Cấp định danh điện tử khó khi công dân không có số điện thoại chính chủ

Để tạo lập tài khoản trên cổng dịch vụ công Quốc gia, công dân cần có số điện thoại chính chủ đăng ký bằng chứng minh nhân dân hoặc căn cước.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công an thăm mô hình làm việc tại quận Hoàn Kiếm.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công an thăm mô hình làm việc tại quận Hoàn Kiếm.

Ngày 15/9, đoàn công tác của Bộ Công an, do Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã làm việc với Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) về việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Làm việc với UBND phường Hàng Bài và Công an quận Hoàn Kiếm đoàn công tác đã kiểm tra thực tế hệ thống máy móc kết nối với các dịch vụ tiện ích trên Cổng thông tin quốc gia. Qua đó, đoàn công tác đã đánh giá cao, kết quả đạt được của công an quận Hoàn Kiếm khi đã tổ chức thông báo số định danh cho 58.136/58.136 trường hợp (đạt 100%) cho công dân, đảm bảo thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính.

Theo báo cáo, hiện nay việc thực hiện cấp định danh điện tử cho công dân, Công an quận Hoàn Kiếm đã thực hiện cấp định danh điện tử cho 61.607/91.728 trường hợp đạt 67% khối lượng công việc.

Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp, tính đến hết tháng 8 - 2022 đã tiến hành thu nhận được tổng số 137.036 hồ sơ. Trong đó, đã cấp 3.856 hồ sơ kèm định danh điện tử cho nhóm ưu tiên số 1 là học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT quốc gia (SN 2004 và 2007); 4.763 trường hợp cho nhóm ưu tiên số 2 gồm đối tượng chính sách, người nghèo và cận nghèo…

Đến nay, công tác thu thập, cập nhật thông tin công dân, làm sạch dữ liệu dân cư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm làm được 198.200/198.732 trường hợp đạt tỉ lệ 99.7%.

Từ kiểm tra thực tế, đoàn công tác ghi nhận những khó khăn đang tồn tại ở quận Hoàn Kiếm. Đó là việc tạo lập tài khoản trên cổng dịch vụ công Quốc gia đòi hỏi công dân cần có số điện thoại chính chủ đăng ký bằng chứng minh nhân dân 9 số, 12 số hoặc số căn cước công dân.

Tuy nhiên, với nhiều công dân không sử dụng số điện thoại chính chủ, không nhớ số chứng minh nhân dân 9 số nên không tạo được tài khoản trên cổng thông tin.

Qua công tác kiểm tra, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Công an quận Hoàn Kiếm cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) và các phòng, ban chức năng duy trì, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” góp phần kết nối chia sẻ thông tin giữa các phòng, ban chức năng với hệ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy trình, các bước thực hiện liên thông thủ tục khai sinh, khai tử hiện đang bị vướng mắc về phần mềm, chưa thực hiện kết nối giữa các đơn vị để giảm thủ tục hành chính cho người dân. Đẩy nhanh việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử phục vụ người dân thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian tới giao Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ rà soát các ngân hàng trên địa bàn quận để triển khai ứng dụng của chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân để xác thực thông tin khách hàng, chống giả mạo, dùng thẻ căn cước để thực hiện rút tiền điện tử; đồng thời triển khai thủ tục hành chính liên thông khai sinh, khai tử, kết hôn bao gồm xử lý đăng ký/xóa thường trú.

Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế quận và Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Tim Hà Nội để triển khai việc khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp và sử dụng các thiết bị đảm bảo vừa xác minh danh tính vừa tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, số hóa dữ liệu đầu vào cho các cơ sở khám chữa bệnh…

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cap-dinh-danh-dien-tu-kho-khi-cong-dan-khong-co-so-dien-thoai-chinh-chu-post608252.html