Cấp cứu nữ bệnh nhân 38 tuổi đột quỵ khi đang đi chợ cùng chồng

Trong lúc đang đi chợ cùng chồng, bệnh nhân đột nhiên xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn nhiều sau đó suy giảm ý thức dần dần hôn mê.

Chiều 21/3, chị Đinh Thị H (38 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ) được tuyến huyện chuyển lên Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Bệnh nhân khởi phát từ 8h sáng khi đang đi chợ cùng chồng đột nhiên xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn nhiều sau đó suy giảm ý thức dần dần hôn mê, vào Trung tâm y tế huyện với 8 điểm Glasgow, được đặt ống nội khí quản với chẩn đoán ban đầu đột quỵ tắc động mạch não.

Đến 15h00 cùng ngày, bệnh nhân H đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng rối loạn ý thức, liệt nửa người trái, cơ lực yếu. Với tiên lượng rất nặng, các bác sĩ đã giải thích tình trạng cho người nhà bệnh nhân trước khi tiến hành chụp mạch não số hóa xóa nền DSA đồng thời chỉ định can thiệp lấy huyết khối.

Hình ảnh chụp số hóa cho thấy một trường hợp nhồi máu não tắc động mạch thân nền. Hệ động mạch nuôi não từ hai nguồn: Hệ động mạch cảnh phía trước và hệ động mạch đốt sống thân nền ở phía sau. Động mạch thân nền là động mạch rất quan trọng của cơ thể, động mạch được hợp thành từ 2 động mạch đốt sống hai bên. Cấp máu chủ yếu vùng thân não và não sau hai bên. Triệu chứng đột quỵ thân nền có thể xuất hiện và trở nên trầm trọng chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra tình trạng hôn mê, ngừng thở nhanh chóng.

Bệnh nhân đột quỵ được cứu sống.

Bệnh nhân đột quỵ được cứu sống.

Ê kíp can thiệp Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ đã nhanh chóng tập hợp và tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Quá trình tái thông động mạch não bị tắc trong thời gian 20 phút với 1 lần đưa dụng cụ lên lấy huyết khối. Ngay sau khi kết thúc thủ thuật, người bệnh đã dần hồi phục cơ lực và cải thiện ý thức hơn. Sau 4 ngày hồi sức, phục hồi chức năng và nhận sự chăm sóc tích cực từ các nhân viên y tế, bệnh nhân đã có thể tự thở, cơ lực tiến triển tốt, tuy thể trạng có phần suy kiệt như đã có thể giao tiếp với các điều dưỡng, bác sĩ của Trung tâm.

Bác sĩ Hoàng Bỉnh Khiêm - Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ cho biết, trường hợp của chị H nếu tính từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi có chỉ định can thiệp là 7 giờ. Yếu tố để bác sĩ quyết định tái thông dù đã quá thời gian vàng vì đối với hệ tuần hoàn sau thì có chỉ định rộng hơn: trong vòng 6 giờ đầu có thể tiêu sợi huyết, trong vòng 8 giờ đầu với can thiệp mạch.

Theo BS Khiêm người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Sử dụng từ viết tắt FAST để nhận biết nhanh các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

+ Face (mặt) - Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
+ Arms (tay) - Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
+ Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
+ Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Trước đây, đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình của bệnh là từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, với mức tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ.

“Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe mà không hề có những dấu hiệu báo trước. Xu hướng trẻ hóa bệnh đột quỵ có thể là do stress, thói quen ăn uống nhiều muối, chất béo, hút thuốc lá, rượu bia…

Bên cạnh đó, đột quỵ ở người trẻ có thể là do bệnh tim, dị dạng mạch máu não, một số trường hợp vì uống thuốc tránh thai, thuốc kích thích gây viêm hoặc vỡ mạch máu. Lối sống không lành mạnh là nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa.”, Bác sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhấn mạnh.

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/cssk-nhan-dan/nu-benh-nhan-38-tuoi-dot-quy-khi-dang-di-cho-cung-chong-280163.html