Cấp bằng lái cho học sinh, cách nào đảm bảo thực chất?

Việc triển khai đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho học sinh cần có lộ trình, tính toán các phương án thực hiện đồng bộ...

Trên các tuyến phố tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện. Ảnh: Tạ Hải

Theo Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, người điều khiển xe máy điện, mô tô dưới 50cm3 phải có bằng lái. Quy định này nếu được hiện thực hóa sẽ tác động đến rất nhiều người, chủ yếu là học sinh.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm gì để việc sát hạch, cấp GPLX diễn ra một cách thực chất, giúp người học nắm được kỹ năng cần thiết cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí.

52% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy

Trên các tuyến phố, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện và mô tô dưới 50cm3.

Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được Bộ GTVT xây dựng đầu năm 2020 đã bổ sung GPLX hạng A0 dành cho xe máy dung tích dưới 50cm3 và xe điện dưới 4kW. Ngoài ra, người đủ 16 tuổi trở lên mới được cấp GPLX hạng A0. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT do Bộ Công an xây dựng cũng quy định người lái xe máy dưới 50cm3, xe máy điện có công suất động cơ điện không quá 4kW phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0.

Nhiều học sinh vô tư không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, đi ngược chiều đường, qua đường không bật xi-nhan, thậm chí vượt đèn đỏ. Những chiếc xe lao vù vù trên đường, lượn lách khắp tuyến phố khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn cho các em, nhất là khi các em chưa được đào tạo kỹ năng đi xe, chưa được học Luật Giao thông đường bộ.

Chị Nguyễn Thanh Hiền (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, trước tình trạng học sinh đi xe nhiều lúc ý thức rất kém và chưa có khả năng xử lý tình huống, việc đào tạo để cấp GPLX cho lứa tuổi học sinh từ 16 - 18 tuổi, giúp các em nắm vững luật và kỹ năng điều khiển xe là rất cần thiết.

Tương tự, anh Hà Anh Dũng (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Việc thi bằng lái A0 là cần thiết. Hiện, rất nhiều học sinh phóng xe ra đường nhưng không hề biết một tí gì về biển báo, về các quy định ATGT. Nhiều em thậm chí bị CSGT tuýt còi xử phạt vẫn không hiểu mình phạm lỗi gì”.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông (Trường Đại học Việt Đức) cho biết, theo một kết quả khảo sát về TNGT cho thấy, có 90% số vụ TNGT trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh THPT).

Riêng bậc THPT hiện có 52% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có GPLX, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Thống kê TNGT hàng năm cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong vì TNGT, trong đó phần lớn rơi vào lứa tuổi 16 - 18 tuổi.

Cách nào chống “hợp thức hóa”?

CSGT xử lý học sinh đi xe máy điện vi phạm giao thông. Ảnh: Phương Sơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, bắt buộc người điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3, xe máy điện dưới 4kW có GPLX là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho đối tượng này cần có lộ trình, tính toán các phương án thực hiện đồng bộ, tránh rơi vào tình trạng là thủ tục để “hợp thức hóa” cho trẻ em lái xe ra đường.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, với hàng vạn học sinh cấp THPT từ 16 - 18 tuổi thì nhu cầu đào tạo, sát hạch để được cấp bằng là rất lớn.

Nếu đồng loạt yêu cầu các em đến các trung tâm đào tạo lái xe để học, để thi sát hạch sẽ gây xáo trộn không nhỏ và là điều khó khả thi khi các em phải sắp xếp giữa việc học ở trường và học thi bằng lái. Đặc biệt, nếu ngay từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ngoài đường.

Đồng quan điểm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. “Cần tính toán cụ thể về lộ trình và biện pháp thực hiện”, ông Tạo nói.

Còn theo TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật, việc giáo dục về ATGT đã được lồng ghép trong chương trình ở các cấp tiểu học, giáo dục phổ thông. Vấn đề là phải hoàn thiện lại các kỹ năng, quy tắc tham gia giao thông và hệ thống hóa lại trong hệ thống nhà trường.

Việc thi sát hạch cũng có thể thực hiện ngay tại trường học, xem như thi những môn thi bắt buộc. Học sinh thi đạt sẽ được cấp bằng lái, học sinh nào trượt sẽ được thi lại. Thực hiện được điều này không những không gây xáo trộn cho các em học sinh, mà vẫn đủ để trang bị kiến thức pháp luật về ATGT, giúp các em nắm được các quy tắc tham gia giao thông, nhận diện biển báo, khả năng đoán trước và phòng tránh những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

“Chỉ khi ý thức chấp hành pháp luật về tham gia giao thông được định hình trong trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì mới mong có những công dân chấp hành pháp luật ATGT khi trẻ trưởng thành. Ngành giáo dục cần xem giáo dục ATGT như một môn học bắt buộc. Các em sẽ được đào tạo xuyên suốt từ cấp I, cấp II, đến khi đủ 16 tuổi, các em có thể được cấp GPLX để điều khiển phương tiện dưới 50cm3. Đến khi đủ 18 tuổi có thể được thi bằng lái để điều khiển mô tô, xe máy thông thường”, TS. Bình nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, qua thăm dò dư luận xã hội cho thấy, người dân rất đồng tình với chủ trương cấp GPLX cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3. Hiện, Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các chuyên gia để nghiên cứu phương án xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

“Nguyên tắc là làm sao các kiến thức đưa vào học đơn giản, dễ hiểu, cung cấp đầy đủ các kiến thức về giao thông đường bộ, để hầu hết học sinh nắm được và thực hiện đảm bảo ATGT và phương án là phải thuận tiện, chi phí tiết kiệm cho các em”, bà Hiền cho biết.

Trần Duy

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/cap-bang-lai-cho-hoc-sinh-cach-nao-dam-bao-thuc-chat-d492108.html