Cấp bách bảo vệ những loài lan rừng quý hiếm

Hoa lan là một trong những họ thực vật lớn nhất với khoảng trên 35.000 loài phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Trong đó, tại Việt Nam có trên 800 loài.

Thực trạng đáng báo động

Hiện nay diện tích rừng ở nước ta ngày càng bị thu hẹp do tình trạng khai thác gỗ, khai hoang đất rừng làm nương rẫy dẫn đến môi trường sinh sống của lan rừng bị tác động cực lớn.

Đặc biệt, khi nhu cầu chơi lan rừng ngày càng tăng cao của nhiều tầng lớp nhân dân, việc khai thác lan ồ ạt đã dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng các giống lan quý hiếm.

Đặc biệt, trong các loài lan rừng, Lan hoàng thảo Giả hạc (Dendrobium anosmum L.) và Lan hoàng thảo Kèn (Dendrobium lituiflorum) là hai trong những loài hoa lan rừng được yêu thích cả về màu sắc và mùi hương, chúng được phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các khu rừng già ở các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam.

Ở Việt Nam, lan Giả hạc phân bố rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, KomTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… Những năm gần đây, tuy có những nghiên cứu nhằm nhân giống trong phòng thí nghiệm, huấn luyện chuyển cây con từ giai đoạn trong bình nuôi cấy sang giai đoạn vườn ươm, nhưng các công trình công bố còn rất ít và chưa hoàn thiện thành quy trình.

Ông Phạm Văn Thái, một người chơi lan nổi tiếng tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, hiện nay người chơi lan rất nhiều, nhu cầu lan ngày càng lớn đối với người dân thành phố.

Tuy nhiên theo ông Thái, hiện nay rừng đã bị thu hẹp nhiều nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loài lan, đặc biệt là những loài lan quý hiếm.

“Cần có một phương án nghiên cứu bảo tồn các loài lan và các nhà khoa học cần vào cuộc nhằm có sự đảm bảo bền vững duy trì các loài lan”- anh Thái chia sẻ.

Cấp bách bảo tồn dòng lan quý

Trong nỗ lực bảo tồn dòng lan quý, nhóm các nhà khoa học đang công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên đã bắt tay vào nghiên cứu quy trình chăm sóc cây con “in vitro” trong điều kiện nhà màng nhằm bảo tồn, nhân giống 2 loài lan rừng quý là hoàng thảo Giả hạc và hoàng thảo Kèn.

Cây con “in vitro” đã phát triển rất tốt trong điều kiện nhà màng

Cây con “in vitro” đã phát triển rất tốt trong điều kiện nhà màng

Đồng thời, sản phẩm của đề tài là mô hình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và tạo thương hiệu sản phẩm hoa lan rừng của Trường Đại học Tây nguyên.

Theo kết quả nghiên cứu, môi trường bổ sung chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng đến sự sinh trưởng trong điều kiện “in vitro” của hoa lan Hoàng thảo kèn và Hoàng thảo giả hạc.

Ngoài ra, điều kiện nhiệt độ và cường độ ánh sáng của phòng nuôi cấy giúp cây “in vitro” sinh trưởng tốt hơn khi chuyển sang điều kiện chăm sóc trong nhà màng.

Việc sử dụng màng che làm giảm cường độ ánh sáng còn 50% là thích hợp cho khả năng sinh trưởng của cây lan con “ex vitro” trong nhà màng.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã bổ sung giá thể xơ dừa, nâng cao khả năng thích nghi và tỉ lệ sống sót của cây lan con giai đoạn “ex vitro”.

Các nhà khoa học cũng kết hợp sử dụng luân phiên Growmore và Chitosan oligomer, giúp cho cây lan con giai đoạn “ex vitro” sinh trưởng tốt hơn so với chỉ sử dụng một loại phân bón. Đồng thời, Sử dụng nano Cu và Nano Ag cho kết quả phòng bệnh tốt nhất của cây lan trong điều kiện “ex vitro”.

Theo các nhà khoa học, trong giai đoạn “ex vitro”, giá thể là yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp cây con sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loài lan, điều kiện trồng mà chọn giá thể phù hợp.

Giá thể được sử dụng phổ biến nhất trong việc trồng cây lan Dendrobium, gồm xơ dừa, đá bọt, than củi, thân gỗ, gạch, thân rễ cây dương xỉ, rễ bèo tây, rong biển.

Cấu tạo giá thể là điều kiện quyết định sự phát triển của lan, phương pháp ghép trên thân cây sống và thân cây chết thì giá thể chính là lớp vỏ của thân kí chủ.

Từ những thành công trong nghiên cứu và thực tiễn, các nhà khoa học đang xây dựng mô hình trồng hoa lan rừng Hoàng Thảo Kèn và Giả Hạc tại vườn thực nghiệm Trường Đại học Tây Nguyên nhằm phục vụ đào tạo, đồng thời bảo tồn nguồn gen và phát triển thương hiệu giống hoa Lan rừng.

Anh Hồ Quang Thực – một người chơi lan chuyên nghiệp ở Đắk Lắk đánh giá công trình của các nhà khoa học trường Đại học Tây Nguyên rất cao.

Anh Thực cho rằng hiện nay nhu cầu chơi lan của người dân là rất lớn mà lan rừng ngày càng hiếm vì diện tích rừng bị thu hẹp ảnh hưởng tới môi trường sống của lan rất nhiều nên việc nghiên cứu bảo tồn 2 loài lan quý hiếm như hoàng thảo Giả hạc và hoàng thảo Kèn là rất tốt.

Như vậy sau một quá trình nghiên cứu các nhà khoa học Trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu thành công quy trình chăm sóc cây con “in vitro” trong điều kiện nhà màng phục vụ cho công tác bảo tồn các loại lan quý hiếm.

Đây là một sự thành công trên cả mong đợi đối với các nhà khoa học Trường Đại học Tây Nguyên và có ý nghĩa rất lớn đối với những người chơi lan.

Hải Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/cap-bach-bao-ve-nhung-loai-lan-rung-quy-hiem-272213.html