Cạp đất mưu sinh

Những người dân không ruộng đi đào đất kiếm sống. Đó là nghề chẳng giống ai - 'cạp đất' để mưu sinh, suốt ngày lầm lũi ngoài đồng bất kể nắng mưa.

Ông Nguyễn Văn Thanh đào đất . ẢNH: HÒA HỘI

Ông Nguyễn Văn Thanh đào đất . ẢNH: HÒA HỘI

Leng khô là hết tiền

Tầm 10 giờ, trời nắng như đổ lửa, nhóm gần chục người lưng trần cắm cúi đào những mảng đất từ dưới mương quăng lên thành luống. Gạt những dòng mồ hôi đầm đìa, người đàn ông trạc 45 tuổi nói trong tiếng thở dốc: “Nghề này nắng mưa gì tụi tôi cũng ở trần chứ mặc áo vô là chịu không nổi, mồ hôi ra như tắm, nếu mặc vô ngứa ngáy khó chịu lắm”. Ở góc đằng kia, ông Nguyễn Văn Công nhảy xuống mương cái đùng ngâm mình dưới nước một hồi rồi leo lên bờ lấy điếu thuốc rít một hơi thật lâu, khói phì phà. Ông Công kể, mấy anh em trong xóm, nhà ở cách đây gần 20 km (ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), vùng nổi tiếng trồng mía của Hậu Giang nhưng mấy năm nay thua lỗ, bây giờ dân trồng mía không còn mặn mà nữa. Còn nhóm của ông Công đi khắp xứ đào đất, hễ chỗ nào kêu là làm.

Ông Công năm nay 40 tuổi nhưng có đến gần 30 năm gắn bó với nghề đào đất. Thoạt đầu nghe có vẻ hơi vô lý nhưng ông cho biết, gia đình nghèo, không ruộng đất, đời cha đã làm nghề này rồi. “Năm 10 tuổi là theo cha đào đất, khi ấy cha và mấy chú, bác đào còn tôi theo hốt đất con, dần dà tập đào rồi theo cái nghiệp này luôn cho đến giờ”, ông Công nói.

Theo lời ông Công, khoảng dăm năm trước, phong trào chuyển từ đất lúa lên vườn trồng mít, cam sành... rất sôi động nên anh em làm không xuể. Thậm chí, đi gần cả tháng, dựng lều giữa đồng để ngủ đến khi nào hết công trình mới về nhà một lần. “Việc nhiều, anh em làm ngày làm đêm để kịp tiến độ giao cho người ta. Tối về lều ê ẩm mình mẩy rồi cùng nhau làm xị rượu đế cho giãn gân cốt để hôm sau làm tiếp. Có những công trình kéo dài cả tháng trời, kiếm được cả chục triệu đồng. Tuy vất vả nhưng lo được cho vợ con ở nhà”, ông Công chia sẻ.

Quang cảnh đào đất

Cùng hoàn cảnh, ông Đồng Văn Sơn có thâm niên gần 25 năm trong nghề. Người gầy nhom, ông Sơn được mọi người giới thiệu là dẻo dai, chịu được mưa nắng. Ông kể, ngày nào cũng vậy, khoảng 4 giờ sáng là vợ thức dậy chuẩn bị cơm nước cho ông mang theo ra đồng ăn trưa, đến chiều mới về. Nhà không ruộng đất nên phải “cày”, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng.

làm ngày nào ăn ngày đó, buông ra là đói. Ngày trước, hễ có người kêu 10 công (1.000 m2/công) đào lên bờ là lãnh luôn, rồi kêu anh em cùng làm. Bây giờ phần lớn là họ lên vườn gần hết rồi hoặc kêu máy kobe (máy xúc) làm nên không còn nhiều việc.

Trước đây, trong đội có lúc lên đến gần 40 người, làm ngày vài công đất là chuyện thường nhưng giờ ít nên anh em tứ tán.

Ông Sơn kể chuyện đời chuyện nghề nghe mà não ruột. “Có hôm đi xa, 3 giờ khuya vợ thức dậy nấu cơm để mang theo. Có khi vợ làm công ty mệt, thức không nổi thì tôi dậy nấu rồi tranh thủ chạy đến chỗ làm khoảng 4 - 5 giờ sáng bắt tay vào làm ngay để tránh nắng. Cái nắng tháng hai, tháng ba hay vào mùa hè tầm 9 - 10 giờ là chịu không nổi. Chưa kể, làm tốn sức, quăng gào đất xa 4 - 5 mét thốn cả người. Hôm nào gặp trời mưa còn đỡ chứ nắng gay gắt nhiều người chịu không nổi. Ai mới vào nghề gặp cảnh này thường bỏ nghề, đặc biệt là đào mương lớn, sâu cả mét dưới đất quăng lên bờ xa, hôm nào đói bụng là chịu trận”, ông Sơn chia sẻ.

Kể về chuyện này, ông Sơn hiện lên nét mặt buồn bã, khi nhớ về một đồng đội, cũng là chú ruột của mình phải tử nghiệp cách nay 4 năm. “Hôm đó, đang đào giữa trời nắng gắt, chú tôi kiệt sức, bỏ leng (xẻng) trèo qua mương tắm cho mát nhưng nào ngờ úp mặt xuống nước chết trong lúc mọi người ai nấy đều cắm cúi đào, đến lúc nhìn qua thì không cứu được”, ông Sơn buồn bã kể.
Làm nghề này, hầu như tay chân ai cũng đều chai sần, ông Nguyễn Văn Phúc giơ đôi bàn tay ra rồi bảo: không còn chỗ nào để phồng nữa mà đều thành lớp dầy, còn đôi chân nước ăn và không ít chỗ bị chầy, xước do giẫm phải ốc hay mảnh chai, mảnh sành. Chưa kể, khi dầm mưa lâu dễ bị cảm. “Nhiều hôm dầm mưa cả ngày về cảm sốt là chuyện thường. Đâu dám vô viện, tiền đâu? Vợ lấy lá xông, ngớt bệnh lại làm liền hoặc mua thuốc tây uống cho xong” - ông Phúc tâm sự.

“Hy sinh đời bố, củng cố đời con”

Trong nhóm đào đất gần chục người, phần lớn ai cũng nghèo, không ruộng đất nhưng có điều con cái họ được học hành đàng hoàng, thậm chí đỗ đại học, thành tài, điển hình là ông Nguyễn Văn Thà.

Gia đình ông Thà không ruộng đất, vợ chồng sống nghề làm thuê, nuôi 2 con ăn học, đến nay cả hai người con của ông đều tốt nghiệp đại học ra trường và có việc làm ổn định. Bây giờ, tuy con cái có việc làm nhưng vợ chồng ông không bỏ nghề mà vẫn đi làm. “Đời mình đã khổ, coi như hy sinh đời bố để củng cố đời con. Nếu tôi không quyết tâm thì con cũng sẽ nghèo nữa thì biết khi nào mới thoát khỏi cảnh bần cùng này”, ông Thà bộc bạch.

Nhớ lại cảnh vừa chạy gạo hàng ngày vừa lo cho 2 con ăn học của gần chục năm trước, ông không nghĩ mình đã vượt qua nó. “Chú biết đấy, nghề này hễ khô leng là hết tiền. Những lúc bệnh hoạn, chạy gạo ăn hằng ngày còn phải lo con ăn học. Nhiều đêm trằn trọc, thức trắng không ngủ được vì lo, nếu mình không còn sức cầm cây leng thì lấy đâu lo cho vợ, con. Tương lai của con sẽ ra sao, chẳng lẽ lại tiếp tục cầm leng như đời cha của nó mà cả đời vẫn không khá nổi?”.

Ông Nguyễn Văn Thanh có 2 đứa con, đứa lớn lớp 10, đứa nhỏ lớp 8. Hằng ngày ông đào đất, còn vợ ở nhà đi đánh lá mía thuê lo cho 2 con ăn học. “Cỡ nào vợ chồng tôi cũng phải lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Đời mình đã khổ nên chỉ có con đường học con cái sau này mới mong thoát nghèo, không phải sống trong cảnh bần cực như mình”, ông Thanh chia sẻ.

H.H

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cap-dat-muu-sinh-1440441.tpo