Cấp gần 1 triệu bộ C/O sang thị trường có FTA

Năm 2020, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 1 triệu bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với trị giá 52,8 tỷ USD, tăng khoảng 6% về trị giá và 9% về số lượng bộ C/O so với năm 2019.

Số lượng hồ sơ tăng đều

Theo Bộ Công Thương, so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi khoảng 33,1%. Tính theo thị trường xuất khẩu, Hàn Quốc chiếm 52,01%, Nhật Bản 38,35%, Trung Quốc 31,6%... Còn theo mặt hàng xuất khẩu, hàng dệt may khoảng 58%, gỗ và sản phẩm gỗ 32%, thủy sản 68%...

Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, tuy tỷ lệ sử dụng C/O khi xuất khẩu sang một số thị trường có FTA có thể giảm, nhưng số lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi vẫn tăng đều sau từng năm. Đơn cử, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 33,1% không có nghĩa gần 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Bởi thực tế hiện nay, thuế nhập khẩu được hưởng ưu đãi MFN (quy chế tối huệ quốc) tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp (1 - 2%), hoặc tương đương với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu, bởi không tạo sự khác biệt về thuế quan.

Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore có sử dụng C/O mẫu D trong năm 2020 đạt 234 triệu USD, chỉ khoảng 7,7% trong 3,05 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, nguyên nhân chủ yếu do thuế MFN của nước này đã là 0%, nên doanh nghiệp không cần thiết xin C/O ưu đãi khi xuất khẩu. Tương tự, Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó, mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.

C/O mẫu E trong ACFTA đứng đầu

Tình hình cấp C/O ưu đãi theo Hiệp định - C/O mẫu E trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đứng đầu với trị giá hơn 15,5 tỷ USD, bằng khoảng 31,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tiếp đó, C/O mẫu D với trị giá đạt 8,98 tỷ USD, bằng khoảng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN. Đứng thứ ba, tổng trị giá C/O mẫu AJ (ASEAN - Nhật Bản) được cấp đạt 5,8 tỷ USD, bằng khoảng 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. C/O mẫu VJ (Việt Nam - Nhật Bản) có trị giá khoảng 1,52 tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản. Hai mẫu C/O trong khuôn khổ các FTA ký với Hàn Quốc là C/O mẫu VK (Việt Nam - Hàn Quốc) và C/O mẫu AK (ASEAN - Hàn Quốc) đều có trị giá khá cao, lần lượt đạt 5,08 tỷ USD và 4,87 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 26,6% và 25,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

 Nhiều ngành hàng được kỳ vọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường có FTA

Nhiều ngành hàng được kỳ vọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường có FTA

Tổng trị giá C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đạt 8,97 tỷ USD. Bộ Công Thương chỉ rõ, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sử dụng C/O mẫu D đã đạt mức bão hòa và không có nhiều biến động qua các thời kỳ. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu D năm 2020 là 38,8%. Nguyên nhân do các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ đều đã đạt ngưỡng tỷ lệ sử dụng cao (trên 60%). Ngoài ra, mức thuế MFN nhập khẩu của một số nước ASEAN phát triển hơn (như Singapore, Malaysia, Indonesia) đều bằng 0% cũng làm giảm tỷ lệ sử dụng C/O mẫu D khi xuất khẩu sang các thị trường này.

Kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP trong năm 2020 đạt 1,37 tỷ USD, bằng 4,02% tổng kim ngạch xuất khẩu sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này không cao do hầu hết các nước đối tác đều đã có FTA với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực. Riêng đối với Mexico và Canada - hai nước lần đầu tiên ta có FTA, kim ngạch cấp C/O ở mức khá cao, lần lượt 867,3 triệu USD và 402 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 27,45% và 9,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này.

Đáng chú ý, sau 5 tháng triển khai EVFTA, tổng trị giá C/O mẫu EUR.1 cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU và Anh đã đạt 2,66 tỷ USD, bằng khoảng 14,83% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2020 sang thị trường này. Trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng hơn nữa do hiện tại, đối với thị trường EU vẫn đang tồn tại song song 2 ưu đãi GSP và EVFTA, doanh nghiệp vẫn đang áp dụng cả 2 cơ chế này khi xuất khẩu hàng hóa sang EU và lựa chọn C/O mẫu EUR.1 hoặc C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế tương ứng khi xuất khẩu sang EU.

Để tạo thuận lợi cho việc cấp C/O, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BCT ngày 29/6/2018 quy định rõ về việc phân luồng trong quy trình cấp C/O ưu đãi và tăng cường hoạt động cấp C/O qua internet.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cap-gan-1-trieu-bo-co-sang-thi-truong-co-fta-155502.html