Cấp hạn ngạch đánh bắt vùng khơi cho trên 31.500 tàu cá

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đã cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi cho 28 tỉnh, thành ven biển thông qua cấp giấy phép khai thác cho hơn 31.500 tàu cá công suất lớn (chiều dài 15 mét trở lên).

Tổng cục Thủy sản đã cấp hạn ngạch khai thác ngoài khơi cho tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển

Tổng cục Thủy sản đã cấp hạn ngạch khai thác ngoài khơi cho tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển

Tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thủy sản cho biết, nửa đầu năm nay thời tiết biển thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Các nghề lưới kéo, lưới vây đạt hiệu quả sản xuất ở mức trung bình so với cùng kỳ năm 2018. Nghề lưới rê có sản lượng khai thác giảm, trong khi nghề chụp mực, câu cá ngừ đại dương đạt hiệu quả khá.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng ước đạt 1,88 triệu tấn (tăng 6,2% so với năm 2017), trong đó khai thác biển đạt 1,79 triệu tấn, khai thác nội địa 84 nghìn tấn. Theo thống kê, hiện cả nước có 96.600 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, trong đó tàu cá vỏ gỗ chiếm tỉ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới.

Gần 47.500 tàu chiều dài từ 6-12 mét, gần 18.700 tàu cá có chiều dài từ 12-15 mét. Số lượng tàu có chiều dài 15 mét trở lên trên 31.500 chiếc, trong đó loại tàu 15-24 mét là 27.900 chiếc, tàu dài trên 24 mét là 2.600 chiếc.

Nửa đầu năm nay, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác tiếp tục được triển khai tốt. Số vụ tai nạn tàu cá đã giảm đáng kể so với trước đây, đặc biệt là tàu cá ít bị thiệt hại bởi ảnh hưởng của bão lốc, áp thấp nhiệt đới trên biển.

Đến nay, Tổng cục Thủy sản đã đã giao hạn ngạch khai thác khu vực ngoài khơi cho 28 tỉnh, thành ven biển, với trên 31.500 giấy phép khai thác thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Tổng cục cũng hướng dẫn các địa phương cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch đã được cấp.

Ngoài ra, với đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước, hiện đã có 4 doanh nghiệp ở các tỉnh Tiền Giang, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ hợp tác với các doanh nghiệp ở Solomon, Vanuta, Papua New Guinea để đưa lao động và tàu cá sang hợp tác khai thác, chế biến hải sản.

Cũng trong nửa đầu năm 2019, tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ, xử lý vẫn tiếp diễn, nhưng có giảm so với cùng kỳ. Cả nước xảy ra 60 vụ/106 tàu/606 ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ, giảm 37 vụ/35 tàu/371 ngư dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Thủy sản, nửa cuối năm 2019, mục tiêu là khắc phục cao nhất 4 khuyến khị của Ủy ban châu Âu (EC), nhằm gỡ “thẻ vàng” liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

“Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong nửa cuối năm vì không gỡ thẻ vàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, danh dự Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tác động rất lớn đến đời sống bà con ngư dân”, ông Oai nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dự kiến đầu tháng 11 tới, đoàn thành tra EC sang đánh giá về nỗ lực khắc phục của Việt Nam liên quan đến “thẻ vàng”. “Chúng ta hiện mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt, nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng, thậm chí có thể bị “thẻ đỏ”, ông Tiến nói.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cap-han-ngach-danh-bat-vung-khoi-cho-tren-31500-tau-ca-1436399.tpo