Cấp cứu đột quỵ 'dã chiến' trên ca nô

Chỉ với một túi thiết bị, một bác sỹ và 2 nhân viên là kíp trực có thể đến với những bệnh nhân bị các bệnh lý đột quỵ (tai biến mạch máu não) để cấp cứu ngay trên sông.

Các bác sĩ dùng ca nô di chuyển đến cấp cứu cho bệnh nhân ngay trên sông.

Các bác sĩ dùng ca nô di chuyển đến cấp cứu cho bệnh nhân ngay trên sông.

Chính vì yêu cầu phải cấp cứu nhanh, kịp thời đã khiến cho những bác sỹ bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ đưa ra mô hình cấp cứu bệnh nhân trên ca nô đầu tiên ở vùng sông nước Tây Nam Bộ.

Theo TS. BS Trần Chí Cường, Giám đốc bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ cấp cứu đường sông nhằm hướng đến đối tượng bệnh nhân ở ven sông, nơi mà di chuyển bằng đường sông thuận lợi hơn di chuyển và cấp cứu bằng đường bộ.

“Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian của họ là vàng. Vì chỉ cấp cứu chậm vài phút hay vài giây là tính mạng của họ bị đe dọa rất lớn. Chính vì thế, mô hình mới này sẽ giúp các bệnh nhân ở vùng bờ sông, vùng sâu vùng xa có thể được cấp cứu nhanh nhất có thể bằng việc di chuyển đường sông”- BS Cường nói.

Bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ trang bị ca nô để thực hiện các ca cấp cứu trên sông.

Hiện nay bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã trang bị 2 ca nô, trang thiết bị và đội ngũ bác sỹ để thực hiện các ca cấp cứu trên sông trong thời gian sắp tới. Phạm vi hoạt động của mô hình cấp cứu đường sông là địa bàn TP. Cần Thơ và vùng ven sông các tỉnh lân cận.

Theo Th.s BS Huỳnh Quốc Sỹ, Trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân có thể yêu cầu cấp cứu bằng cách liên lạc tới tổng đài bệnh viện. Hệ thống tổng đài sẽ ghi nhận vị trí bệnh nhân, nếu vị trí đó phù hợp với việc cấp cứu trên sông thì kíp trực cấp cứu có thể di chuyển bằng ca nô đến bệnh nhân.

Khi tiếp cận bệnh nhân, bác sỹ sẽ tiến hành đánh giá dấu hiệu sinh tồn để chọn cách xử lý tốt nhất. Trường hợp bệnh nhân nguy kịch, bác sỹ có thể cấp cứu ngay tại chỗ, sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định sẽ di chuyển bệnh nhân về bệnh viện.

“Cấp cứu trên sông đòi hỏi toàn kíp phải có sức khỏe tốt, chuyên môn sâu thì mới có thể xử lý nhanh chóng những trường hợp đột quỵ hay các bệnh lý về tim mạch”- BS Sỹ nói.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, và trong khoảng 3 đến 3,5 giờ nếu không được cấp cứu thì nguy cơ tử vong rất cao. Các chuyên gia cũng đánh giá rằng, tỉ lệ bị đột quỵ tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa với những người có thói quen hút thuốc lá, rượu bia nhiều,…

Tại khu vực Cần Thơ và các tỉnh lân cận, khi có bệnh nhân bị đột quỵ, người dân có thể liên hệ tổng đài 1800.1115 (miễn phí) để được cấp cứu.

Thụy An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cap-cuu-dot-quy-da-chien-tren-ca-no-4003817-v.html