. Theo ông Cartabellotta, sự chậm trễ "bất thường" trong việc công bố các số liệu ngay sau khi giai đoạn khẩn cấp đã qua đi cũng được ghi nhận, trong khi công tác xét nghiệm phát hiện trường hợp nhiễm virus ngày càng thu hẹp, như thể Lombardy đang tránh công bố các ca nhiễm mới.

Chính quyền vùng Lombardy ngay lập tức đã phủ nhận khi chỉ trích những cáo buộc trên là "rất nghiêm trọng" và "trên tất cả không đúng sự thật". Trong khi đó, cố vấn Chính phủ và cũng là chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Walter Ricciardi nhận định, "có những lý do thực sự để nghĩ rằng các số liệu trên là không đáng tin cậy tại một số khu vực". Chuyên gia này cho rằng "còn quá sớm để đưa ra quyết định" về việc liệu có mở cửa trở lại những khu vực trên hay không, đặc biệt là vùng Lombardy, vốn hiện có 20.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.

Theo các số liệu chính thức, hơn 33.000 người đã tử vong do Covid-19 tại Italy, trong đó vùng Lombardy chiếm tới gần 16.000 ca.

* Trong khi đó, tại Đông Nam Á, sau hơn 1 tháng rưỡi không phát hiện thêm các trường hợp dương tính mới với Covid-19, chiều 29/5, Lào tiếp tục nới lỏng thêm một số hạn chế xã hội trong khi vẫn tiếp tục quản lý chặt việc xuất nhập cảnh và duy trì nghiêm các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m.

Tại cuộc họp báo chiều 29/5 ở Thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Y tế Lào, ông Bounkong Syhavong cho biết nước này đã qua 47 ngày liên tiếp không phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 mới, trong số 19 ca dương tính, đã có 16 ca được chữa khỏi. Với những kết quả như trên, Chính phủ Lào quyết định nới lỏng thêm một số biện pháp hạn chế xã hội đã áp dụng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu người dân không lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm các quy định và nguyên tắc an toàn dịch tễ như duy trì giãn cách, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nơi ở, làm việc.

Về các biện pháp nới lỏng, Chính phủ Lào cho phép Bộ Giáo dục và Thể thao mở lại các lớp phổ thông cuối cấp, chương trình tập huấn, giáo dục ngắn hạn kể từ ngày 2/6, đồng thời cho phép tất cả các cấp học mở cửa lại toàn bộ từ ngày 15/6; cho phép tổ chức tất cả các loại hình thể thao nhưng không được có khán giả; cho phép mở lại chợ đêm, cửa hàng ăn uống (cửa hàng rượu, bia chưa được mở), rạp chiếu phim. Chính phủ Lào cũng cho phép các doanh nghiệp, nhà máy và dự án trở lại hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy tắc vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội.

* Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 678 ca mắc Covid-19, đưa số người mắc bệnh tại nước này lên hơn 25.000 người.

Theo Bộ trên, đại dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của nước này. Nhà chức trách đã tiến hành các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời yêu cầu người dân đeo khẩu trang để khống chế sự lây lan dịch bệnh. Hiện chính quyền Indonesia đang chuẩn bị trạng thái "bình thường mới", trong đó người dân được phép nối lại các hoạt động thường nhật.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận 25.216 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.520 người tử vong.

* Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 103 ca mắc Covid-19, chủ yếu liên quan đến người nước ngoài. Như vậy, tính tới nay, nước này ghi nhận 7.732 ca mắc Covid-19, trong đó có 115 người tử vong.

(theo CNN, AFP, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-19h-ngay-295-my-iran-deu-tham-bai-truoc-covid-19-cac-khu-o-chuot-my-latin-tay-khong-dau-voi-dai-dich-116555.html