'Cặp bài trùng' Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy khao khát đưa âm nhạc dân gian trở lại

Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy lại là hai nhà sản xuất hiếm hoi chấp nhận khó khăn, chông gai để đồng hành cùng nhau trên con đường duy trì sức sống, làm mới âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Hoàng Hồng Ngọc - cô nàng tắc kè hoa biến hóa từ "Why not?" gai góc, cá tính sang "Sen" đằm thắm, trữ tình

Đạt danh hiệu Quán quân Sao Mai 2015 dòng nhạc nhẹ, giọng hát nội lực ấn tượng của Hoàng Hồng Ngọc đã được kiểm chứng bởi cả khán giả và giới chuyên môn. Tuy nhiên, với bản tính thích chinh phục thử thách, Hoàng Hồng Ngọc không ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục đến với sân chơi mới - Sing My Song 2016. Tại cuộc thi năm đó, cô được xem là nữ chiến binh cá tính và gai góc nhất của team Nguyễn Hải Phong với ca khúc "Why not?", "Con rắn". Khi nghe Ngọc hát những sáng tác của mình, nữ ca sĩ Thu Minh đã "sởn da gà": "Cho em những chất liệu bình thường, em đều biến nó thành một thứ cá tính. Chị rất nể em". Tiềm tàng trong con người của Hoàng Hồng Ngọc của thời điểm đó là một chút điên, một chút nổi loạn.

Nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy

Nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy

Tuy nhiên, sau chương trình Hoàng Hồng Ngọc không tận dụng sức nóng để lập tức cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc mà im hơi lặng tiếng một thời gian. Một thời gian sau, người ta lại bất ngờ khi thấy nữ chiến binh của team Nguyễn Hải Phong năm nào trở lại với "Sen", "Lẳng lơ" - những ca khúc mang đậm màu sắc dân gian đương đại. Không nhiều người biết Hoàng Hồng Ngọc đã bén duyên với dân ca từ năm 2013 khi lọt vào chung kết Sao Mai miền Bắc với dòng nhạc này. Vì thế, sự thay đổi của nữ ca nhạc sĩ thời điểm đó đã khiến công chúng hết sức ngạc nhiên. Thay vì những chiếc váy da, mái tóc chải ngược cá tính, công chúng lại thấy một Hoàng Hồng Ngọc rất khác trong chiếc áo dài truyền thống. Có thể thấy, sự kết hợp giữa nét gai góc tiềm tàng trong Hoàng Hồng Ngọc và màu sắc trữ tình trong âm nhạc cổ truyền dân tộc đã tạo ra những phản ứng hết sức thú vị.

Không chỉ hát, nữ ca sĩ "Sen" còn tham gia vào quá trình sản xuất các dự án âm nhạc dân gian. Hoàng Hồng Ngọc cũng cho biết sản xuất là con đường tốt nhất để cô góp phần vào việc duy trì sức sống cho âm nhạc dân tộc cũng như giúp đỡ các ca sĩ theo đuổi dòng nhạc này. Vì theo cô chia sẻ: "Nghệ sĩ hát nhạc dân gian tại khu vực phía Bắc gặp rất nhiều thiệt thòi khi không có ekip mà thường xuyên phải tự thân vận động". Có thể thấy, thời gian gần đây cái tên Hoàng Hồng Ngọc liên tục xuất hiện trong rất nhiều dự án âm nhạc của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian trữ tình như "Thương" (Đinh Hiền Anh), "Noọng ơi" (Sèn Hoàng Mỹ Lam) hay "Nét Việt" (Tuyết Nga). Trong các sản phẩm có nữ ca nhạc sĩ sinh năm 1992 tham gia, khán giả có thể thấy cả những sáng tác mới cũng như những bản dân ca quen thuộc được cô nàng khoác lên một "lớp áo" trẻ trung, hiện đại hơn. Cái tên Hoàng Hồng Ngọc giống như một sự bảo chứng cho sự mới mẻ, văn minh và tính truyền thống của một tác phẩm âm nhạc.

"Cặp bài trùng" Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy khao khát đưa âm nhạc dân gian trở lại

Lê Anh Thủy - nhà sản xuất lặng thầm của âm nhạc dân gian

Khác với Hoàng Hồng Ngọc, Lê Anh Thủy không thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, báo chí, cũng không tham gia vào các cuộc thi sáng tác lớn nhỏ trên khắp cả nước. Vì thế, ít ai biết anh chính là nhà sản xuất được rất nhiều ca sĩ thuộc dòng nhạc dân gian như Đinh Hiền Anh, Tuyết Nga, Huyền Trang tin tưởng chọn mặt gửi vàng.

Lê Anh Thủy được đánh giá là một nhà sản xuất mát tay lại có khả năng sáng tác nhiều thể loại khác nhau nhưng cha đẻ của ca khúc "Nhan sắc" lại lựa chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian vốn bị cho là cũ, lỗi thời.

Hơn ai hết, Lê Anh Thủy là người hiểu rõ nhất những thách thức, khó khăn, chông gai của con đường mà mình đang đi. Chính bản thân anh cũng phải thừa nhận rằng do tính chất của dòng nhạc này mà nghệ sĩ dân gian không có nhiều cơ hội được bùng nổ, nhà sản xuất lại càng ít được công chúng chú ý đến. Việc đưa âm nhạc dân gian tiếp cận được với nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là khán giả trẻ chính là áp lực nặng nề đối với nhà sản xuất. Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ Lê Anh Thủy có ý định từ bỏ dân ca để chọn một lối đi mới dễ thở hơn. Theo anh, không có chuyện dòng nhạc này là đẳng cấp, dòng nhạc kia thì không. Dân gian cũng giống như một đợt sóng ngầm trong dòng chảy âm nhạc chung. Đã trót yêu dân ca thì phải sống chết với nó kể cả khi nó chỉ là mạch nước ngầm lặng lẽ đắp bồi cho nền âm nhạc Việt Nam.

Những người con đất Nghệ tay ngang sáng tác nhạc dân gian bằng đam mê

Có cơ hội gặp gỡ từ những ngày còn ở Nghệ An, thế nhưng tới tận khi ra Hà Nội lập nghiệp Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy mới thực sự bén duyên rồi trở thành tri kỉ trong âm nhạc. Nói về những ngày đầu quen biết, Hoàng Hồng Ngọc bồi hồi chia sẻ: "Tôi hay gọi nhạc sĩ Lê Anh Thủy là chú. Vì lớp 12, khi chuẩn bị thi đầu vào trường nghệ thuật, tôi đã được chú Thủy dạy về thẩm âm tiết tấu. Khi đó, chúng tôi cũng không thân thiết hay trò chuyện tâm sự gì nhiều. Sau một thời gian, lúc anh Thủy ra Hà Nội học nâng cao, chúng tôi mới có cơ duyên gặp lại. Phải tới thời điểm đó, hai anh em mới bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn. Anh Thủy cũng là người hết sức trân quý nghệ sĩ trẻ. Thời điểm chúng tôi gặp lại, tôi còn chưa thi Sing My Song, chưa bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhưng anh đã nhìn ra ở tôi những tiềm năng trong âm nhạc dân gian".

Không thích ồn ào, khuếch trương, cũng chẳng bao giờ có suy nghĩ kể công nên không nhiều người biết Lê Anh Thủy chính là người anh, người thầy, người đã dìu dắt Hoàng Hồng Ngọc từ những ngày đầu chập chững trên con đường sáng tác. "Anh Thủy là người đã tạo rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho tôi. Khi trao cho tôi cơ hội làm việc trong dự án của chị Đinh Hiền Anh, anh đã tâm sự: "Chú muốn cháu tham gia sáng tác bởi trong dự án này có 2 nhạc sĩ đàn anh rất có tên tuổi là anh Tú Dưa và anh Đỗ Bảo". Có thể nói, anh Lê Anh Thủy chính là người thầy, người bảo trợ cho đường đi của tôi. Mọi người nhìn vào thì có thể thấy anh ấy không nổi tiếng bằng tôi. Nhưng thực chất, anh lại là người dìu dắt, đưa mình vào con đường sáng tác chuyên nghiệp" - Hoàng Hồng Ngọc tâm sự.

Giữa chúng tôi không bao giờ có hai từ "cạnh tranh"

Khi được hỏi giữa hai người có bao giờ tồn tại sự cạnh tranh hay không, cả Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy đều có câu trả lời giống nhau. "Không, giữa chúng tôi hoàn toàn không có sự cạnh tranh. Nếu tôi được đảm nhiệm vai trò sản xuất cho một dự án âm nhạc mà các sáng tác của Ngọc phù hợp, tôi sẽ lập tức mời Ngọc tham gia viết bài và ngược lại. Chúng tôi làm việc dựa trên sự thân thiết, gắn bó" - Lê Anh Thủy chia sẻ.

Hợp tác với nhau trong nhiều dự án, sự bất đồng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi được hỏi cả hai có bao giờ cãi nhau trong quá trình làm việc không, câu trả lời lại là: "Chúng tôi gần như không bao giờ cãi nhau, chắc do hợp tuổi hay sao đó (cười). Thế nhưng, cũng có những lúc tranh luận chứ. Để đem đến cho khán giả sản phẩm âm nhạc chất lượng nhất thì không thể thiếu những tranh luận. Tranh luận để cho tác phẩm của mình tốt hơn chứ không phải để chứng minh bản thân".

Tìm được những "cặp bài trùng" trong sản xuất âm nhạc đã khó, tìm được tri kỉ trong sản xuất nhạc dân gian lại càng khó khăn hơn. Vậy mà trên con đường chông gai, ít người đi ấy, bộ đôi nhà sản xuất tài năng Hoàng Hồng Ngọc và Lê Anh Thủy lại may mắn tìm được nhau. Đằng sau hào quang trên sân khấu của nghệ sĩ luôn là những con người thầm lặng giữ gìn, làm mới, nỗ lực đưa âm nhạc dân gian vào nhịp sống đương thời.

Đỗ Quyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cap-bai-trung-hoang-hong-ngoc-va-le-anh-thuy-khao-khat-dua-am-nhac-dan-gian-tro-lai-20191007141932203.htm