Cấp bách tìm giải pháp chủ động nguồn nước

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những năm gần đây, tài nguyên nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa.

Đặc biệt, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn (HH&XNM) xảy ra khốc liệt đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng nước sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Để bảo đảm cơ sở phát triển bền vững lâu dài cho vùng ĐBSCL, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần chú trọng các giải pháp quản lý tổng hợp, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Gần 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Được mệnh danh là vùng sông nước nhưng chuyện thiếu nước ngọt vào mùa khô diễn ra ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây cho thấy, đợt hạn, mặn năm nay, ĐBSCL có gần 80.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu chết khô vì thiếu nước…

Tại Cà Mau, theo thống kê, có khoảng 17.000ha lúa và hơn 42.000ha rừng tập trung ở các xã: Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích thuộc huyện U Minh đối diện với nguy cơ cháy, trong đó có hơn 3.000ha rừng dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, dù đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp nhưng hiện nay số hộ dân đang thiếu và chưa chủ động được nước sinh hoạt là khoảng 9,44%, tương đương hơn 21.000 hộ, chủ yếu ở các huyện: Năm Căn, U Minh, Trần Văn Thời…

 Nông dân Đồng Tháp áp dụng hệ thống tưới thông minh giúp tiết kiệm nước.

Nông dân Đồng Tháp áp dụng hệ thống tưới thông minh giúp tiết kiệm nước.

Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất còn xảy ra ở nhiều địa phương như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre… Theo thống kê, hiện Bến Tre có 12.700 hộ, Sóc Trăng: 24.400 hộ, Kiên Giang: 11.300 hộ, Bạc Liêu: 3.300 hộ… thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng lo ngại hơn là HH&XNM chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đó, nhiều kênh, rạch, hồ trữ nước và nhà máy cung ứng nước sạch đã bị nhiễm mặn.

Tại Bến Tre, hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri)-hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL-có sức chứa gần 1 triệu mét khối nước, với vốn đầu tư 85 tỷ đồng cũng bị nhiễm mặn trên 2‰. Cùng với đó, mấy ngày nay, nước sạch do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung ứng cho người dân TP Bến Tre cũng bị nhiễm mặn nên nhiều người phải bỏ tiền mua nước ngọt về sử dụng với giá từ 100.000-200.000 đồng/m3. Chị Lê Thị Bé Hai ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ năm 2016, năm nay gia đình tôi chủ động nguồn nước trữ trong lu, khạp và sử dụng tiết kiệm nhưng vẫn không đủ cho gia đình sử dụng. Kênh, rạch cạn nước, nắng nóng cháy da không có mưa nên gia đình đành phải mua nước ngọt để sử dụng”.

Chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Theo dự báo từ Bộ NN&PTNT, tổng nhu cầu sử dụng nước năm 2020 cần khoảng 1,97 triệu m3/ngày; đến năm 2025 cần khoảng 2,65 triệu m3/ngày và đến năm 2030 con số này sẽ là 3,27 triệu m3/ngày. Trong khi đó, tài nguyên nước không phải vô hạn, do vậy, quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả là rất cần thiết, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Với nhận thức “Nước không còn là tài nguyên vô hạn”, cần có cách ứng xử đúng đắn hơn, năm 2018, ĐBSCL có 3 địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ tài nguyên nước, gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và hai địa phương đang xây dựng đề cương là: Cần Thơ, Sóc Trăng. Cùng với đó, việc triển khai thi hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là Nghị định 82 góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước từng bước đi vào nền nếp. Nếu trước đây các cơ sở kinh doanh và cấp nước xem nước là “của trời cho”, tùy ý sử dụng, thì giải pháp kinh tế đã khiến họ xem xét lại cách sử dụng hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, cơ quan quản lý có thêm nguồn thu để thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước”.

Thời gian qua, để quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, các địa phương khu vực ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp, điển hình như tỉnh An Giang. Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả nhất định và nỗ lực kiện toàn thể chế chính sách trong quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh giáp ranh trong khu vực để khai thác và chia sẻ hợp lý nguồn nước, đặc biệt trong vùng tứ giác Long Xuyên. 3 năm qua, An Giang đã hợp tác với Kiên Giang và đang mở rộng với Cần Thơ, Hậu Giang. Tỉnh tổ chức các mô hình cho cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên nước bằng nhiều hình thức, như: Mô hình cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng… để người dân ý thức được tài nguyên nước là tài sản chung của cộng đồng.

Theo các chuyên gia, dù đạt kết quả cao song về lâu dài cần tính toán đến vấn đề tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Bởi lượng nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm 70%. Nhằm giúp nông dân hạn chế thiệt hại và giảm bớt khó khăn trong điều kiện thiên tai tại vùng ĐBSCL, PGS, TS Châu Minh Khôi, Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Đã đến lúc người nông dân cần tính toán chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp hơn để tiết kiệm nguồn nước. Theo đó, áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ là giải pháp hiệu quả cao. Giải pháp này sẽ giúp nông dân giảm áp lực thiếu nước tưới, giảm chi phí bơm tưới và thích ứng được trong mùa nước ngọt khan hiếm, lượng mưa phân bố không đồng đều song vẫn bảo đảm được năng suất và lợi nhuận cho nông dân”.

Cùng với các giải pháp trên, theo nhiều chuyên gia, cần cấp bách triển khai dự án an toàn nước tích hợp vùng ĐBSCL, đồng thời ứng dụng giải pháp thu gom và sử dụng nước mưa để bổ sung thích hợp trong điều kiện nguồn nước suy giảm về chất và lượng dưới tác động của biến đổi khí hậu, đó cũng là giải pháp hữu ích để cứu nguy cho ĐBSCL.

Bài và ảnh: THẢO QUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cap-bach-tim-giai-phap-chu-dong-nguon-nuoc-611302