Cập nhật 14h ngày 24/3: Số ca nhiễm Covid-19 ở Đức vượt 29.000, Ấn Độ có thể có hơn 1 triệu ca bệnh, SARS-CoV-2 đã đến Lào

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến 7h sáng 24/3 (giờ địa phương), trên cả nước Đức ghi nhận 29.056 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra và 123 ca tử vong.

Hệ thống Giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam cập nhật tình hình dịch Covid-19 đến 13h ngày 24/3. (Nguồn: Bộ Y tế)

Ba bang có nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhất là Nordrhein-Westfalen với 8.224 ca nhiễm, 41 ca tử vong; tiếp đến là bang Bayern với 5.719 ca nhiễm và 27 ca tử vong và bang Baden-Württemberg với 5.333 ca nhiễm, 31 ca tử vong. Thủ đô Berlin hiện có 1.219 ca nhiễm và 2 ca tử vong.

Tại cuộc họp với các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/3 tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đề xuất về việc kích hoạt “điều khoản đoàn kết” trong các hiệp ước EU nhằm chống lại khủng hoảng dịch Covid-19.

Bộ trưởng Maas cho biết, mục đích của việc kích hoạt “điều khoản đoàn kết” là tăng cường phản ứng của EU đối với sự lây lan của SARS-CoV-2 thông qua các biện pháp cụ thể, cung cấp năng lực vật chất và con người trong EU.

“Điều khoản đoàn kết” thuộc Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu. Mục tiêu của nó là đảm bảo EU triển khai hỗ trợ các quốc gia thành viên nhanh chóng, hiệu quả và nhất quán trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công khủng bố và thiên tai.

* Tính đến sáng 24/3, Ấn Độ ghi nhận gần 500 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 9 trường hợp tử vong. New Delhi đã phong tỏa hoàn toàn 30 bang và vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm tổng cộng 548 quận huyện, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Mạng Hindustan Times dẫn bản phân tích thống kê của một nhóm gồm 13 học giả từ 3 trường đại học của Mỹ và 1 người từ Trường kinh tế Delhi soạn thảo dự báo, đến giữa tháng 5 tới, Ấn Độcó thể có tới 97.000 đến 1,3 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19, đồng thời nêu khả năng về các ca tử vong trên diện rộng nếu hệ thống chăm sóc y tế mong manh của nước này bị dịch bệnh áp đảo.

Theo các nhà nghiên cứu, xu hướng này sẽ phụ thuộc vào mức độ Ấn Độ can thiệp mạnh mẽ đến đâu để ngăn chặn SARS-CoV-2 lan rộng hơn. Báo cáo nhấn mạnh, Chính phủ cần lập tức tăng cường các nỗ lực như xây dựng các bệnh viện chuyên dụng mới, như Trung Quốc từng làm ở Vũ Hán.

Các học giả khuyến cáo Chính phủ Ấn Độ cần tăng cường các nỗ lực chống dịch, theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, New Delhi có thể tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để xác định tình trạng lây lan của dịch bệnh. Giai đoạn hai là khi bắt đầu có sự lây nhiễm trong cộng đồng và Chính phủ không thể truy dấu từng người tiếp xúc, nên phải chuyển trọng tâm sang việc xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, cần phải công bố các gói khuyến khích bên cạnh những biện pháp can thiệp, để người dân yên tâm tuân thủ lệnh hạn chế.

* Tại Indonesia, tính đến ngày, nước này nhận 579 ca nhiễm Covid-19, 49 người tử vong và 30 người đã khỏi bệnh.

Ngày 24/3, Tổng thống Indonesia Jokowi cho biết, đến nay không có kế hoạch phong tỏa đất nước hay cách ly một khu vực để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, do Indonesia đã nghiên cứu tác động từ biện pháp phong tỏa đất nước của một số quốc gia trên thế giới như Đan Mạch, Pháp, Italy.

Cũng theo Tổng thống Jokowi, mỗi quốc gia có thuộc tính, nền văn hóa, pháp luật khác nhau, do đó Indonesia không chọn con đường phong tỏa đất nước. Ông tin rằng, nếu mỗi người dân có ý thức giữ khoảng cách thì sự lây lan của dịch Covid-19 có thể được ngăn chặn. Do vậy, chính phủ cần thắt chặt hơn nữa những biện pháp “cách ly xã hội” đối với các trường hợp mắc Covid-19.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy phòng thủ khu vực chung, Phó Đô đốc Yudo Margono mới đây tuyên bố, quân đội Indonesia (TNI) đã quyết định thành lập 4 bộ tư lệnh đóng vai trò là các tiểu đơn vị của "Lực lượng đặc nhiệm" chuyên trách xử lý dịch bệnh Covid-19.

* Tại Lào, trong cuộc họp báo chiều 24/3, đại diện Bộ Y tếLào cho biết, nước này đã có 2 trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Như vậy, Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á đã bị nhiễm COVID-19. Cả hai bệnh nhân đều đi thăm và làm việc tại Thái Lan trong thời gian qua.

* Đài Loan (Trung Quốc) thông báo có thêm 20 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch nguy hiểm tại vùng lãnh thổ này lên 215 ca. Trong khi, các quan chức tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc thông báo, tỉnh này sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau 2 tháng bị phong tỏa.

Các cư dân khỏe mạnh sẽ được phép rời khỏi tỉnh từ nửa đêm 24/3, trong khi Thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh này cũng là tâm dịch ban đầu, sẽ dỡ bỏ các hạn chế từ ngày 8/4.

* Bộ Y tế và các chính quyền địa phương Nhật Bản thông báo, tính tới 11 giờ trưa 24/3, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này là 1.141 người, số ca tử vong là 52, hiện có 64 người đang nguy kịch phải thở máy, trong khi 872 người đã được xuất viện.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo, nước này sẽ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài đến từ 18 quốc gia châu Âu và Iran để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bao gồm Andorra, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Italy, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Vatican.

Quy định này sẽ sớm được một nhóm đặc nhiệm của Chính phủ do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu hoàn tất.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại đối với các quốc gia kể trên lên mức 3.

* Algeria thông báo đóng cửa tất cả quán cà phê và nhà hàng ở nước này, cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm ở Thủ đô Algiers

* Tổng thống Colombia Ivan Duque Marquez thông báo áp đặt lệnh cách ly bắt buộc trên cả nước kéo dài 3 tuần từ ngày 25/3 và chỉ được phép ra khỏi nhà khi có mục đích chính đáng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến 235 trường hợp nhiễm bệnh và 2 ca tử vong.

Những ai vi phạm quy định cách ly sẽ đối mặt với việc bị truy tố và phạt tù từ 4-8 năm, cũng như nộp phạt hành chính.

Ngoài ra, giao thông đường không trong nước cũng tạm dừng trong thời gian cách ly, ngoại trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa và trường hợp khẩn cấp, song giao thông đường bộ và đường thủy vẫn diễn ra.

* Nhiều bang của Brazil, quốc gia ghi nhận 1.891 ca mắc Covid-19 với 34 ca tử vong, đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan. Ở những bang có nhiều ca nhiễm, nhà chức trách đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng, trường học và phòng tập thể thao ít nhất 2 tuần cùng với một số hạn chế đi lại.

Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Madetta tuần trước nhận định, số ca mắc Covid-19 ở nước này dự kiến tăng nhanh trong những tuần tới và đến cuối tháng 4, hệ thống chăm sóc y tế công cộng có thể sụp đổ. Ông hối thúc người dân tự cách ly để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thế Việt

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-14h-ngay-243-so-ca-nhiem-covid-19-o-duc-vuot-29000-an-do-co-the-co-hon-1-trieu-ca-benh-sars-cov-2-da-den-lao-112169.html