Cấp cứu thành công bệnh nhi 12 tuổi bị rắn lục bò vào nhà cắn

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân tỉnh Vĩnh Long bị rắn lục bò vào nhà cắn.

Bác sỹ kiểm tra vết thương bị rắn cắn. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bác sỹ kiểm tra vết thương bị rắn cắn. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân tỉnh Vĩnh Long bị rắn lục bò vào nhà cắn.

Bệnh nhân là em Nguyễn Văn Triệu, 12 tuổi, ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Chiều 4/10, các bác sỹ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Triệu trong tình trạng bị sưng phù vết thương, sưng khớp.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu do rắn độc cắn, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lập tức, các bác sĩ tiến hành truyền huyết thanh kháng độc rắn. Sau khi truyền huyết thanh, bệnh nhân tỉnh táo, không còn rối loạn đông máu và qua khỏi cơn nguy kịch...

Cha bệnh nhân là anh Nguyễn Văn Muôn cho biết trưa 4/10, sau khi đi học về, em Triệu nằm trên giường và gác chân lên gối xem tivi. Trong lúc xem tivi, Triệu giật mình vì bị con gì cắn mạnh vào 2 ngón chân ở bàn chân phải. Triệu la lên và anh Muôn kiểm tra vết thương, phát hiện 2 ngón chân giữa ở bàn chân phải của Triệu bị nhiều dấu răng cắn sâu, máu chảy nhiều.

Nhìn vết thương, anh Muôn khẳng định con bị rắn cắn. Lấy đèn pin rọi xuống giường, anh Muôn phát hiện con rắn lục dài gần 1 mét còn nằm ngay phía dưới giường. Lập tức, gia đình đưa em Triệu vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cấp cứu. Sau gần 2 ngày nằm viện điều trị, chiều 5/10, bệnh nhân tỉnh táo, đi lại bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Nhân Mỹ, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa đã cấp cứu 8 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó Cần Thơ có 4 ca, Hậu Giang 2 ca, Vĩnh Long 2 ca.

Đa số các ca nhập viện là do bị rắn hổ, rắn lục cắn, gây rối loạn đông máu, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây xuất huyết não dẫn đến tử vong. Trong 8 ca nhập viện cấp cứu có một vài ca bị biến chứng nặng do trẻ cân nặng thấp, lượng độc chất vào cơ thể nhanh khiến trẻ khi nhập viện trở nặng, nhiều ca xuất hiện tình trạng trẻ đi tiểu ra máu.

Phản ánh của người nhà bệnh nhân khi đưa trẻ bị rắn cắn nhập viện cấp cứu, đều có chung đặc điểm là trẻ bị rắn bò vào nhà cắn. Hiện nay các tỉnh Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đây là thời điểm rắn mất nơi trú ẩn nên thường bò vào nơi khô ráo, nhất là nhà của người dân để trú ẩn và liên tục gây ra các vụ cắn người.

Các bác sỹ khuyến cáo, rắn là loài thích những nơi ẩm, nhưng nếu nơi cư trú quá ướt thì nó sẽ bò đến nơi khô hơn, mát hơn để ẩn náu. Để tránh bị rắn cắn vào mùa nước nổi, người dân cần chú ý dọn dẹp nhà cửa, kiểm tra các khu vực nhà kho, gầm giường, gầm bàn… là những khu vực rắn thường ẩn nấp. Khi trẻ bị rắn cắn, phụ huynh cần bình tĩnh, vệ sinh vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để cấp cứu; tuyệt đối không đưa trẻ đến thầy lang bó thuốc, tránh gây biến chứng và nguy hiểm tính mạng./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cap-cuu-thanh-cong-benh-nhi-12-tuoi-bi-ran-luc-bo-vao-nha-can/528260.vnp