Cấp bách rà soát, kiểm tra việc đưa rước học sinh bằng ôtô

Từ vụ việc không may xảy ra ở Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội), ngành Giáo dục dường như mới 'ngộ' ra rằng, hoạt động đưa đón học sinh (HS) lâu nay đã thiếu sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Giao thông.

Trong khi tại nhiều nước, từ lâu HS luôn có một loại xe riêng chuyên đưa đón thay cho xe thông thường thì tại Việt Nam, chuyện đưa rước HS bằng xe tự chế lâu nay vẫn được coi là bình thường; thậm chí như tại một số địa phương, HS đi - về trên những chiếc xe tự chế không đảm bảo an toàn...

 Học sinh được đưa rước bằng xe tải nhẹ chở hàng chuyển đổi công năng là rất phổ biến tại khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh.

Học sinh được đưa rước bằng xe tải nhẹ chở hàng chuyển đổi công năng là rất phổ biến tại khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh.

Tại một số địa phương nhất là khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh (như: Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình), PV Báo CAND ghi nhận tình trạng đưa đón HS bằng những chiếc xe tải nhỏ được hoán đổi từ chở hàng sang chở người khá phổ biến.

Việc đi lại hàng ngày nhất là vào giờ cao điểm giao thông kẹt xe, tiềm ẩn không ít nguy cơ, thiếu an toàn cho HS. Do được cải tạo từ xe chở hàng thành xe chở người, những chiếc xe này hầu như không có các thiết bị bảo đảm an toàn cho người như dây an toàn, kể cả cửa xe.

Mặc dù chỉ có hai ghế dọc hai bên thùng xe được cho là có thể chở tối đa 12 người, nhưng xe nào cũng nhồi nhét thêm và cho HS ngồi ghế nhựa. Nhiều lúc, trên xe, HS không có ai quản lý phía sau tha hồ nô đùa, xe không hề có cửa lên xuống làm vật chắn và trên đường rất đông phương tiện lưu thông. Nếu lỡ không may HS rơi xuống đường thì khó tránh khỏi bị thương tích nguy hiểm.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết ngành Giáo dục thành phố rất lo ngại khi gần đây xảy ra những vụ việc đưa rước HS gặp nguy hiểm.

Lãnh đạo Sở đã có công văn chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục phổ thông có hoạt động đưa rước HS bằng ôtô. Theo đó, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn cho HS trong việc tổ chức đưa đón HS bằng xe ôtô. Sở chỉ đạo, những cơ sở giáo dục có hợp đồng đưa rước HS buộc phải báo cáo với Sở về hoạt động hợp đồng với đơn vị cho thuê xe, người lái xe…

Trước đó, UBND thành phố cũng có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học có sử dụng xe ôtô hợp đồng đưa đón HS. Qua đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện quy định về an toàn giao thông (ATGT) đối với phương tiện, người lái.

Hai Sở phải phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATGT đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh. UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở GTVT, Công an thành phố giao các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về ATGT; đặc biệt quan tâm, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động đưa đón HS bằng ôtô.

Văn bản ngày 20-9 của sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh gửi tới các cơ sở giáo dục chỉ đạo rõ, các cơ sở cần thực hiện các nhiệm vụ cấp bách đảm bảo ATGT đối với xe ôtô đưa rước HS.

Nhằm thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021” và công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đầu năm học 2019 – 2020 cho HS, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát việc sử dụng xe ôtô hợp đồng đưa đón HS, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ các quy định ATGT đối với phương tiện, người lái.

Chấm dứt hợp đồng đối với các đơn vị, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT đã được xác định trong hợp đồng đưa đón HS bằng ôtô. Xây dựng quy trình tổ chức đưa đón và quản lý HS. Có kế hoạch tập huấn và bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ tổ chức đưa đón HS bằng xe ôtô cho tài xế, bảo mẫu, giáo viên chủ nhiệm và nhân viên phụ trách. Có nội quy cho HS khi tham gia xe đưa đón…

Tuy nhiên, chỉ đạo của thành phố và Sở GD&ĐT cũng chỉ mới quy định chung chung, mà chưa có quy định cụ thể về mẫu xe nên mỗi nơi một kiểu xe. Thắc mắc vì sao thành phố không quy định mẫu xe đưa đón HS bằng ôtô?, một lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, việc này còn đang nghiên cứu.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, trước mắt, nhằm hạn chế HS sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, các trường có thể phối hợp với cha mẹ HS tổ chức xe đưa đón HS. Tuy nhiên, quy trình đưa đón HS bằng xe ôtô phải được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, trong đó phải thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình HS.

Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho HS. Công tác bàn giao HS cho giáo viên chủ nhiệm lớp phải được kiểm tra, ký bàn giao chặt chẽ. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý HS, thông báo kịp thời cho gia đình khi HS vắng mặt chưa rõ lý do.

Trao đổi thêm về vấn đề an toàn cho HS, thầy Trần Dương Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cũng cho hay, ngay từ khi khánh thành và đi vào hoạt động, Nhà trường rất chú ý tới việc an toàn cho HS khi tới lớp. Theo đó, tổng số HS của toàn trường là 1.100 em.

Ngay đầu năm học, Nhà trường đã phổ biến qui định bắt buộc đó là cha mẹ HS phải có trách nhiệm đăng ký với giáo viên chủ nhiệm cụ thể về người nào (cha hay mẹ) tới đưa rước con hàng ngày.

Để không xảy ra tình trạng kẹt xe trước cổng trường, gây mất ATGT tại khu vực, việc đưa rước được sắp xếp lệch giờ. HS lớp 1-2-3 được đưa về lúc 16h, HS lớp 4-5 được ra về muộn hơn 30 phút.

Nếu trong ngày đó đột xuất cha mẹ không tới rước con được thì gia đình phải thông báo cho cô chủ nhiệm ngay đầu giờ khi đưa con tới lớp rằng sẽ có người khác trong gia đình thay thế tới rước con hoặc cam kết chịu trách nhiệm là cho HS đi bộ về nhà. Phòng tránh việc HS bị bắt cóc, bị lạc…Trong giờ đón HS về, BGH trực tiếp đứng giám sát, theo dõi có sắp xếp riêng khu vực cho HS đứng, đợi cha mẹ tới, trực tiếp nhận bàn giao con em mình từ tay cô chủ nhiệm.

Lâm Đồng ra quân kiểm tra xe đưa đón học sinh

Ngày 23-9, Đoàn kiểm tra liên ngành Công an TP Đà Lạt và Thanh tra Sở GTVT Lâm Đồng đã ra quân kiểm tra các xe đưa đón học sinh (HS) trên địa bàn sau khi xảy ra sự cố tại một số địa phương để quên HS trên xe, đã có trường hợp dẫn đến HS tử vong gây bức xúc dư luận.

Đối với loại xe này, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra các quy định về giấy phép kinh doanh vận tải, hợp đồng đưa đón HS, niên hạnh sử dụng, phù hiệu, đăng ký, đăng kiểm... Ngoài việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đoàn kiểm tra còn nhắc nhở tài xế phải kiểm tra kỹ mỗi lần HS lên và xuống xe, tránh để trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cũng trong dịp này, lực lượng chức năng còn kiểm tra các doanh nghiệp vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, đặc biệt chú trọng vào các lỗi như chạy không đúng tuyến, lịch trình vận tải, thu tiền vé không đúng giá đã đăng ký.

Đối với xe vận chuyển hành khách du lịch, vận chuyển khách theo hợp đồng, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra danh sách hành khách, đối chiếu người trên xe với danh sách trong hợp đồng, giám sát việc đón và trả khách ghi trong hợp đồng. Những xe khách tự ý tháo bớt hoặc lắp thêm ghế, giường, không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động, xe không gắn phù hiệu cũng sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng kiểm tra các quy định trong việc kinh doanh vận tải taxi, xe buyt. Ngay trong buổi đầu ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính một số nhà xe về các lỗi vi phạm các quy định về vận chuyển hành khách. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện việc kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách từ này đến hết tháng 12-2019.

Khắc Lịch

H.Nga – N.Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/cap-bach-ra-soat-kiem-tra-viec-dua-ruoc-hoc-sinh-bang-oto-562828/