Cao ủy EU: TT Trump làm hại quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Người đứng đầu về đối ngoại EU nói việc Tổng thống Trump công kích EU đã làm hại đáng kể quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khiến khối có hướng đi riêng trong các vấn đề quốc tế.

Ông Josep Borrell nói châu Âu sẽ không theo lời kêu gọi của Mỹ trong việc có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, giữa lúc Mỹ và EU ngày càng có nhiều bất đồng - về Iran, về hòa bình Trung Đông, về thương mại, chi tiêu quốc phòng, và việc Mỹ rút khỏi một số tổ chức và hiệp ước quốc tế, theo Wall Street Journal.

“Chúng tôi gần với Mỹ hơn so với Trung Quốc... vì có chung hệ thống chính trị, và đây là điểm đáng kể”, ông Borrell, lên nắm vị trí lãnh đạo đối ngoại EU 6 tháng trước, nói trong cuộc phỏng vấn tuần này. Nhưng “rõ ràng chúng tôi không có cùng kiểu đối đầu mang tính hệ thống với Trung Quốc” mà Washington gặp phải.

 Người đứng đầu về đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: Anadolu.

Người đứng đầu về đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: Anadolu.

Làm ngơ lợi ích EU

Ông Borrell nói việc ông Trump công kích EU như một đối thủ đã làm sâu thêm các bất đồng nổi lên từ đầu nhiệm kỳ ông Trump.

“Quan hệ không thể như cũ, nếu ở phía bên kia Đại Tây Dương, có người luôn tin EU được tạo ra để gây thiệt cho Mỹ, mà tôi cho là cách hiểu hoàn toàn sai về lịch sử”.

Ông nói một số quyết định của Mỹ đã làm ngơ lợi ích của EU. Trong đó bao gồm việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa đại dịch, đe dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế, và dự định rút khỏi một hiệp định từ thập niên 1990 nhằm giảm căng thẳng với Nga.

“Nếu tôi là một người bạn thân của anh, và anh có các quyết định ảnh hưởng đến tôi, mà không tính đến lợi ích của tôi - thậm chí còn không chú ý đến tôi - tôi có quyền nói là tôi có đồng ý hay không”, ông Borrell nói.

Sự bất đồng Mỹ - EU sẽ tăng lên khi Mỹ bước vào mùa bầu cử. Washington đang đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran một cách đơn phương tại Hội đồng Bảo an, bất chấp phản đối của EU. Nhiều nước EU coi việc Mỹ ủng hộ kế hoạch của Israel lấy thêm đất của Palestine sau ngày 1/7 là đòn kết liễu giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel - Palestine.

Tuần này, việc ông Trump xác nhận kế hoạch rút bớt quân khỏi Đức làm các đồng minh trong khối NATO lo ngại.

Về vấn đề Iran, ông Borrell, cũng là người phụ trách cơ quan giám sát thỏa thuận hạt nhân 2015, cho biết ông sẵn sàng cho khả năng cải tổ, thậm chí mở rộng thỏa thuận như Mỹ muốn, nhưng chỉ bằng cách dựa trên thỏa thuận hiện giờ.

“Tôi không chống lại ý tưởng sửa đổi, mở rộng, cân nhắc lại thỏa thuận này - gì cũng được”, ông nói. “Nhưng không thể ném thỏa thuận hiện giờ ra ngoài cửa sổ và bắt đầu lại từ con số 0”.

Các quan chức của ông Trump muốn coi nhẹ bất đồng xuyên Đại Tây Dương, và nói hợp tác Mỹ - EU vượt xa các bất đồng.

Việc ông Trump xác nhận kế hoạch rút bớt quân khỏi Đức làm các đồng minh trong khối NATO lo ngại.

TQ vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh

Ông Borrell kêu gọi Mỹ và EU có thêm đối thoại về Trung Quốc, bao gồm kênh song phương để thảo luận các thách thức mà Bắc Kinh gây ra, chứ không chỉ là “thỉnh thoảng đối thoại”.

Quan hệ EU - Trung Quốc cũng đang ngày càng sóng gió. EU cáo buộc Trung Quốc phát tán tin giả về cách EU chống dịch, và cảnh báo việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát Hong Kong sẽ “làm xói mòn lòng tin”.

Ngoài ra, EU và Trung Quốc cũng không thúc đẩy được một hiệp định đầu tư sẽ cho các công ty châu Âu sự bảo hộ tốt hơn ở Trung Quốc. EU đã thắt chặt rà soát các đầu tư từ Trung Quốc và đề xuất tăng kiểm soát công nghệ Trung Quốc. Ngày 17/6 vừa qua, cơ quan chống độc quyền EU tuyên bố các động thái cứng rắn hơn với công ty Trung Quốc được chính phủ trợ cấp.

Ông Borrell nói quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng thách thức, khi mà EU coi Bắc Kinh vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, vừa là “đối thủ mang tính hệ thống” về mặt chính trị.

EU đã hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng dịch Covid-19 đã buộc hội nghị đầu tiên giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với cả 27 lãnh đạo EU phải hoãn lại. Hội nghị đã dự kiến tổ chức vào tháng 9 ở Đức. Thay vào đó, chỉ có hội nghị thượng đỉnh qua video vào ngày 22/6 giữa các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc và EU.

Trong khi Washington đã có thông điệp rõ ràng, rằng Trung Quốc là đe dọa toàn cầu, thì sự khác biệt giữa 27 nước thành viên EU đồng nghĩa với việc EU thường có nhiều tiếng nói trong các vấn đề lớn như Hong Kong hay nhân quyền.

“Với ông Pompeo thì dễ hơn”, ông Borrell nói. “Ông chỉ nói đại diện cho nước Mỹ. Ông ấy không phải đi qua quá trình phức tạp là xây dựng một lập trường chung”.

Ông Borrell thừa nhận Trung Quốc gây ra đe dọa về quân sự ở châu Á, như đụng độ chết người ở biên giới Trung - Ấn tuần qua là ví dụ. Ông cũng nói công nghệ Trung Quốc đem theo mối đe dọa vào châu Âu.

Nhưng ông nói EU không nên bị kéo vào xung đột với Bắc Kinh. Ông cho biết trong một cuộc trao đổi tuần trước, người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị, cảnh báo thế giới đang bị đẩy đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

“EU không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh”, ông Borrell nói.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cao-uy-eu-tt-trump-lam-hai-quan-he-xuyen-dai-tay-duong-post1097822.html