Cấp đông thịt lợn để đảm bảo cung cầu tiêu dùng

Một trong những khó khăn của việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Cấp đông thịt lợn là việc hết sức khó khăn. Ảnh: Internet

Cấp đông thịt lợn là việc hết sức khó khăn. Ảnh: Internet

Chiều 31/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường trong bối cảnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Tuy nhiên, vị này thừa nhận, đây là việc hết sức khó khăn do có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Việc cấp đông sản phẩm thịt lợn trong thời gian dài với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.

Thứ hai, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay ở Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở chế biến, cấp đông. Hiện cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng.

Thứ ba, nhu cầu, thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho các doanh nghiệp đầu mối khi thu mua, cấp đông trong việc dự trữ và bán các sản phẩm ra sau này.

“Nhiều doanh nghiệp cho biết có thể làm những việc này theo chỉ đạo của các cấp ngành nhưng sau này có bán được hay không vẫn là câu hỏi lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Điểm khó khăn thứ tư là một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng nên thịt lợn cấp đông sẽ đi nhiều hơn vào các cơ sở chế biến thực phẩm, còn trực tiếp tới tay khách hàng thì còn khó khăn.

Tuy nhiều khó khăn là vậy, nhưng giá của các sản phẩm thịt lợn tại thời điểm này còn rất thấp, thậm chí rất khó bán, trong khi người nông dân không bán được nhưng hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn, nguy cơ dịch lan đến gây chết cho cả đàn lợn là rất cao.

“Chúng ta cũng phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn, ví dụ trong 3-4 tháng nữa, đặc biệt dịp trước Tết cổ truyền của Việt Nam. Liệu lúc đó có đủ thực phẩm tiêu dùng hay không, trong khi mặt hàng thịt lợn vốn rất phổ biến ở Việt Nam”, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương bày tỏ.

Chính vì thế, Bộ Công Thương đã tập hợp ý kiến các đơn vị liên quan, doanh nghiệp đầu mối thu mua thịt để báo cáo Chính phủ, với mục đích đưa ra chính sách phù hợp, đảm bảo thịt thu mua phải an toàn.

Hiện Dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với hơn 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bị tiêu hủy, bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc.

Báo cáo tại Quốc hội, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, với diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp như năm nay, nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra những vùng còn lại hoặc quay trở lại những nơi có ổ dịch đã qua 30 ngày không xuất hiện lại (22 tỉnh, 30 huyện thuộc 30 ngày không còn ổ dịch nhưng nguy cơ dịch quay trở lại).

Ngoài ra, thời gian tới, nếu như không xử lý hết thì bệnh dịch sẽ lan ra các hộ lớn. Hiện nay chủ yếu các hộ nhỏ, những hộ chăn nuôi lớn, trang trại thì chưa có. Nếu bị lan sang thì sẽ rất nguy hiểm.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cap-dong-thit-lon-de-dam-bao-cung-cau-tieu-dung-105825.html